Cô giáo Trương Thị Khánh Hòa, người dân tộc Pa Cô, sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhiều năm nay, cô dạy môn Ngữ Văn, Trường Trung học phổ thông A Lưới, huyện A Lưới. Hơn 11 năm dạy học, dấu chân cô in đậm trên nhiều nẻo đường, bản làng vùng cao A Lưới. Cô đến từng nhà học sinh, tìm hiểu từng hoàn cảnh rồi vận động, thuyết phục bố mẹ đưa con em đến lớp. Học sinh nơi đây đa số là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhiều em đi học một buổi, còn lại lên nương rẫy phụ giúp gia đình. Nhiều em bỏ bê chuyện học hành, dần dần chán học, bỏ lớp. Mỗi học sinh trở lại lớp là những câu chuyện đáng nhớ với nghề giáo.
Cô giáo Trương Thị Khánh Hòa kể, cứ đến ngày 20/11 hàng năm, các em ngắt hoa dại ven đường, hái búp măng rừng, thậm chí mang cả quả bầu, bí của nhà trồng đến tặng thầy cô: “Kỷ niệm với học trò thì rất nhiều, nhưng có lẽ tình cảm của các bạn học sinh dành cho thầy cô giáo rất thân thương. Những ngày lễ 20/11 hay khi đến mùa nếp hoặc mùa dưa, có gì ngon các em cũng mang đến tặng cô. Ngày 20/11 này, có bạn bắt cho cô con gà, mấy bạn rủ nhau hái trái cây ở nhà đem lên tặng cô".
Năm học vừa qua, cô Trương Thị Khánh Hòa đã tham gia “Thiết kế bài giảng điện tử” cấp Bộ và được chọn vào kho học liệu số của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cô Hòa luôn tích cực hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học đoạt giải cao cấp tỉnh. Cô Hòa cho biết, khó khăn lớn với học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số là nói và nghe tiếng phổ thông chưa thành thạo. Để các em dễ hiểu, dễ nhớ, cô Hòa luôn tìm cách đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Em Hồ Hiếu Huyền Trân, người dân tộc Pa Cô, học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông A Lưới tỏ ra hứng thú khi nghe cô Hòa giảng bài: “Em thấy rất thoái mái khi được tiếp xúc với cô Hòa. Bản thân em là một người đồng bào dân tộc thiểu số, khi được cô giảng dạy thì em thấy rất vui, hạnh phúc. Cô rất tâm huyết với nhiều bài học mới. Một số bạn đang học giữa chừng thì bỏ học, nhờ có các thầy cô và cô Hòa đến vận động các bạn trở lại trường học".
Sinh ra và lớn lên ở xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, cô Lê Thị Hồng Anh, người Cơ Tu luôn cháy bỏng ước mơ trở thành cô giáo ngay tại bản, làng của mình. Hơn 15 năm trước, cô Hồng Anh tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế, trở về A Lưới giảng dạy. Công tác tại Trường Trung học cơ sở Hồng Hạ được 2 năm, cô được chuyển về Trường Trung học cơ sở Lê Lợi, thị trấn A Lưới. Những nơi cô Hồng Anh giảng dạy đều có nhiều học sinh nghèo, các em đến trường bụng không đủ no, áo quần không đủ ấm. Thương học trò, mỗi tháng, cô trích một phần nhỏ từ lương của mình để mua đồ dùng học tập cho học sinh.
Cô Lê Thị Hồng Anh thấu hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh của các em: “Bản thân cũng là một giáo viên dân tộc thiểu số tôi càng cố gắng hơn rất nhiều để truyền kiến thức cũng như giáo dục đạo đức cho các em, để các em ngày càng tiến bộ. Đó là trọng trách rất lớn của một người giáo viên".
Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đến nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế có 79 cơ sở giáo dục với 1.936 giáo viên. Tỷ lệ học sinh ra lớp ở các cấp học, bậc học được nâng cao. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức vinh danh, tuyên dương giáo viên, sinh viên, học sinh dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc trong năm học 2021- 2022. Đã có 3 giáo viên, 3 sinh viên, 15 học sinh dân tộc thiểu số được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng Bằng khen trong dịp này.
Ông Lê Xuân Hải, Phó trưởng Ban Dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Trong năm nay có 60 cá nhân là giáo viên, sinh viên, học sinh được biểu dương và tuyên dương, trong đó, có 21 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen và 39 cá nhân được Trưởng ban Dân tộc tỉnh tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong dạy, học và thi đua rèn luyện năm học 2021-2022".
Theo VOV
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/hoa-nui-bup-mang-rung-tang-thay-co-giao-ngay-2011-a22855.html