Tối 9/11, tại Nhà Văn hóa Thanh niên (TP Hồ Chí Minh), UBND TP và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước TP Hồ Chí Minh lần 5, năm 2022. Buổi lễ tuyên dương 21 tập thể, 80 cá nhân là những gương sáng thầm lặng, có những nghĩa cử, việc làm tận tụy vì cộng đồng, xã hội.
Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Trần Hoàng Thám, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Võ Văn Hoan, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP; đại diện Ban Công tác phía Nam Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Cơ quan Đại diện Văn phòng Ban Thi đua khen thưởng Trung ương tại TP Hồ Chí Minh…
"Những tấm gương thầm lặng mà cao cả"
Báo cáo, đánh giá về công tác tổ chức bình chọn “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước TP Hồ Chí Minh lần 5 - năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Trung cho biết: Số lượng tấm gương giới thiệu về Ban tổ chức nhiều hơn so với các năm trước đây là nhờ công tác chuẩn bị kỹ càng từ trước, cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đoàn thể liên quan và các cấp cơ sở. Bên cạnh kênh giới thiệu từ hệ thống cơ sở, các khu dân cư, tổ dân phố… thì việc phát hiện của các cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng. Quá trình xét chọn được diễn ra theo đúng quy định, trách nhiệm và đảm bảo tiêu chuẩn chặt chẽ.
Số lượng gương được giới thiệu, đề nghị xét chọn tuyên dương tăng đáng kể so với lần trước, từ trên 100 gương tăng lên hơn 450 gương. Đặc biệt nhất là trong quá trình xét chọn, phát hiện số gương có thành tích từ 3 - 4 năm trở lại đây chiếm tỷ lệ cao, cho thấy hiệu quả tích cực mang lại từ những lần tuyên dương trước đã và đang lan tỏa trong cộng đồng.
Việc xét chọn, tuyên dương những tấm gương thầm lặng mà cao cả thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong công tác thi đua, khen thưởng nhằm động viên kịp thời tinh thần tự nguyện, tự giác, sự hy sinh cống hiến thầm lặng, bằng những tấm lòng nhân ái không toan tính vụ lợi để giới thiệu, tuyên truyền sâu rộng trong đời sống xã hội tạo sự lan tỏa trong phong trào thi đua, phong trào hành động cách mạng của người dân Thành phố.
Tại Lễ tuyên dương, các đại biểu đã được giao lưu, lắng nghe những tấm gương thầm lặng mà cao cả chia sẻ, kể về câu chuyện, việc làm của mình trong thời gian qua. Đó là bác sỹ Chuyên khoa I Phạm Thị Ngọc Dung, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khoa học Tiêu hóa TP Hồ Chí Minh, người có gần 30 năm làm việc tại Bệnh viện Nhiệt Đới. Thời điểm dịch COVID-19 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, dù bác sỹ Dung đã đến thời điểm được nghỉ theo chế độ nhưng chứng kiến bệnh viện phong tỏa, đồng nghiệp vất vả chống chọi với đại dịch, bác sỹ Dung đã quyết định sẽ ở lại để cùng với đồng nghiệp chiến đấu với với đại dịch bệnh.
Bên cạnh việc tích cực điều trị cho bệnh nhân, bác sỹ Dung còn được đồng nghiệp biết đến là một người rất tích cực với các hoạt động xã hội bằng việc kết nối các mạnh thường quân hỗ trợ các thiết bị y tế, thuốc, khẩu trang và nhu yếu phẩm để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh.
“Làm công tác xã hội với tôi như một cái duyên. Ngay từ khi mới nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Nhiệt Đới TP tôi đã cộng tác với Phòng công tác xã hội của Bệnh viện hỗ trợ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn về viện phí, thuốc men…tôi muốn lan tỏa những điều tốt đẹp cho xã hội”. Bác sỹ Dung tâm sự.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên trao bằng khen cho các tập thể được tuyên dương (Ảnh: sggp.vn)
Hay đó là câu chuyện xúc động của Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Hậu cần - Trung đoàn Gia Định (Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh) từ công việc thực tế của mình, tiếp xúc và biết đến hoàn cảnh của những em nhỏ không may mồ côi mẹ do dịch bệnh COVID-19, dù điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn nhưng Thiếu tá Kiên và vợ vẫn nhận bảo trợ cho 2 trẻ em bị mất mẹ do cảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên cho biết: “Hai cháu đều có hoàn cảnh khó khăn, tôi và vợ chỉ nghĩ mình cố gắng nỗ lực hơn để các cháu yên tâm vơi đi nỗi đau do ảnh hưởng của dịch bệnh, và chúng tôi sẽ đồng hành cùng các cháu vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận được những sự ủng hộ của lãnh đạo và đồng nghiệp cùng với cộng đồng xã hội, đó chính là động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục thực hiện những việc mình đang làm”.
