Trẻ mắc cúm B có dấu hiệu nặng hơn mọi năm
Theo ghi nhận tại các bệnh viện (BV) tại Hà Nội, số bệnh nhân mắc cúm, đặc biệt là trẻ nhỏ mắc cúm B, đang tăng mạnh. Trong đó, nhiều trường hợp có chỉ định nhập viện và bị biến chứng viêm phổi, suy hô hấp tiến triển. Tại BV Nhi Trung ương, giai đoạn thời tiết giao mùa, số trẻ đến khám vì mắc bệnh hô hấp rất đông. Nhiều trẻ bị cúm nặng phải nhập viện. Sau đợt cúm A bùng phát mạnh vừa qua, từ tháng 9, 10 lại bắt đầu xuất hiện nhiều trẻ mắc cúm B.
Thấy con trai 5 tuổi bị sốt 38,5 độ C, ho, sổ mũi, chị Nguyễn Thị Liên (quận Ba Đình, Hà Nội) chủ quan nghĩ con bị cúm đơn giản. Chị đi mua thuốc cảm cúm như thường lệ cho con uống. Tuy nhiên, sau 2 ngày uống thuốc, cháu nhỏ mệt hơn, đến lúc thấy con mê sảng, đi không vững chị mới tá hỏa gọi xe cấp cứu đưa vào BV Nhi Trung ương. Bé được xác định mắc cúm B. Rất may, được phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời nên con chị đã hồi phục tốt.
Trong khi đó, một tuần nay, cả gia đình chị Trần Phương Nhung (huyện Đan Phượng, Hà Nội) đổ bệnh vì cúm B. Theo lời chị Nhung, ban đầu, con trai (7 tuổi) có biểu hiện sốt trên 38,5 độ C, người mệt mỏi, ho, sổ mũi, buồn nôn… nghi ngờ mắc Covid-19 nhưng khi test Covid-19 lại cho kết quả âm tính. Do đó, chị Nhung mua thuốc hạ sốt và nước bù điện giải cho con uống, tuy nhiên, tình trạng sốt không cải thiện nhiều. Vài ngày sau, chị và chồng chị cũng có triệu chứng tương tự. Sau khi đi khám, xét nghiệm, cả nhà chị Nhung mới biết là mắc cúm B.
Nhiều trẻ nhập viện vì mắc cúm tại BV Nhi Trung ương.
“Khi cháu có dấu hiệu bị cúm, tôi nghĩ cháu cũng bị nhẹ như mọi khi, vì cảm cúm thường tự khỏi. Tôi không nghĩ cúm B lại lây lan nhanh và mạnh đến thế. Bình thường mọi năm, cúm B không đáng lo, nhưng năm nay nhiều trường hợp nặng. Qua thăm khám, tôi mới thấy không thể chủ quan với cúm B” – chị Nhung chia sẻ.
Theo Bộ Y tế, hằng năm Việt Nam ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa. Số mắc ghi nhận quanh năm nhưng có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa Hè - Thu, Đông - Xuân. Trong đó, cúm B là một trong những chủng cúm mùa phổ biến.
Tại BV Nhi Trung ương, trong vài tuần qua, số trẻ mắc cúm đa phần có kết quả xét nghiệm cúm B, trong khi trước đó chủ yếu là mắc cúm A. Cả 2 chủng cúm thường có triệu chứng sốt, mệt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, có thể bị buồn nôn, tiêu chảy. Năm nay, số trẻ mắc cúm B có dấu hiệu nặng hơn hẳn mọi năm và đa phần có cả bội nhiễm.
Thông thường, đa số trẻ mắc cúm chỉ cần chăm sóc tại nhà và tự khỏi sau 1 - 2 tuần dù biểu hiện ho, mệt mỏi có thể kéo dài hơn; cũng có một số trường hợp diễn biến nặng do có bệnh mạn tính hoặc rối loạn, suy giảm hệ miễn dịch, nhưng không nhiều... Năm nay, trong số ca cúm biến chứng nặng, viêm cơ tim, suy đa phủ tạng, đã có vài trường hợp không hề có bệnh lý nền. Riêng tháng 10/2022, đã có 7 trường hợp nguy kịch, trong đó, 4 cháu phải lọc máu, 3 cháu chạy ECMO. Vì vậy, khi chăm sóc trẻ tại nhà, các gia đình cần nhận biết dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đi khám kịp thời.
Chủ động phòng, chống bệnh cúm
Đề cập tới vấn đề này, TS Nguyễn Mai Hoàn - Trưởng khoa Khám bệnh đa khoa, BV Nhi Trung ương cho biết, năm nay dịch cúm B có nhiều điểm khác so với mọi năm. Cụ thể tỷ lệ nhiễm cúm B tăng cao hơn, lây lan mạnh, tập trung nhiều ở nhóm trẻ lớn và người lớn. Nếu mọi năm cúm B chỉ là virus cúm thông thường thì năm nay, biểu hiện ở các trẻ mắc cúm B có vẻ nặng nề hơn. Đơn cử như trẻ sốt cao hơn, những trẻ này khi xét nghiệm đã có bội nhiễm, trong đó chủ yếu là nhiễm khuẩn đường hô hấp. Đặc biệt các trường hợp này đều lây lan mạnh, đa số các trẻ mắc cúm B nhập viện đều có cả gia đình, lớp học cũng bị lây nhiễm.
