Triều cường đang cao khiến nhiều tuyến đường nội ô TP Cần Thơ ngập nặng ngày 9/10. Ảnh: Hoàng Giám. |
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước quan trắc cao nhất tại trạm hải văn Vũng Tàu ngày 5/11 đạt 4,29 m.
Ngày 6-11/11, mực nước tại đây luôn duy trì ở mức cao, dao động 4,25-4,35 m. Độ cao sóng tại khu vực ven biển Bình Thuận - Cà Mau dao động 2-3 m, biển động.
Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ dự báo mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai sẽ lên chậm trong 5 ngày tới. Đỉnh triều đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 8-10/11, vào khung giờ 4-6h và 17-19h.
Trong khi đó, mực nước tại trạm Phú An và Nhà Bè có thể lên mức cao hơn báo động 3 khoảng 0,1 m. Mực nước tại trạm Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Biên Hòa (Đồng Nai) có thể lên mức 1,7-1,75 m, cao hơn báo động 3 là 0,1-0,15 m.
Ảnh hưởng của triều cường kết hợp sóng lớn, khu vực ven biển các tỉnh Nam Bộ có khả năng ngập úng tại vùng trũng, thấp, ven sông và khu vực ngoài đê bao.
Cơ quan khí tượng dự báo từ nay đến cuối năm, vùng ven biển Nam Bộ xuất hiện thêm 4 đợt triều cường mới. Trong đó, độ cao mực nước tại trạm hải văn Vũng Tàu sẽ ở mức trên 4 m trong đợt triều cường cuối tháng 11, 12.
Đợt triều cường gần nhất xuất hiện tại Nam Bộ bắt đầu từ ngày 6/10 và duy trì hơn một tuần. Không chỉ thời gian kéo dài, mực nước triều cũng rất cao. Tại Cần Thơ, đỉnh triều được ghi nhận cao 2,27 m, đạt mức kỷ lục.
Trạm Mỹ Thuận (Vĩnh Long) cũng xác lập kỷ lục mới về triều cường. Đỉnh triều đạt 2,17 m, cao hơn 5 cm so với mức lịch sử cũ năm 2017.
Triều cường cao kỷ lục đã gây ngập úng sâu ở khắp các vùng trũng thấp của các tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/zing-newstap-chi-tri-thuc-truc-tuyen-a22416.html