Cần giải quyết tận gốc nạn 'xe dù, bến cóc' dịp cuối năm

Dư luận phản ánh tình trạng "xe dù, bến cóc", xe trá hình ngang nhiên hoạt động ở các quận trung tâm TPHCM gây nhiều hệ lụy. Mặc dù lực lượng chức năng đã có biện pháp xử phạt nhưng nhìn chung chưa thực sự quyết liệt để "xóa sổ" hoàn toàn vấn nạn này, trả lại an ninh, trật tự, an toàn và mỹ quan cho Thành phố. Các giải pháp đã có nhưng việc giải quyết chập chờn, thiếu quyết liệt nên "chuyện xưa cũ" cứ tái hiện thường xuyên.

 

Các nhà xe ngang nhiên lấn át cả xe buýt để đón trả khách trước cổng Khu du lịch Suối Tiên - Ảnh: VGPCác nhà xe ngang nhiên lấn át cả xe buýt để đón trả khách trước cổng Khu du lịch Suối Tiên - Ảnh: VGP

Trên các bài viết ngày 9/9 và 2/11/2022, nhóm phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã phản ánh tình trạng "xe dù, bến cóc", xe trá hình ở TPHCM lại tiếp tục "nóng", thách thức lực lượng chức năng.

Tình trạng các xe giường nằm chạy tuyến cố định nhưng dán biển hiệu xe hợp đồng không chỉ đón trả khách tại văn phòng của nhà xe ở các quận trung tâm mà địa điểm tạo thành các "bến cóc" đã trở nên đa dạng hơn, phổ biến hơn: Trước các khu du lịch, dưới chân cầu bộ hành, trước trạm xe buýt, các trạm xăng, bãi xe, bãi đất trống… Nhiều nhà xe ngang nhiên dừng hẳn 20-30 phút để chờ khách.

Điều đáng nói là dù xe ra vào tấp nập giữa ban ngày nhưng không ghi nhận sự có mặt của lực lượng chức năng, cảnh sát giao thông, gây nên tình trạng lộn xộn hơn trên nhiều tuyến đường.

Theo phản ánh của báo chí ngày 15/11, các nhà xe Thành Bưởi, Tân Lập Thành, Hùng Hiếu… vô tư dừng đỗ giữa nội đô, dùng xe trung chuyển chở khách, hoạt động tấp nập chẳng khác nào một bến xe thu nhỏ không phép.

Người dân trong khu vực phản ánh chỉ khi thấy lực lượng chức năng, hoạt động đón khách mới không diễn ra, còn khi họ đi khỏi, mọi chuyện lại đâu vào đấy. Tình trạng các cơ quan chức năng xử lý giống như "bắt cóc bỏ đĩa".

Theo ghi nhận, trên đường Trần Phú đoạn từ đường An Dương Vương đến Nguyễn Trãi (Phường 8, Quận 5) dài khoảng 300 m nhưng có đến 3 nhà xe lớn vận chuyển hành khách bằng xe giường nằm. Ngoài việc các xe vi phạm quy định cấm dừng đỗ, đoạn đường Trần Phú từ An Dương Vương đến Nguyễn Trãi luôn có gần 20 xe trung chuyển loại 16 chỗ dừng 2 bên đường.

Việc xử phạt của lực lượng chức năng chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa" - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Việc xử phạt của lực lượng chức năng chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa" - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Không chỉ vậy, theo phản ánh của báo chí, dư luận, các nhà xe ngang nhiên lập những bến cóc mới sau khi bến cũ đã bị cơ quan chức năng dẹp bỏ. Cụ thể, ngày 27/10, nhiều xe thuộc hãng Thành Bưởi liên tục ra vào địa chỉ 722/2 Điện Biên Phủ (còn gọi là nhà xe Thành Bưởi - Tân Cảng ở khu vực dưới dạ cầu Sài Gòn) để đón, trả khách.

