Nhiều khách Thái đến VN du lịch sau đại dịch
Sa Pa những ngày đầu tháng 8 mưa rả rích. Trên đỉnh Fanxipan, rất nhiều du khách không ngại đội mưa, tạo dáng thực hiện những bộ ảnh và clip ghi lại khoảnh khắc chinh phục nóc nhà Đông Dương. Do dịch bệnh tại các nước vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia vẫn chưa mở cửa với du lịch nên khách quốc tế đến VN thời điểm này vẫn chỉ đếm lẻ từng đoàn. Trong số đó, người Thái đến Sa Pa chiếm khá nhiều. Anh Thành, nhân viên tại cáp treo Fanxipan, cho biết: “Người Thái rất thích Sa Pa vì khí hậu mát mẻ. Tuy họ không đi thành từng đoàn lớn nhưng mức chi tiêu cũng khá và rất thân thiện”.
Người dân Thái Lan quan tâm tới hàng Việt Nam tại sự kiện “Tuần hàng Việt Nam” được tổ chức tại Udon Thani Thái Lan. (Ảnh: Thảo Phạm) |
Thực tế, với thời gian bay chỉ hơn 2 giờ đồng hồ với rất nhiều đường bay thẳng tới các điểm du lịch hấp dẫn, không cần xin visa, VN là điểm đến ưu tiên ngay khi chính phủ Thái Lan cho phép người dân được thoải mái xuất ngoại du lịch. Từ đầu năm đến nay sau khi VN chính thức mở cửa du lịch, Thái Lan luôn nằm trong top 10 quốc gia gửi khách lớn nhất đến VN. Nếu tính thời điểm trước đại dịch, đến cuối năm 2019, số lượt khách Thái Lan đến VN đạt xấp xỉ 509.802 người, trở thành quốc gia tại châu Á có mức tăng trưởng tốt nhất về lượt khách đến VN, tương đương mức tăng 145,9% so với năm 2018.
Ở chiều ngược lại, “đất nước Chùa Vàng” luôn là điểm đến yêu thích và thân thuộc của du khách VN trong những năm gần đây do yếu tố địa lý gần gũi, thủ tục đi lại thuận tiện và chi phí không quá đắt đỏ. Lượt khách Việt đến Thái Lan trong năm 2019 cũng cán mốc khoảng hơn 900.000 và nằm trong top 10 quốc gia có lượt khách ghé thăm Thái Lan nhiều nhất. Hà Linh, một hướng dẫn viên tiếng Thái tại VN cũng cho biết người Thái mê nhất là Đà Nẵng vì có Bà Nà Hill khí hậu mát mẻ. Đặc biệt là sau khi có sự xuất hiện của cầu Vàng, như một thỏi nam châm hút khách Thái thời điểm trước dịch Covid-19.
“Tôi đã từng dẫn tour ở Đà Nẵng mà tình cờ gặp tới lần thứ 3 cặp vợ chồng trung niên đến từ Bangkok. Họ có người quen ở VN và năm nào cũng sang VN du lịch ít nhất 1 lần. Giờ thì người Thái bắt đầu chuyển dần về khám phá các TP lớn như TP.HCM và Hà Nội. Không chỉ khách du lịch, sự giao thoa văn hóa giữa hai nước ngày càng khăng khít ở nhiều khía cạnh nên giờ có rất nhiều người nổi tiếng Thái Lan sang VN tổ chức các cuộc họp mặt người hâm mộ (fan meeting). Từ giờ đến cuối năm, tôi đã nhận phiên dịch cho 2 sự kiện của 2 nam diễn viên chuẩn bị tới VN họp fan. Đây cũng là cơ hội rất tốt để VN thu hút thêm nhiều du khách từ Thái Lan”, chị Hà Linh cho biết.
Không chỉ du lịch, Thái Lan hiện giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của VN trong ASEAN, với kim ngạch thương mại hai nước năm 2021 đạt 18,8 tỉ USD và tăng trưởng 2 con số trong năm 2022. Kim ngạch thương mại 9 tháng đầu năm 2022 đạt 16,1 tỉ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, hàng hóa VN bán sang Thái Lan tăng gần 27% so cùng kỳ, đạt 5,6 tỉ USD; ở chiều ngược lại, VN chỉ đạt 10,5 tỉ USD mua hàng hóa từ Thái trong 9 tháng đầu năm. Nhập khẩu của VN từ Thái cao hơn chủ yếu là mặt hàng ô tô. Trong 7 tháng đầu năm, Thái Lan luôn dẫn đầu là thị trường xuất khẩu ô tô lớn nhất vào VN, đến tháng 8 và 9 vừa qua, Indonesia mới vượt mặt Thái Lan, trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất tại VN.
