Tổng kết Cuộc thi tiểu phẩm truyền thông “Lan toả hành động nhân ái”

Nhằm đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền giá trị nhân đạo, góp phần lan tỏa sâu rộng các giá trị tốt đẹp đó trong xã hội, nhân lên những nghĩa cử cao đẹp, hành động tử tế trong cộng đồng; tôn vinh những hành động nhân ái, những đóng góp của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ trên hành trình trợ giúp những người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã hội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Cuộc thi tiểu phẩm truyền thông “Lan tỏa hành động nhân ái".

Ban Giám khảo của cuộc thi bao gồm 05 thành viên, trong đó Trưởng Ban là Ông Trần Quốc Hùng – Nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội; Bà Dương Lan Hương - Đạo diễn, Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam; Ông Nguyễn Cao Cường - Chủ tịch Hội đồng giảng viên Học viện truyền thông Libra, Giảng viên của Hội nhà báo Việt Nam; Ông Phạm Văn Hà – Giám đốc Trung tâm Truyền hình Nhân đạo; Bà Lê Thu Hiền – Phó Trưởng Ban Truyền thông Trung ương Hội. Thành viên Ban Giám khảo là những người có chuyên môn trong các lĩnh vực sản xuất phim, video, truyền thông, có phương pháp làm việc khoa học, trách nhiệm, công tâm, khách quan, thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế trong chấm thi. 

Để đẩy mạnh tuyên truyền cho Cuộc thi, tạo sự lan tỏa rộng rãi về Cuộc thi cũng như các hình ảnh hoạt động của Hội Chữ thập đỏ, Trang Fanpage của Hội đã đăng 24 tác phẩm dự thi có chất lượng được lựa chọn vào vòng chung khảo nhằm tuyên truyền rộng rãi tới các độc giả trên toàn quốc; đồng thời để người dự thi có thể tham gia phần thi bình chọn qua Facebook bằng cách thu hút các lượt chia sẻ (share) và bình luận (comment), góp phần tăng cường lượt tương tác trên hệ thống Facebook của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

mot-hoat-canh-trong-tieu-pham-van-dong-di-doi-cac-ho-dan-truoc-bao-lu-thien-tai-hoi-chu-thap-do-huyen-vu-quang-1669174822.jpeg
Một hoạt cảnh trong tiểu phẩm “Vận động di dời các hộ dân trước bão lũ thiên tai” (Hội Chữ thập đỏ huyện Vũ Quang).

Sau khi phát động cuộc thi Ban Tổ chức đã nhận được 48 tác phẩm dự thi của 27/63 tỉnh, thành Hội tham gia gồm: Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Giang, Bình Thuận, Bình Định, Bình Phước, Bình Dương. Cần Thơ, Đồng Tháp, Đăk Lăk, Đà Nẵng, Hà Nam, Hà Nội, Hòa Bình, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương. Hà Tĩnh, Hưng Yên, Lâm Đồng, Lào Cai Nghệ An, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Nam, Sơn La, Thái Bình, Tiền Giang, Thanh Hóa. 

Căn cứ vào thể lệ Cuộc thi, sau vòng sơ loại đã có 24 tiểu phẩm của 16 tỉnh, thành Hội được lựa chọn vào vòng chung khảo. Với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, công tâm, Ban Giám khảo đã tiến hành chấm và lựa chọn 10 tiểu phẩm có chất lượng cao nhất để đề nghị trao giải Cuộc thi. 

Các tiểu phẩm này hợp lệ, đảm bảo về yếu tố kỹ thuật và nội dung. Các tác phẩm đoạt giải là những tác phẩm đi sâu khai thác, phản ánh các nội dung trung thực và cảm động về các lĩnh vực hoạt động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: Tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo, hiến mô tạng; phòng chống dịch bệnh COVID-19, các hoạt động trợ giúp nhân đạo, phòng ngừa ứng phó thảm họa. 

Về hình thức thể hiện, đa phần các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo là những tác phẩm đảm bảo yếu tố của một tiểu phẩm (có câu chuyện, nhân vật, hội thoại, thông điệp), có sự đầu tư trong quay phim, diễn xuất, mang đậm màu sắc vùng miền, địa phương thông qua trang phục dân tộc, các điệu hò ví dặm, dân ca xứ Nghệ hay cải lương.