Cả UBND phường và Sở GTVT TPHCM đều khẳng định hoạt động đón, trả khách ở đây là sai quy định. Thế nhưng "bến cóc" dưới dạ cầu Sài Gòn vẫn cứ ngang nhiên hoạt động đến khi báo chí vào cuộc thì cơ quan chức năng mới hỏi tới.

Đến ngày 4/11, nhiều xe thuộc nhà xe Thành Bưởi thường xuyên tạt vào các tuyến đường Lê Hồng Phong, Hùng Vương (Quận 5, Quận 10) đón khách hẹn trước. Trong vòng 15 ngày, riêng nhà xe này đã đón, trả khách sai quy định ở 3 "bến cóc", đáng nói là cả 3 điểm này đều nằm trong trung tâm Thành phố.

Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, qua rà soát, Thanh tra Sở đã ghi nhận 76 vị trí có hoạt động đón, trả khách không đúng nơi quy định trên địa bàn.

Trong đó, Quận 5 đứng "tốp đầu" vì có 25 điểm tại các tuyến đường như: Lê Hồng Phong, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Duy Dương, Tản Đà, Phó Cơ Điều, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, Hùng Vương, An Điềm, Ngô Quyền, Tân Hưng, Phạm Hữu Chí.

Xếp thứ hai là TP. Thủ Đức với 22 điểm; Quận 12 có 6 điểm, Quận 1 có 5 điểm; Quận 10, Bình Tân, Tân Phú mỗi quận có 4 điểm; Bình Chánh và Bình Thạnh mỗi địa phương có 2 điểm. Còn huyện Hóc Môn, quận Tân Bình mỗi địa phương có 1 điểm.

Điều đáng nói là tình trạng này phổ biến đến nỗi việc người dân không vào bến mà đi đến văn phòng các nhà xe để bắt xe đã trở thành thói quen, trở thành điều hiển nhiên.

Chị Nguyễn Thị T. (ngụ Quận 9) chia sẻ: "Trước giờ chúng tôi vẫn nghĩ thế là bình thường. Muốn đi Vũng Tàu thì lên phố Nguyễn Thái Bình hoặc Mai Chí Thọ ở Quận 1. Muốn đi miền Tây thì lên Quận 5. Dọc đường Mai Chí Thọ còn có 2 bến trung chuyển của các hãng xe. Các xe hoạt động công khai nên người dân không biết đấy là phạm luật".

Việc xử phạt mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Việc xử phạt mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Hậu quả đã rõ, nhưng không có hành động quyết liệt

Việc các xe khách, xe giường nằm khổ lớn vào nội đô ngang nhiên đón trả khách tiềm ẩn nguy cơ về mất an ninh trật tự, an toàn giao thông. Chỗ nào có bến cóc, chỗ đó có bảo kê, có mất an ninh trật tự. Vấn nạn xe giường nằm khổ lớn vô tư ra vào nội đô để đón trả khách đang là câu chuyện nhức nhối nhưng không có chế tài gì hiệu quả.

Mới đây, ngày 18/10, tại ngã tư Điện Biên Phủ - Trần Quốc Thảo (Phường 7, Quận 3) đã xảy ra vụ va chạm giữa xe khách BSK 50F - 026.04 và xe máy BKS 59FA - 033.39 do một nam sinh điều khiển, khiến máy trượt dài ra đường, nam sinh bị cuốn vào gầm xe khách nên bị thương rất nặng. Vụ tai nạn làm cho tuyến đường Điện Biên Phủ và các tuyến đường vệ tinh bị ùn tắc giao thông cục bộ.

Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2020 quy định "xe chạy tuyến cố định phải xuất phát và kết thúc tại bến xe khách. Chỉ có xe hợp đồng và xe du lịch mới được đón trả khách trong nội thành".

Tuy nhiên, những nhà xe này đã "lách luật" bằng cách trá hình xe hợp đồng để không phải vào bến, trốn được một khoản phí dịch vụ ra vào bến xe.

Nếu vào bến, các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định còn phải chịu tiền hoa hồng bán vé, thuế thu nhập doanh nghiệp. Do các xe hoạt động tuyến vận tải cố định phải vào bến đi bến đến, đóng sổ nhật trình nên tổng số lượt chuyến xe đi/đến đều được thống kê và nộp thuế đầy đủ.

