Thiếu nguồn nhà ở xã hội
Là người đầu tiên đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trong phiên chất vấn chiều nay 3/11, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn TPHCM) cho rằng, nhà ở xã hội lâu nay chủ yếu xã hội hoá nên nguồn cung còn hạn chế và trách nhiệm xã hội của DN, chủ đầu tư còn thấp.
“Bộ trưởng có đề xuất ban hành chính sách gì để phát triển nhà ở xã hội, nhất là việc hỗ trợ vốn, đơn giản hoá thủ tục hành chính để tăng nguồn cung nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của công nhân, người thu nhập thấp?” – nữ đại biểu chất vấn.
Cũng liên quan nội dung này, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) phản ánh tình trạng giá nhà ở xã hội cao hơn rất nhiều so với thu nhập của công nhân, người lao động thu nhập thấp và đề nghị Bộ trưởng có giải pháp khắc phục.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, trong nhiều năm, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân được Đảng, Nhà nước quan tâm, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu của công nhân khu công nghiệp, người lao động thu nhập thấp.
Dù đạt một số kết quả quan trọng bước đầu, song chưa đạt yêu cầu đặt ra, như mới đạt 7,79 triệu m2 so với yêu cầu là 12,5 triệu m2; quỹ đất dành cho nhà ở xã hội cũng mới hơn 36%. Chính vì nguồn cung chưa đảm bảo nên giá nhà ở hiện vẫn cao.
Nguyên nhân được người đứng đầu ngành xây dựng chỉ ra là quy định pháp luật còn có tồn tại cần nghiên cứu sửa đổi, đặc biệt là Luật Nhà ở và các quy định liên quan trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, mua bán, xác định giá trước khi giao dịch, chính sách ưu đãi, dành diện tích tối thiểu 20% cho thuê hay chưa có quy định hợp tác xã mua nhà ở xã hội bố trí cho người lao động của mình trong khi nhu cầu này rất lớn.
Bên cạnh đó việc dành quỹ đất, nguồn vốn cho nhà ở xã hội cũng chưa đảm bảo; chính sách ưu đãi, khuyến khích chưa thực sự thu hút; trong thực hiện thì quy trình, thủ tục còn phức tạp mà chưa có sự quyết liệt cải cách...
Chính vì vậy, thời gian tới, các bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan nhà ở để tháo gỡ khó khăn từ đó tăng nguồn cung nhà ở xã hội.
Song song với đó là rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đang triển khai thực hiện; triển khai hiệu quả đề án 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân.
Tại sao thành phố cứ mưa lại ngập?
Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) phản ánh hiện tượng ngập úng khắp nơi, từ núi cao Lào Cai, Đà Lạt đến ven biển Nha Trang, Cần Thơ hay giữa trung tâm Hà Nội mà nguyên nhân do mật độ xây dựng cao.
“Vấn đề này từ lâu nhưng ngày càng trầm trọng, chưa thấy hướng ra. Với trách nhiệm quản lý của ngành xây dựng về quy hoạch, phát triển đô thị, thì chủ trương, giải pháp nào giải quyết tình trạng trên?” – đại biểu Lâm nêu vấn đề.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng thừa nhận, thời gian qua, dù địa phương có quan tâm song chưa giải quyết được căn bản tình trạng ngập úng ở các đô thị, nhất là đô thị lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.
Ông nêu 5 nguyên nhân chủ yếu, đó là do tác động của thiên nhiên, biến đổi khí hậu; đô thị hoá nhanh chóng, nhiều ao hồ, kênh rạch bị lấp, diện tích bê tông hoá tăng cao nên giảm khả năng thoát nước; công tác quy hoạch chưa đáp ứng tầm nhìn phát triển; nhiều dự án triển khai theo quy hoạch còn hạn chế và nguồn lực đầu tư cho hạ tầng đô thị chưa đảm bảo yêu cầu.
Với trách nhiệm của mình, Bộ Xây dựng sẽ tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch; rà soát điều chỉnh phù hợp, tính tới yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dân. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đúng quy hoạch; xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước.../.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/bo-truong-xay-dung-ly-giai-nguyen-nhan-ngap-tu-nui-cao-lao-cai-den-ven-bien-can-tho-a22297.html