Sau khi ban giám khảo bàn bạc và chấm điểm đã chọn ra tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Cụ thể: 01 giải nhất thuộc về tác phẩm “Tâm" – Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Dương. 02 Giải Nhì thuộc về Tiểu phẩm “Màu áo đỏ thầm lặng và cao cả” – Hội Chữ thập đỏ thành phố Hồ Chí Minh và Tiểu phẩm “Lối về bản" – Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai. 02 Giải Ba thuộc về Tiểu phẩm “Giữ nhịp đập trái tim" – Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định; Tiểu phẩm “Cùng đi hiến máu” – Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh.

tieu-pham-tam-hoi-chu-thap-do-tinh-binh-duong-doat-1-giai-nhat-cuo-thi-tieu-pham-truyen-thong-lan-toa-hanh-dong-nhan-ai-1669174822.jpeg
Tiểu phẩm “Tâm” - Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Dương đoạt  giải Nhất Cuộc thi tiểu phẩm truyền thông “Lan tỏa hành động nhân ái”.

5 Giải Khuyến khích thuộc về Tiểu phẩm “Tôi hiểu rồi" – Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ; Tiểu phẩm “Hội Chữ thập đỏ vì mọi người ở mọi nơi” – Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội; Tiểu phẩm “Giọt sống” – Hội Chữ thập đỏ thành phố Cần Thơ; Tiểu phẩm “Nhân rộng yêu thương” – Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Nam; Tiểu phẩm “Đi qua mùa dịch” – Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng.

05 giải bình chọn qua trang Facebook của Hội bao gồm Tiểu phẩm “Nát thoát nghèo” – Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Nam; Tiểu phẩm “Giọt máu nghĩa tình” – Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương; Tiểu phẩm “Hãy chung tay với hoạt động nhân đạo – từ thiện” – Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Phước; Tiểu phẩm “Tiếp sức đến trường” – Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh; Tiểu phẩm “Hoa việc thiện ” – Hội Chữ thập đỏ thành phố Hồ Chí Minh.

Với ý nghĩa tôn vinh những đóng góp và giá trị nhân đạo mang đến cho cộng đồng của những người làm công tác nhẫn đạo, Cuộc thi tiểu phẩm truyền thông "Lan tỏa hành động nhân ái" đã thu hút sự quan tâm, tham gia của các tỉnh/thành. Nội dung các tiểu phẩm đã phản ánh trung thực các lĩnh vực hoạt động Hội và những đóng góp tích cực của những cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ. 

Qua đó cho thấy một xã hội luôn đầy ắp tình yêu thương, lòng nhân ái, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam được truyền trao, lan tỏa. Thông qua Cuộc thi góp phần giáo dục lòng nhân ái, định hướng lối sống hướng thiện, biết chung tay chia sẻ với những người kém may mắn trong xã hội, qua đó nhân rộng những mô hình, điển hình trong hoạt động tình nguyện, lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống. 

Tuy nhiên, Cuộc thi vẫn còn bộc lộ một số hạn chế về số lượng, chất lượng tác phẩm dự thi. Nhiều tỉnh, thành Hội không tham gia Cuộc thi do điều kiện về kinh phí hạn hẹp, hoặc tập trung cho các sự kiện, hoạt động quan trọng khác (Đại hội cấp tỉnh). Nhiều tác phẩm hạn chế về nội dung, chất lượng nghệ thuật (sử dụng logo sai quy định, quá thời gian quy định, thông điệp truyền thông chưa chính xác). Nhiều tỉnh, thành Hội không tham gia Cuộc thi theo kế hoạch của Trung ương Hội nhưng không thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo (không có phản hồi) với Trung ương Hội. 

Từ những hạn chế đó có thể rút ra những bài học kinh nghiệm để tổ chức các cuộc thi trong tương lai được tốt và hoàn chỉnh hơn. Thứ nhất, những cuộc thi có quy mô toàn quốc và có sự đầu tư lớn về cách thức tổ chức, Trung ương Hội cần ban hành kế hoạch sớm và cân nhắc hỗ trợ kinh phí triển khai cho các tỉnh/thành Hội; đồng thời lựa chọn thời điểm triển khai phù hợp. Thứ hai, cần đẩy mạnh truyền thông rộng rãi, liên tục trong suốt quá trình triển khai Cuộc thi để thu hút nhiều sự quan tâm tham gia của đối tượng dự thi. Thứ ba, cần tăng cơ cấu và giá trị giải thưởng để khuyến khích, thu hút nhiều hơn sự tham gia của các tỉnh/thành cũng như để có nhiều hơn những tác phẩm có chất lượng. Thứ tư, tránh tình trạng điều chỉnh giảm cơ cấu giải thưởng giữa cuộc thi. Thứ năm, các tỉnh, thành Hội cần nghiêm túc thực hiện chế độ thông tin báo cáo đối với các hoạt động triển khai cấp toàn quốc. Thứ sáu, Truyền hình Nhân đạo, Tạp chí Nhân đạo, các kênh truyền thông của Trung ương Hội và các tỉnh/thành Hội đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến về kết quả cuộc thi và các tác phẩm đoạt giải.

 

BBT

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tong-ket-cuoc-thi-tieu-pham-truyen-thong-lan-toa-hanh-dong-nhan-ai-a23109.html