Mọi năm, cúm B thường chỉ xuất hiện lẻ tẻ trên một vài cá thể, nhưng năm nay xuất hiện trong từng gia đình, từng nhóm đông người; người bệnh có biểu hiện nặng nề hơn; đặc biệt với những trẻ nhập viện có bệnh nền hoặc có yếu tố cơ địa đều bị nhiễm cúm B rất nặng nề.
Đặc biệt, TS Nguyễn Mai Hoàn cảnh báo, triệu chứng cúm A và cúm B có nhiều điểm giống như: Sốt cao, viêm long đường hô hấp… Tuy nhiên, mọi năm cúm A vẫn được chú trọng nhiều hơn vì cúm A thường gây sốt cao và lây lan mạnh. Tuy nhiên, năm nay, cúm B cũng có biểu hiện gần giống cúm A, nên người dân cần phải cẩn thận hơn.
Người dân đưa trẻ đến khám tại BV Nhi Trung ương.
“Tỷ lệ mắc cúm B tăng cao như năm nay có thể do nhiều nguyên nhân như: Virus cúm hay xảy ra ở những cơ thể có yếu tố dịch tễ tiếp xúc nơi đông người. Sau thời gian người dân phải cách ly do dịch bệnh. Khi trẻ quay trở lại trường nên có biểu hiện mạnh hơn. Đặc biệt, sau khi cơ thể nhiễm virus, nhiễm cúm cũng làm cho hệ miễn dịch của trẻ giảm hơn, sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn khi mắc cúm” - Trưởng khoa Khám bệnh đa khoa, BV Nhi Trung ương cho hay.
Trong các bệnh cúm mùa, nhiều người cho rằng, cúm A nặng hơn cúm B, cũng dễ lây lan hơn.
Liên quan đến vấn đề này, Bác sĩ Lê Trương Tuyết Minh - Khoa Nhi, BV Trung ương Quân đội 108 cho hay, bệnh cúm B tiến triển thường lành tính, tuy nhiên, ở người có bệnh lý mạn tính về tim mạch, hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi và trẻ em có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn, đặc biệt là có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Với các triệu chứng dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường, nhiều người bệnh thường chủ quan, dẫn đến các biến chứng khi nhiễm cúm B. Vì vậy, nếu người bệnh có các biểu hiện nghi ngờ thì cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh để bệnh kéo dài và nặng thêm, dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Tùy từng trường hợp, các bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể, với cúm B có biến chứng thì sẽ được nhập viện để điều trị. Cúm B chưa biến chứng có thể không cần xét nghiệm hoặc điều trị cúm tại cơ sở y tế nếu biểu hiện triệu chứng nhẹ. Nếu triệu chứng nặng lên hoặc người bệnh lo lắng về tình trạng sức khỏe thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và chăm sóc.
Để chủ động phòng, chống bệnh cúm mùa, mọi người cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng, nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng; đặc biệt cần tiêm vaccine cúm mùa...
Theo PGS.TS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa, BV Nhi Trung ương, phần lớn bệnh nhân mắc cúm B thể nhẹ tự khỏi, tuy nhiên, virus cũng có thể gây biến chứng nặng như viêm phổi do virus cúm hoặc do bội nhiễm vi khuẩn. Các biến chứng nghiêm trọng khác hiếm gặp hơn như: viêm cơ tim, viêm não, suy đa cơ quan...
Do đó, cha mẹ cần đưa trẻ mắc cúm B đến các cơ sở y tế khi trẻ có những dấu hiệu như sốt cao từ 39,5 độ C trở lên mà dùng thuốc hạ sốt và các phương pháp vật lý hạ nhiệt (đảm bảo phòng thoáng mát 26 - 29 độ C, chườm nước ấm tích cực) nhưng nhiệt độ không hạ. Trẻ sốt cao từ 38,5 độ C trở lên quá 3 ngày, không có xu hướng thuyên giảm. Trẻ thở nhanh, thở bất thường: Thở rít, khò khè, rút lõm lồng ngực, co kéo cơ hô hấp. Mạch nhanh so với tuổi (khi trẻ không sốt), lạnh chi (khi không sốt cao). Trẻ không ăn/uống. Trẻ có biểu hiện mất nước: Môi se, mắt trũng, niêm mạc miệng/ lưỡi khô, đòi uống nước, đi tiểu ít (theo dõi thấy bỉm, tã ít ướt hơn bình thường). Trẻ thay đổi ý thức: không chịu chơi, quấy khóc, li bì, co giật... Trẻ lớn kêu đau bụng, đau ngực, nôn nhiều...
Cúm có 4 type là A, B, C, D. Từ sau đại dịch Covid-19, các nghiên cứu cho thấy số ca cúm B chiếm khoảng 40%, cúm A chiếm 60% trong các trường hợp cúm mùa; rất hiếm gặp cúm C, D. Các triệu chứng thường gặp khi nhiễm cúm B gồm: Sốt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, đau xương khớp, cảm thấy kiệt sức. Trẻ em bị cúm cũng có thể có các triệu chứng tiêu hóa (buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy). Mặc dù một số triệu chứng cúm có thể tương tự như cảm lạnh, và đa số trẻ sẽ bình phục sau 1 - 2 tuần, nhưng ho và mệt mỏi có thể kéo dài.
PGS.TS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa, BV Nhi Trung ương
Theo báo Kinh tế Đô thị
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/luong-benh-nhan-mac-cum-b-ngay-cang-gia-tang-khong-the-chu-quan-a22698.html