Nhiều "ông lớn" Thái đầu tư tại VN
Thái Lan hiện là nhà đầu tư lớn thứ 2 vào VN trong khu vực Đông Nam Á, vốn đầu tư lũy kế đến nay đạt trên 13,11 tỉ USD. Lĩnh vực năng lượng, bán lẻ, tiêu dùng, nông nghiệp, vật liệu xây dựng tại VN nhận được sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp Thái Lan.
Đầu tháng 9 vừa, 3 nhà đầu tư đến từ Thái Lan là Tập đoàn Sermsang, AGR và Công ty TNHH ETS Holding đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế. Thông tin trên trang UBND Thừa Thiên-Huế cho thấy, liên danh 3 nhà đầu tư Thái Lan này đề xuất đầu tư trung tâm hóa dầu tại mỏ dầu Kèn Bầu vừa được phát hiện tại H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đồng thời, nhà đầu tư cũng muốn làm nhà máy năng lượng và các dự án công nghiệp bổ trợ khác. AGR đang là công ty sản xuất gạo lớn nhất Thái Lan. Bên cạnh đó, tập đoàn còn đầu tư thêm các lĩnh vực logistics, điện năng. Còn Sermsang đã đầu tư các dự án năng lượng mặt trời tại Quảng Ngãi, điện gió ở Trà Vinh...
Người Thái có nhiều thương vụ đầu vào lĩnh vực năng lượng tại VN. Mới đây, Công ty Banpu NEXT của Thái thông qua công ty con mua 49% vốn của Solar ESCO (thuộc SolarBK của VN). Năm 2020, Công ty Super Energy Corporation Company Limited của Thái Lan đã quyết định chi gần 457 triệu USD để sở hữu cổ phần và đầu tư vào 4 dự án điện mặt trời tại Bình Phước. Hay 2 nhà máy điện mặt trời lớn tại Tây Ninh cũng của liên doanh giữa Tập đoàn Thành Thành Công và Tập đoàn năng lượng Gulf (chiếm 90% vốn) đến từ Thái Lan. Ngay Công ty CP cáp điện Thịnh Phát - thương hiệu dây và cáp điện hàng đầu VN có tuổi đời hơn 30 năm mới đây cũng chính thức sáp nhập vào Tập đoàn Stark của Thái Lan.
Không chỉ với năng lượng, nhiều năm qua, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng tại VN chứng kiến sự đổ vốn mạnh mẽ của nhà đầu tư Thái. Vào VN sớm nhất có thể kể đến Tập đoàn SCG, từ năm 1992. Đến nay, tập đoàn này đã có hơn 20 công ty con tại VN hoạt động ở nhiều lĩnh vực, mua lại nhiều công ty của doanh nghiệp VN trong các lĩnh vực bao bì, nhựa, vật liệu xây dựng.
Một "ông lớn" nữa đến từ Thái Lan là C.P Group - một trong những doanh nghiệp lớn nhất Thái Lan trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Sau khi vào VN, doanh nghiệp này chiếm thị phần lớn cả 3 lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi và chế biến thực phẩm. Doanh thu của tập đoàn này tại VN đến năm 2019 đã đạt gần 3 tỉ USD, dẫn đầu doanh nghiệp đầu tư cùng lĩnh vực này tại VN.
Đặc biệt, dấu ấn người Thái trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ là rất lớn. Trong đó, Central Group và TCC Group là hai cái tên nổi bật nhất, đang nắm giữ những chuỗi siêu thị có quy mô lớn nhất thị trường. Đơn cử TCC Group của tỉ phú Thái mua lại chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry VN (nay đổi tên là MM Mega Market) đầu năm 2016 từ nhà bán lẻ Đức với giá 655 triệu USD; mua lại chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim, Lan Chi; hay chuỗi siêu thị BigC VN (nay đổi tên là Tops Market, GO!...) từ tay Tập đoàn Casino (Pháp) trong thương vụ trị giá 1 tỉ USD 6 năm trước.
Theo các chuyên gia, việc các doanh nghiệp bán lẻ cũng như hàng hóa Thái có mặt tại VN đã tạo nên một thị trường cạnh tranh, giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn và từ đó, chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngày càng tốt hơn.
Chuyên gia tư vấn về chiến lược Đỗ Hòa nhận định: "Hai quốc gia vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển trong những năm tới, đặc biệt sau Tuần lễ cấp cao APEC 2022 diễn ta tại Thái Lan (14.11 - 19.11.2022). Đây là cơ hội để lãnh đạo cấp cao hai nước đẩy mạnh các hoạt động hợp tác kinh tế, du lịch, thương mại, đầu tư song phương ngày càng thực chất hơn, góp phần vào sự phát triển chung..."