Tình trạng này đã gây bất bình đẳng và làm nản lòng những doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Trong khi những doanh nghiệp chân chính đã phải "gánh" nhiều loại thuế, phí hơn khi chấp hành luật thì họ lại còn mất đi lợi thế cạnh tranh khi đa phần người dân đều muốn đi từ trung tâm hơn là phải ra bến xe.

Các doanh nghiệp nếu muốn tăng giá vé thì đều phải xin phép Sở GTVT và được Sở GTVT phê duyệt. Còn đối với xe hợp đồng trá hình thì có thể bán vé với mọi mức giá. Đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết, giá vé của xe tuyến cố định chỉ được tăng tối đa 60%, trong khi các doanh nghiệp hoạt động dưới hình thức xe hợp đồng trá hình có thể tăng lên 200-300% tùy theo nhu cầu mà không cần xin phép.

Không có lý do gì mà TPHCM không thể thực hiện nghiêm Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định rất rõ các điều kiện hoạt động vận tải công cộng, nhất là khi TPHCM là địa phương kẹt xe nhiều nhất, không gian dành cho giao thông công cộng là ít nhất trong cả nước - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Không có lý do gì mà TPHCM không thể thực hiện nghiêm Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định rất rõ các điều kiện hoạt động vận tải công cộng, nhất là khi TPHCM là địa phương kẹt xe nhiều nhất, không gian dành cho giao thông công cộng là ít nhất trong cả nước - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Cần giải quyết tận gốc

Đà Nẵng và Cần Thơ là 2 địa phương điển hình xử lý khá triệt để tình trạng xe dù, bến cóc. Theo ông Nguyễn Trần Hoàng, Phó Chánh Thanh ra Sở GTVT Đà Nẵng, từ năm 2017, UBND Thành phố Đà Nẵng đã có quyết định thành lập Tổ liên ngành thực hiện kiểm tra, xử lý doanh nghiệp, cá nhân hoạt động xe hợp đồng, xe du lịch hoạt động trên tuyến cố định trên địa bàn.

Tổ liên ngành gồm 3 lực lượng chức năng chủ lực: Phòng CSGT, Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội (Công an TP. Đà Nẵng), Thanh tra Sở GTVT Đà Nẵng.

Nhiệm vụ của Tổ liên ngành là xử lý vi phạm, lập lại trật tự vận tải, đảm bảo thực hiện tốt hoạt động vận tải hành khách, tăng cường xử lý nghiêm doanh nghiệp, cá nhân hoạt động "xe dù, bến cóc", xe hợp đồng, xe du lịch hoạt động trên tuyến cố định, xe ô tô mang BKS nước ngoài hoạt động không đúng quy định, ảnh hưởng đến môi trường vận tải khách và du lịch trên địa bàn Đà Nẵng.

Ngoài ra, Đà Nẵng quy định xe khách trên 30 chỗ chỉ được đi trên các tuyến đường bao, không được vào khu vực trung tâm Thành phố.

Ông Hoàng cho biết thêm đối với những nhà xe thường xuyên đón trả khách ngoài khu vực bến xe trung tâm, Thanh tra Sở sẽ mời đến cơ quan làm việc trực tiếp, có cam kết yêu cầu chấp hành nghiêm quy định.

Theo một chuyên gia về giao thông đô thị, các biện pháp dẹp "xe dù, bến cóc" mà TPHCM hiện đang áp dụng chưa đủ sức răn đe, chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. Các đơn vị đang đi vào vòng luẩn quẩn, cứ nay xử lý chỗ này, mai lại mọc ra ở chỗ khác. Chính vì vậy, các nhà xe có tâm lý "nhờn" luật, nghĩ ra nhiều cách đối phó lực lượng chức năng.

Chuyên gia này cho rằng để xử lý tận gốc, Sở GTVT TPHCM cần nghiên cứu cấm tất cả các xe giường nằm vào nội đô đón khách ở tất cả các khung giờ; đặt hệ thống biển báo cấm xe và công bố rộng rãi phương án tổ chức giao thông đối với ô tô khách giường nằm.

