Trẻ nhập viện ồ ạt
Những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày, khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhi.
TS. BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp cho biết, 1 tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhân đến khám tại khoa Hô hấp tăng cao. Số lượng bệnh nhi tăng nhanh vượt khả năng đáp ứng số giường nằm, trung bình một ngày khoảng 300 ca bệnh được tiếp nhận điều trị trong khi cả khoa chỉ có thể đáp ứng tối đa 150 ca.
TS. BS Trần Anh Tuấn cho hay, nếu như mọi năm, bước sang giữa tháng 11 số lượng bệnh sẽ giảm, nhưng năm nay, bệnh nhi bị các bệnh hô hấp vẫn còn ở mức cao.
Để giải quyết tình trạng quá tải, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau như: Tăng cường một số phòng khám để tiếp nhận đầy đủ bệnh nhân tới khám. Bệnh viện cũng đã ban hành và thực hiện chặt chẽ các chỉ định về nhập viện để tránh trường hợp nhập viện không cần thiết. Mặc dù số ca bệnh đông, bệnh viện vẫn duy trì tỷ lệ nhập viện vẫn ở mức 5% - đây là mức thấp so với bệnh nhân tới khám.
Đối với những trường hợp nhập viện, các bác sĩ sẽ thực hiện biện pháp xem những trẻ nhỏ nào tình trạng bệnh có thể điều trị ngoại trú. Theo đó, hằng ngày, bệnh nhi sẽ được điều trị thuốc tiêm, về nhà theo dõi và thường xuyên tái khám cho đến khi trẻ khỏe mạnh hoàn toàn.
Ngoài ra, với trẻ nhập viện vì bệnh hô hấp không quá nặng, không đòi hỏi điều kiện chuyên khoa, thì các bác sĩ của khoa Nội tổng quát có thể "chia lửa" với khoa Hô hấp.
Theo ghi nhận, không chỉ tại các bệnh viện công mà ngay cả những bệnh viện tư, số bệnh nhi mắc bệnh hô hấp cũng tăng đột biến. Trẻ được đưa đến khám, chủ yếu mắc các nhóm bệnh: Viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản, viêm mũi họng, viêm thanh khí phế quản...
Khuyến cáo phụ huynh phòng bệnh hô hấp cho trẻ
Trước thực trạng gia tăng bệnh hô hấp đáng báo động trên, TS. BS Trần Anh Tuấn lưu ý, vào thời điểm mùa mưa, trẻ nhỏ rất dễ mắc các bệnh về hô hấp và biểu hiện thường gặp là ho. Tuy nhiên, mức độ nặng nhẹ của bệnh không phải liên quan đến mức độ ho ít hay ho nhiều.
Vấn đề phụ huynh cần quan tâm là trẻ có biểu hiện khó thở như thế nào. Bởi mức độ khó thở của trẻ có thể phản ánh được mức độ nặng của bệnh và trả lời được câu hỏi các cháu cần nhập viện hay không; nếu cần thì nhập viện ở đâu. Vì vậy, khi trẻ bị ho, phụ huynh không nên quá quan tâm đến tiếng ho mà để dành thời gian quan tâm đến vấn đề thở của trẻ như thế nào.
Theo bác sĩ Tuấn, phụ huynh cần phát hiện sớm trẻ mắc bệnh viêm phổi để đưa trẻ đi khám bệnh kịp thời. Bởi nếu được điều trị kịp thời, kết quả điều trị sẽ rất là tốt vì chi phí thuốc kháng sinh điều trị viêm phổi thấp.
Triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm phổi là trẻ thở nhanh hơn bình thường. Triệu chứng này rất có ý nghĩa. Bởi trên phương diện khoa học, triệu chứng thở nhanh xuất hiện sớm nhất để báo hiệu trẻ bị viêm phổi, sớm hơn các dấu hiệu mà các bác sĩ nghe bằng ống nghe hay chụp X-quang phổi. "Chỉ với đồng hồ có kim giây, các bậc cha mẹ vẫn có thể phát hiện được dấu hiệu thở nhanh của trẻ", bác sĩ Tuấn nói.
Thứ hai, làm thế nào để nhận biết được mức độ viêm phổi của trẻ nặng tới mức phải nhập viện? Đó là dấu hiệu khó thở khác - thở co lõm lồng ngực. Để phát hiện dấu hiệu này, phụ huynh cho em bé nằm yên trên giường hoặc nằm trong lòng của cha mẹ, sau đó vén cao áo của bé lên để thấy rõ ngực, bụng của bé thở như thế nào.
Thông thường, khi trẻ hít thở, phần dưới lồng ngực của trẻ sẽ nở ra để tiếp nhận oxy dưỡng khí từ bên ngoài vào. Trường hợp bị nặng, trẻ phải ráng thở, hóp lồng ngực vào khi hít thở - đây là dấu hiệu báo hiệu trẻ đã bị viêm phổi nặng. Với trường hợp này cần phải đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và nhập viện.
TS. BS Trần Anh Tuấn cho biết, đa phần các trường hợp bệnh hô hấp sẽ dễ dàng vượt qua nếu như trẻ không có các yếu tố nguy cơ sau đây:
Đối với những trường hợp vừa kể trên, nếu trẻ mắc bệnh viêm phổi đa phần sẽ dễ trở nặng hơn, có nhiều biến chứng, thậm chí tỷ lệ tử vong cũng cao hơn nhiều.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tphcm-benh-ho-hap-tang-cao-bac-si-chi-ra-dau-hieu-tre-bi-viem-phoi-phai-nhap-vien-cap-cuu-a22469.html