“Cứ mỗi lần mưa bão, UBND xã về động viên dân ra khỏi nhà đi tới những nhà an toàn ở. Từ khi nhà tôi bị sụp đổ cho đến giờ, tôi cũng đi xin ở tạm nhà người ta, giờ chỉ mong muốn sớm được giúp đỡ, sớm có ngôi nhà, đảm bảo nơi ăn, chốn ở”, bà Đào nói.
Tương tự, gia đình Đào, bà Nguyễn Thị Ghép và bà con trong thôn Lập, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông luôn lo lắng khi mưa lớn dài ngày. Cứ đến mùa mưa bão, 78 hộ dân ở đây lại lo sợ thảm họa từ sạt lở. Trước mặt thôn Lập là thủy điện Thượng Nhật, bao quanh là những ngọn núi cao. Bà Ghép sống ở đây 40 năm rồi nhưng chưa bao giờ bà cảm thấy lo sợ sạt lở đất như hiện nay. Mong muốn của bà Ghép và các hộ dân nơi đây là sớm được cấp đất tái định cư.
“Sau nhà tôi có một quả đồi, bị sạt lở mà ngủ ban đêm cũng không yên, ngồi ban ngày cũng không được. Chúng tôi rất lo lắng, mong sao Đảng Nhà nước quan tâm cấp đất di dời và hỗ trợ lại nhà ở”, bà Ghép cho hay.
Tại 2 huyện miền núi Nam Đông, A Lưới và huyện Phú Lộc có hàng chục vị trí nguy cơ sạt lở đất, lũ quét khi mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng trăm hộ dân. Riêng tại huyện Nam Đông, ghi nhận 5 vị trí có nguy cơ cao.
Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, địa phương rà soát, xác định vị trí nguy cơ sạt lở, xây dựng phương án bố trí tái định cư, di dời các hộ ở vị trí nguy hiểm đến nơi an toàn: “Ở thôn Lập của xã Thượng Nhật có nguy cơ sạt lở cao nhất và phía trên có thủy điện Thượng Nhật. Nguyện vọng của người dân là đề nghị huyện có dự án di dời các hộ này. Về trách nhiệm của huyện và của tỉnh cũng đã có rồi nhưng nguồn lực hiện vẫn còn khó khăn”.
Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận 48 điểm nguy cơ xảy ra sạt lở, tập trung ở các khu vực gò đồi, núi của các huyện Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền và 2 thị xã Hương Thủy, Hương Trà. Tỉnh này đang xây dựng phương án bố trí tái định cư, di dời các hộ ở các vị trí nguy cơ sạt lở núi đến nơi an toàn. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có văn bản gửi Tổng cục Phòng chống thiên tai về dự án di dời dân cư khẩn cấp khỏi khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
Trước mắt, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chọn 2 điểm di chuyển dân thuộc dự án ưu tiên ở thôn Bình An 2, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc và thôn Lập, thôn A Tin, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông phê duyệt chủ trương đầu tư. Hai điểm di chuyển dân thuộc dự án ưu tiên đầu tư này sẽ tái định cư cho 123 hộ dân với tổng mức đầu tư 52 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương rà soát, lập các dự án để bố trí nguồn lực của Trung ương, của tỉnh, xây dựng các khu tái định cư, di dời dân các vùng sạt lở đến nơi an toàn.
“Tỉnh đã đánh giá nhanh những vị trí có nguy cơ sạt lở. Trên cơ sở đó, tỉnh chỉ đạo các vùng có nguy cơ sạt lở, một số vùng như ở Phú Lộc, ở Nam Đông, ở Phong Điền. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương có phương án di dời các hộ dân ở gần khu vực lở ra khỏi khu vực có nguy cơ. Về phương án lâu dài, sau khi có đánh giá một cách chính thức có cơ sở, có khoa học về những vị trí sẽ bị sạt lở trong thời gian tới. Chắc chắn sẽ có phương án di dời, sơ tán những hộ dân này”, ông Nguyễn Đình Đức chia sẻ.
Nguy cơ sạt lở đang đe dọa tính mạng, tài sản của hàng trăm hộ dân. Việc chủ động di dời ứng phó với thiên tai trở nên cấp bách. Người dân ở vùng sạt lở Thừa Thiên Huế mong muốn sớm được đến nơi ở mới an toàn, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế./.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/mat-an-toan-khi-song-trong-vung-sat-lo-o-thua-thien-hue-a22410.html