GS.TS Võ Tá Hân (sinh sống và làm việc tại Mỹ), ông là người đã chuyển hơn một triệu cuốn sách nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực về Việt Nam. GS.TS Võ Tá Hân chia sẻ: “Việc làm bắt đầu chuyển sách về Việt Nam từ năm 1988, thời điểm đó mạng internet còn chưa phát triển, tôi chuyển sách về với mong muốn sinh viên trong nước có cơ hội học hỏi và mang ra ứng dụng. Đến nay, đã có hơn 1 triệu cuốn sách đủ thể loại nghiên cứu chuyển từ Việt Nam. Tôi vui vì thi thoảng được những người tôi chưa từng gặp mặt viết thư cảm ơn vì nhờ những cuốn sách đó mà họ đã thành công”…
Đổi mới kịp thời đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ của Thành phố
Phát biểu tại Lễ tuyên dương, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh bày tỏ lòng trân trọng và biết ơn với những tấm gương cá nhân, tập thể được tôn vinh. Đồng chí nhấn mạnh: Những cá nhân tập thể được vinh danh là những bông hoa đầy hương sắc đến từ nhiều thành phần trong xã hội, đa dạng, phong phú về thành phần, nghề nghiệp, lứa tuổi, nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ đến từ cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, những người có tấm lòng thiện nguyện, công nhân, nông dân, học sinh - sinh viên, thầy thuốc, nhà giáo, cán bộ, chiến sĩ, văn nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân và người Việt Nam ở nước ngoài….
Đồng chí Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Lễ tuyên dương (Ảnh: HM)
"Bên cạnh những tấm gương được tuyên dương hôm nay, còn rất nhiều tấm gương chưa kịp tập hợp mà báo chí đã nêu như: người thợ sửa xe hay sinh viên lăn xả vào công tác phòng chống dịch… Họ đều có một điểm chung là tình yêu nước, tình yêu thương con người thầm lặng cống hiến vì TP thân yêu. TP Hồ Chí Minh là nơi hội tụ người dân ở mọi miền Tổ quốc, từ xưa đến nay các thế hệ cha ông đều mang chung ý chí, ước mơ và khát vọng vì đất nước, vì nhân dân, bởi vậy đã tạo nên phong cách hào sảng, đời sống lạc quan, phóng khoáng luôn hướng đến chân- thiện-mỹ. Những tấm gương đã góp phần bồi đắp thêm tâm hồn, tình cảm và nhân cách của chúng ta”. Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng: "Sau lần thứ 5 này chúng ta đã có đủ thời gian để tổng kết, rút kinh nghiệm, để đề ra kế hoạch cho giai đoạn mới. Phải làm sao tập hợp nhiều hơn, sâu rộng hơn để phát hiện nhân rộng những tấm gương điển hình thầm lặng mà cao cả; Làm sao để những người tử tế, thầm lặng không phải kê khai thành tích để báo cáo, các thủ tục đơn giản hơn, đồng thời phải có cơ chế khen thưởng những người phát hiện; Làm sao để không trùng lắp với các phong trào có cùng tính chất của các ngành, các đơn vị của TP. Và đặc biệt, Chương trình phải đổi mới nhiều mặt để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ của một Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đề nghị, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, các cơ quan truyền thông, báo đài có thêm chuyên trang, chuyên mục để tôn vinh, nhân rộng những người làm việc tốt, lan tỏa sâu rộng những hành động đẹp, để không ngừng lan tỏa, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", "lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực"...
Theo báo Đảng Cộng sản Việt Nam
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tuyen-duong-101-tam-guong-tham-lang-ma-cao-ca-a22577.html