"Cần rút gọn quy trình xử lý tài sản án tham nhũng, kinh tế"

Nếu tài sản trong các vụ án này không thu hồi được thì mục đích của việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mới chỉ đạt được một nửa; làm hạn chế hiệu quả hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tạo tâm lý bất bình trong dư luận.

Đẩy mạnh việc thu hồi tài sản có được từ hành vi tham nhũng bên cạnh việc xử lý hình sự bị cáo là nội dung được nhấn mạnh tại Hội thảo "Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự, trong đó có các vụ án tham nhũng, kinh tế" do Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp phối hợp Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC) vừa tổ chức tại Quảng Ninh.

Theo thống kê, từ năm 2013 đến tháng 10/2022, tổng số tiền phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng của cả nước là khoảng 130.000 tỷ đồng, trong đó mới thu hồi được khoảng 50%. Riêng năm 2022, thu hồi được gần 15.000 tỷ đồng, chủ yếu là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo.

Đối với khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, các cơ quan thi hành án dân sự đã thu gần 16 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 11.890 tỷ đồng so với năm 2021.

 can rut gon quy trinh xu ly tai san an tham nhung, kinh te hinh anh 1

Hội thảo "Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự, trong đó có các vụ án tham nhũng, kinh tế" được tổ chức tại Quảng Ninh.

Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn còn một số vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật hiện hành về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Ông Trần Quốc Thái, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho rằng trình tự từ khi kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá và cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá là rất dài.

"Chúng tôi kiến nghị cần rút gọn quy trình đối với việc xử lý tài sản án tham nhũng kinh tế để rút ngắn thời gian thu hồi tài sản cho Nhà nước, từ đó giảm áp lực cho các chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự trong cả nước trong quá trình thực thi nhiệm vụ" - ông Thái đề xuất.

Theo ông, nếu tài sản trong các vụ án này không thu hồi được thì mục đích của việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mới chỉ đạt được một nửa. Việc không thu hồi được tài sản trong các vụ án tham nhũng sẽ làm hạn chế hiệu quả hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tạo tâm lý bất bình trong dư luận.

 can rut gon quy trinh xu ly tai san an tham nhung, kinh te hinh anh 2

Đại biểu chia sẻ nhiều thông tin tại Hội thảo.

Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp khẳng định: "Giải pháp toàn diện nhất vẫn là tiếp tục hoàn thiện thể chế, kiểm soát tiền mặt, nguồn tiền, dòng tiền như các nước đã làm và cần có văn bản pháp luật quy định riêng về thủ tục thu hồi tài sản tham nhũng kinh tế, bắt đầu từ giai đoạn xử lý tin báo tố giác tội phạm mới ngăn chặn được việc tẩu tán tài sản và bảo đảm thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát".

Theo ông Nguyễn Kim Sáu, Vụ trưởng Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thì yêu cầu người đứng đầu cấp uỷ, đơn vị chịu trách nhiệm phối hợp chặt chẽ các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước trong công tác phát hiện, xử lý và thu hồi tài sản

Tăng cường phối hợp trong việc xác minh tài sản, áp dụng các biện pháp tư pháp, biện pháp nghiệp vụ để bảo đảm thu hồi tài sản ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm và trong suốt quá trình giải quyết vụ án nhằm ngăn việc tẩu tán tài sản./.

Theo VOV

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/can-rut-gon-quy-trinh-xu-ly-tai-san-an-tham-nhung-kinh-te-a22857.html