Sốt xuất huyết ở Hà Nội tiến dần đến đỉnh dịch

Số ca sốt xuất huyết ở Hà Nội đã vượt ngưỡng dự báo, tiến dần đến đỉnh dịch, trong đó có nhiều ca biến chứng nặng. Thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng do đang trong cao điểm mùa dịch.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 28/10 đến 4/11), Hà Nội đã ghi nhận 1.312 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 8,9% so với tuần trước đó). Một số quận, huyện có số ca mắc cao là: Hà Đông (148), Thanh Oai (127), Phú Xuyên (110), Đống Đa (101).

sot-xuat-huyet-denque-140801-150922-63-1663432594702944173936-crop-1663432609952452889032-1667975113.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 10.716 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 539/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành đã xác định được là D1 và D2 và D4.

Ngoài ra, trong tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận thêm 58 ổ dịch mới tại 15 quận, huyện: Hoàng Mai (16), Thanh Oai (6), Bắc Từ Liêm (5), Hà Đông (5), Thanh Trì (5), Hai Bà Trưng (5), Chương Mỹ (3), Đống Đa (3), Phú Xuyên (2), Long Biên (2), Hoài Đức (2), Gia Lâm (1), Đan Phượng (1), Phúc Thọ (1), Tây Hồ (1).

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 871 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại còn 143 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trong quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà, người chăm sóc bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng như sốt cao 39 - 40 độ C, đột ngột, liên tục; bệnh nhân có thể giảm hoặc hết sốt nhưng mệt li bì hoặc bứt rứt; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều; tay chân lạnh ẩm; chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo; không đi tiểu trên 6 giờ... thì cần đưa đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 1 (Giải Phóng), 25 trên tổng số 30 giường bệnh dành cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng cần theo dõi tích cực, nhiều ca trong số đó sinh sống tại Hà Nội. Số bệnh nhân sốt xuất huyết chiếm lượng lớn giường bệnh tại Khoa Virus - Ký sinh trùng hay Khoa Nội tổng hợp của viện này.

Không ít ca bệnh đến viện khi đã có diễn biến nặng, nhập viện muộn. Điển hình như ca bệnh cao tuổi ở huyện Thường Tín (Hà Nội) nhập viện ngày thứ 6 từ khi có dấu hiệu sốt cao. 5 ngày trước đó bà dùng thuốc hạ sốt không đỡ, đến khi thấy người mệt mỏi, huyết áp hạ thấp, bà đi viện khám, tiểu cầu đã giảm rất thấp, thậm chí đã suy tạng.

Ngoài ra, một số bệnh nhân chuyển đến bệnh viện tuyến Trung ương trong tình trạng tiểu cầu giảm, suy tạng, biến chứng viêm phổi, xuất huyết tiêu hóa, chảy máu mũi, đi tiểu ra máu... 

ThS.BS Trần Văn Bắc, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết trong thời điểm xuất hiện cả cúm A, cúm B, sốt xuất huyết, Covid-19, người dân có biểu hiện sốt, mệt mỏi cần tới cơ sở y tế kiểm tra, xét nghiệm được hướng dẫn theo dõi sát sao.

Theo dự báo của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, bởi đang trong cao điểm mùa dịch. Do đó, nguy cơ ghi nhận thêm nhiều bệnh nhân nặng và tử vong. Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, hoạt động chống dịch sốt xuất huyết trong thời gian tới sẽ tập trung tăng cường giám sát phát hiện ca mắc tại cộng đồng và các cơ sở y tế đã được phân cấp để phát hiện sớm ca bệnh nhằm điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch kịp thời, hạn chế ổ dịch lan rộng; đặc biệt là phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng nhằm tránh các biến chứng do phát hiện bệnh muộn. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết, nhất là tại các xã, phường, thị trấn đã xuất hiện ổ dịch, những nơi có khu vực ổ dịch cũ phức tạp hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao.

T.H.

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/sot-xuat-huyet-o-ha-noi-tien-dan-den-dinh-dich-a22535.html