Melioidosis, hay Whitmore, là bệnh truyền nhiễm có thể lây nhiễm sang người hoặc động vật. Bệnh do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei hoặc B. pseudomallei, được tìm thấy trong đất và nước bị ô nhiễm. Nó lây sang người và động vật khi tiếp xúc trực tiếp với nguồn bị ô nhiễm.
Theo CDC, Melioidosis gặp thường xuyên nhất ở Đông Nam Á và Bắc Australia. Bệnh cũng thấy ở Nam Thái Bình Dương, châu Phi, Ấn Độ, và Trung Đông.
Loại virus này có thể tiết ra độc chất gây loét và hoại tử các tổ chức trên cơ thể bệnh nhân. Do đó, nhiều người nhầm lẫn Whitmore với "vi khuẩn ăn thịt người" nhưng đây không phải cách gọi đúng về bệnh này.
Whitmore gây tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.
Triệu chứng dễ nhầm lẫn
Mọi người có thể bị nhiễm melioidosis khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bị ô nhiễm. Các loại vi khuẩn gây bệnh được tìm thấy trong đất, trong các cánh đồng lúa gạo, và các vùng nước tù đọng trong khu vực. Người nhiễm bệnh do hít phải bụi nhiễm vi khuẩn hay khi tiếp xúc với đất bị ô nhiễm qua các vết trầy xước ngoài da. Nhiễm trùng thường xảy ra trong mùa mưa.
Ngoài con người, nhiều loài động vật dễ mắc bệnh melioidosis, gồm cừu, dê, heo, ngựa, mèo, chó, gia súc.
Whitmore gây ra hàng loạt triệu chứng, có thể bị nhầm với các bệnh khác như bệnh lao hoặc các dạng viêm phổi.
Triệu chứng phổ biến nhất của Melioidosis xuất phát từ nhiễm trùng ở phổi, tại đây hình thành một khoang chứa mủ (abscess phổi). Tình trạng bệnh có thể diễn tiến từ nhẹ đến viêm phế quản hoặc viêm phổi nặng. Bệnh nhân sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, đau ngực, và đau nhức các cơ bắp. Bệnh còn có thể biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm trùng trên da (viêm mô tế bào) kèm với sốt và đau cơ.
Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua da hoặc được hít vào qua đường hô hấp gây viêm nhiễm ở thần kinh trung ương, tuyến mang tai, xương khớp, gây abscess ở gan và lách, viêm nhiễm đường sinh dục, nhiễm trùng da, cơ vân.
Bệnh có thể lan tỏa từ da vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, hoặc diễn tiến thành một hình thái melioidosis mạn gây thương tổn đến tim, động mạch chủ bụng, não, gan, thận, khớp, và mắt. Melioidosis cũng có thể lây lan từ người sang người.
Triệu chứng phổ biến nhất của Melioidosis xuất phát từ nhiễm trùng ở phổi. Ảnh: iStock.
Thời gian ủ bệnh
Thời gian ủ bệnh của melioidosis (thời gian từ khi tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh đến khi xuất hiện các triệu chứng) không rõ ràng. Nó có thể từ một ngày đến nhiều năm, nhưng nói chung các triệu chứng xuất hiện từ 2 đến 4 tuần sau khi tiếp xúc.
Những người khỏe mạnh có thể mắc bệnh melioidosis, nhưng các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Các yếu tố rủi ro chính là: Bệnh tiểu đường, gan, thận, thalassemia (tan máu bẩm sinh), ung thư hoặc tình trạng khác (không liên quan đến HIV) làm suy yếu hệ thống miễn dịch, bệnh phổi mạn tính (như xơ nang, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và giãn phế quản)...
Gánh nặng với cộng đồng
Theo NPR, Whitmore là căn bệnh gây sợ hãi cho những ai đã nghe nói về nó. Các bác sĩ ở Đông Nam Á và Bắc Australia biết đây là bệnh nhiễm trùng cứng đầu, có khả năng gây chết người, gây viêm phổi, áp-xe và trường hợp nghiêm trọng nhất là suy nội tạng.
Nếu không điều trị, bệnh có thể gây tử vong trong vòng 48 giờ. Các quan chức quân sự lo ngại Whitmore có thể bị biến thành tác nhân khủng bố.
Năm 2016, một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Microbiology phát hiện vi khuẩn gây bệnh Whitmore, Burkholderia pseudomallei, đang sống trong đất và nước của 45 quốc gia và có khả năng lây lan khắp 34 quốc gia khác. Tất cả đều bao quanh vùng nhiệt đới.
Công trình này cho thấy gánh nặng tiềm tàng của căn bệnh này lớn hơn nhiều so với những gì mọi người vẫn đang nghĩ. Có thể lên tới 165.000 ca mắc mỗi năm. "Đây là gánh nặng lớn, tương đương với bệnh dại", tác giả bài báo nhận định.
Và tỷ lệ tử vong cao lên tới 70%, nghiên cứu ước tính có khoảng 90.000 ca tử vong mỗi năm do bệnh Whitmore, gần bằng bệnh sởi và gấp vài lần sốt xuất huyết.
Nhà sinh vật học, tiến sĩ Bart Currie, Trường Nghiên cứu Y tế Menzies ở Australia, cho hay căn bệnh này đã giết người trong nhiều năm, nhưng nó thường bị bỏ sót. Vì các triệu chứng không đặc hiệu, như áp-xe, sốt và nhiễm trùng huyết đều có thể xảy ra ở các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khác. Chính vì thế, Whitmore được mệnh danh là "kẻ bắt chước đại tài".
Hậu quả là khi phát hiện, người bệnh còn rất ít cơ hội để cứu chữa và tỷ lệ tử vong rất cao. Theo nhà sinh vật học, tiến sĩ Direk Limmathurotsakul, tại Đại học Oxford, chẩn đoán sai là vấn đề phổ biến ở những nơi mà căn bệnh này không được biết đến nhiều, và nó có thể gây tử vong.
B. pseudomallei tự nhiên đề kháng với nhiều loại kháng sinh thường được kê đơn. Với sự chăm sóc hỗ trợ tốt và tiếp cận với các loại thuốc thích hợp, tỷ lệ tử vong giảm xuống khoảng 1/10 và hầu hết người trưởng thành khỏe mạnh có thể sống sót sau khi bị nhiễm trùng nếu được chăm sóc tốt. Nếu không, họ sẽ mất mạng rất nhanh.
Tiến sĩ Limmathurotsakul nói: “Có nhiều người được điều trị bằng kháng sinh một thời gian nhưng không hiệu quả. Vào thời điểm họ được chẩn đoán mắc Whitmore, hầu hết là đã muộn và bệnh nhân đã qua đời hoặc rất nguy kịch".
Theo Zing
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/ly-do-nhiem-khuan-whitmore-gay-tu-vong-cao-a22742.html