Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 đồng phạm bỏ trốn vẫn có thể bị xét xử

Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng bảy bị can khác đang trốn truy nã, vậy việc truy tố và xét xử vụ án tại BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai sẽ diễn ra như thế nào?

Vụ án xảy ra tại BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị truy tố 36 bị can về năm tội danh khác nhau. Trong số này, Nguyễn Thị Thanh Nhàn - chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty AIC cùng bảy người khác được xác định đang bỏ trốn và bị phát lệnh truy nã.

Trong nhiều vụ án kinh tế thời gian qua, khi bị can bỏ trốn mà chưa bắt được, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định tạm đình chỉ, tách hồ sơ để xử lý sau. Tuy nhiên với vụ án tại Đồng Nai, cả tám bị can trốn truy nã đều bị cơ quan điều tra chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao để đề nghị truy tố.

Một số ý kiến cho rằng đây là tình huống pháp lý “hiếm gặp”. Trường hợp nhóm bị can tiếp tục trốn truy nã, việc truy tố và xét xử thời gian tới sẽ diễn ra như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (bìa trái) cùng bảy bị can khác bỏ trốn, đang bị phát lệnh truy nã. Ảnh: CACCBà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (bìa trái) cùng bảy bị can khác bỏ trốn, đang bị phát lệnh truy nã. Ảnh: CACC

Trao đổi với PLO, ông Trương Việt Toàn, nguyên Phó Chánh án TAND TP Hà Nội, cho rằng cơ quan tố tụng hoàn toàn có thể thực hiện truy tố và xét xử dù chưa bắt giữ được các bị can. Ông Toàn cũng đồng thời dẫn chứng một vụ án mà TAND TP Hà Nội từng xét xử, tuyên tử hình dù bị cáo không có mặt.

Theo ông, khi các bị can bỏ trốn đồng nghĩa cơ quan tố tụng không thu thập được lời khai của những người này nhưng không vì thế mà không thể kết luận hành vi sai phạm. Cơ quan tố tụng sẽ dựa vào lời khai của những bị can khác, người liên quan, cùng toàn bộ hệ thống chứng cứ và tài liệu thu thập được có trong hồ sơ vụ án, để làm căn cứ xác định tội phạm.

Trường hợp tới đây các bị can ra đầu thú hoặc bị bắt giữ, nhóm này sẽ bị tạm giam để phục vụ việc truy tố, xét xử theo quy định. Nếu thời điểm tòa đã tuyên bản án có hiệu lực mà vẫn bỏ trốn, các bị cáo sẽ tiếp tục bị truy nã để chấp hành bản án do tòa tuyên.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thị Vi, Đoàn luật sư Hà Nội, cho rằng nếu bị can bỏ trốn thì sẽ mất các quyền lẽ ra được có như khiếu nại, kiến nghị, bảo vệ tài sản, đối chất khi có mâu thuẫn lời khai...

Với việc cơ quan điều tra đề nghị truy tố các bị can dù đang bỏ trốn, VKS hoặc có thể chấp nhận để ra bản cáo trạng truy tố, hoặc tách vụ án với các bị can này để xử lý sau. Trường hợp VKS chấp nhận, hồ sơ vụ án sẽ được chuyển sang tòa để xét xử theo thẩm quyền.

Khoản 2 Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong trường hợp "bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả". Như vậy, nếu thời điểm đưa vụ án ra xét xử mà nhóm bị cáo vẫn bỏ trốn và chưa truy bắt được, quá trình xét xử có thể diễn ra bình thường.

Khi ấy, bị cáo bỏ trốn sẽ mất đi các quyền lợi như đã nêu ở trên, cùng quyền được xét xử công khai tại tòa, quyền tự bào chữa…

Trở lại nội dung vụ án tại BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Cơ quan Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định Nguyễn Thị Thanh Nhàn lợi dụng sự quen biết với lãnh đạo tỉnh, sử dụng nhiều chiêu trò vi phạm pháp luật để trúng 16 gói thầu, gây thiệt hại 152 tỉ đồng.

Bà Nhàn cùng cấp dưới tại AIC còn nhiều lần chi hối lộ cho ông Trần Đình Thành, cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai với số tiền 14,5 tỉ đồng; Đinh Quốc Thái, cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai 14,5 tỉ đồng; Phan Huy Anh Vũ, cựu giám đốc BV đa khoa tỉnh là 14,8 tỉ đồng.

Để đối phó với hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra của các cơ quan chức năng, bà Nhàn đã yêu cầu nhân viên, lãnh đạo chủ chốt thuộc Công ty AIC xuất cảnh khỏi Việt Nam; tiêu hủy tài liệu, chứng cứ. Về phía mình, bà Nhàn không hợp tác, bỏ trốn và bị phát lệnh truy nã.

Dù vậy, cơ quan điều tra cho rằng vẫn có đủ cơ sở để đề nghị truy tố đối với các bị can. Căn cứ đề nghị truy tố dựa vào lời khai của chính những quan chức được bà Nhàn chi tiền hối lộ cũng như của nhân viên Công ty AIC; việc sao kê tài khoản ngân hàng, trích xuất dữ liệu, thực nghiệm điều tra; cho các bị can tự vẽ lại sơ đồ địa điểm nhận tiền; tổ chức nhận dạng bà Nhàn…

Mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát đi thông báo, yêu cầu bà Nhàn cùng bảy người khác ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng. Nếu tiếp tục bỏ trốn, cơ quan điều tra coi đó là việc từ bỏ quyền tự bào chữa.

Theo Pháp luật TP.HCM

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/chu-tich-aic-nguyen-thi-thanh-nhan-va-7-dong-pham-bo-tron-van-co-the-bi-xet-xu-a22731.html