Nhiều người bất ngờ khi Sở GTVT đề xuất cấm xe giường nằm khổ lớn ra vào trung tâm Thành phố đón trả khách vào các một số khung giờ, còn lại vẫn được ra vào. Người dân hỏi tại sao không làm nghiêm mà còn chập chờn, không quyết liệt. Cứ thế này thì tình trạng vi phạm còn lâu mới được giải quyết. Các cơ quan chức năng của Thành phố cần thực hiện nghiêm Nghị định 10/2020/NĐ-CP để tạo môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh, giảm ùn tắc giao thông, hạn chế việc trốn thuế, hạn chế việc mất an ninh trật tự tại các điểm đón trả khách.

Với những nhà xe bị cố tình vi phạm, cơ quan chức năng phải phạt nặng, tước hay thu phù hiệu, thu giấy phép kinh doanh để doanh nghiệp biết "sợ" và vào bến hoạt động. Khi vào bến, các doanh nghiệp sẽ lập tức cạnh tranh lành mạnh, thượng tôn pháp luật và Nhà nước không bị thất thu thuế.

Ngoài ra, các địa phương, quận, huyện và TP. Thủ Đức cần quản lý nghiêm các bãi giữ xe, bãi tạm, không để các nhà xe biến những nơi này thành những "bến cóc", hoạt động công khai trong Thành phố.

Việc cấp phép cho các điểm kinh doanh bãi xe này do các quận, huyện và Sở KH&ĐT thực hiện. Khi họ hoạt động sai mục đích đăng ký kinh doanh ban đầu thì phải bị xử phạt hoặc thu hồi giấy phép. Lực lượng cảnh sát giao thông hay thanh tra giao thông lại không đủ thẩm quyền kiểm tra, xử lý nên không dẹp được những "bến cóc" này. Chuyên gia này cho rằng UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức cần được giao trách nhiệm tổ chức xử lý tình trạng này, nơi nào dùng mặt bằng cho xe vào đón khách thì phải rút giấy phép mới đủ sức răn đe.

Đồng thời, TPHCM cũng phải tập trung hoàn thiện kết nối vào bến xe Miền Đông mới để khai thác bến thật hiệu quả. Khi người dân thuận tiện và quen với việc sử dụng các dịch vụ trong bến xe Miền Đông mới thì "xe dù, bến cóc" sẽ không tồn tại được.

Không có lý do gì mà TPHCM không thể thực hiện nghiêm Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó quy định rất rõ các điều kiện hoạt động vận tải công cộng, nhất là khi TPHCM là địa phương kẹt xe nhiều nhất, không gian dành cho giao thông công cộng là ít nhất trong cả nước.

Xử lý phải công tâm, minh bạch, khách quan và không có vùng cấm. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về Sở GTVT trong việc ban hành các quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện. Sau đó là trách nhiệm của các phòng chức năng của Công an Thành phố, trách nhiệm quản lý đô thị của các quận, huyện và thậm chí xã, phường.

Có thể khẳng định không thể tồn tại "xe dù, bến cóc" và xe giường nằm khổ lớn vô tư ra vào trung tâm Thành phố nếu không có sự mờ ám, làm ngơ một cách công khai của lực lượng chức năng… Càng về cuối năm, lượng xe cộ đi lại ngày càng cao và gây áp lực lên hạ tầng giao thông của Thành phố. Thế nên, nếu vẫn cứ xử lý chập chờn, có vùng cấm, làm không nghiêm hoặc còn đâu đó những khuất tất thì giao thông của Thành phố còn rối, còn phức tạp, còn mất an ninh-an toàn… Các địa phương khác làm được thì không có lý do gì TPHCM không làm được. Câu trả lời thuộc về Sở GTVT TPHCM và các cơ quan liên quan.

Theo báo Chính Phủ

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/can-giai-quyet-tan-goc-nan-xe-du-ben-coc-dip-cuoi-nam-a22905.html