Các đại biểu Quốc hội đã tập trung nghiên cứu kết quả Giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 và khẳng định: Ðây là một trong những chuyên đề giám sát có quy mô rộng lớn nhất từ trước đến nay, thu hút sự quan tâm sâu rộng. Thông qua quá trình giám sát, nhiều con số ‘’biết nói’’ đã phản ánh tương đối toàn diện "bức tranh" thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hơn 5 năm qua…
Bên cạnh nêu rõ những kết quả quan trọng đạt được trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng khi kết quả giám sát cho thấy: Thực trạng lãng phí, thất thoát các nguồn lực của đất nước về tài chính, ngân sách, tài sản công, đất đai, tài nguyên khoáng sản, thời gian lao động… là rất lớn và nghiêm trọng. Báo cáo kết quả giám sát có tổng cộng gần 100 trang nhưng những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân được liệt kê là gần 60 trang, cho thấy giám sát, kiểm tra lĩnh vực nào cũng có thể thấy lãng phí và thất thoát.
Ðảng, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng thực tế nhiều cơ quan, bộ, ngành Trung ương chưa thật sự quyết liệt, chưa chú trọng hiệu quả thực chất, còn hình thức. Trong khi đó, ở địa phương có nơi còn thờ ơ, buông lỏng, thậm chí có biểu hiện nương nhẹ cho các cơ quan, đơn vị để xảy ra lãng phí.
Thực trạng là những trăn trở, băn khoăn không nhỏ, nhưng Quốc hội đã thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, những vấn đề cấp bách đang đặt ra, phân tích những yếu kém chủ quan, từ đó đề xuất những giải pháp khắc phục. Trước hết, để có thể từng bước tiến tới giải quyết triệt để tình trạng lãng phí, ý thức tiết kiệm yếu kém ở nhiều nơi, các cấp ủy đảng, chính quyền phải đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Muốn có kết quả tốt thì cần đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành nhiệm vụ thường xuyên và trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Không thực hiện tiết kiệm, hoang phí, gây thất thoát là do ý thức cá nhân chỉ chú trọng những lợi ích của bản thân, vì bản thân. Căn nguyên sâu xa của việc lãng phí chính là lối sống thực dụng, ích kỷ, dẫn đến việc có người chỉ quan tâm quyền lợi vật chất của bản thân, không vì lợi ích chung, không vì tập thể...
Về lâu dài, cần chú trọng hơn nữa việc phát triển văn hóa toàn diện, trong đó nhấn mạnh giáo dục lối sống văn minh, nâng cao ý thức đạo đức mới là gốc của việc chống lãng phí. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương sớm xây dựng và triển khai các tiêu chí cụ thể để hình thành ngay môi trường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Một trong những mục tiêu cao nhất là để mỗi người chủ động, tự giác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa thành nền nếp, ý thức sâu rộng và bền vững.
Ý thức tiết kiệm ở mỗi cá nhân sẽ phát huy tác dụng rộng lớn hơn, thực chất hơn nếu được định hướng, động viên từ xa, từ sớm. Chính vì vậy, các nhà trường, từng gia đình cần quan tâm nội dung này, đẩy mạnh truyền thông định hướng đối với các em học sinh, giúp cho các em hiểu về ý nghĩa quan trọng của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ những việc nhỏ nhất.
Từ những kết quả đạt được cũng như những yếu kém, bất cập trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí những năm qua, chúng ta nhận thấy dư địa phát triển của đất nước còn rất lớn. Nếu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả thực chất trên các lĩnh vực, các địa phương thì nguồn lực cho đất nước rất dồi dào. Chính vì vậy, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện nay phải là nhiệm vụ cấp bách, phải là quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và từng người dân.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tiet-kiem-chong-lang-phi-la-nhiem-vu-cap-bach-a22321.html