Lưu ý cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà

Từ đầu năm đến nay nước ta đã ghi nhận hơn 270.000 ca mắc sốt xuất huyết, 108 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 số mắc tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 87 trường hợp.

Lưu ý cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhàLưu ý cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hầu hết bệnh nhân sốt xuất huyết đều có triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng.

Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh có thể gây ra các triệu chứng giống như cúm đi kèm với sốt cao (40°C) hoặc nhiều triệu chứng khác như:

- Đau đầu

- Đau hốc mắt

- Buồn nôn/nôn mửa

- Nổi hạch

- Đau cơ, xương hoặc khớp

- Phát ban

Chính vì vậy, việc chẩn đoán kịp thời và điều trị đúng sẽ giúp giảm nguy cơ các triệu chứng bệnh trở nặng ở cả người lớn và trẻ em. Hiện nay một số bệnh dịch khác vẫn còn (như COVID-19, cúm, thủy đậu,...) nên dễ chẩn đoán nhầm với sốt xuất huyết. Nếu như vậy có thể dẫn đến điều trị phác đồ sai, nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, bác sĩ các tuyến cũng cần cập nhật hướng dẫn chẩn đoán của Bộ Y tế để xử lý điều trị đúng.

Trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết gia tăng, cùng đó là nhiều dịch bệnh khác, PGS.TS Đỗ Duy Cường lưu ý, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như NS1 để phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên.

Nếu đúng sốt xuất huyết sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định, tránh dẫn đến quá tải bệnh viện.

PGS. Đỗ Duy Cường khuyến cáo, sốt xuất huyết trong những ngày đầu vẫn có thể chăm sóc tại nhà:

- Người dân có thể cặp nhiệt độ hoặc theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác.

- Nếu đau mỏi người, sốt thì dùng hạ sốt, giảm đau, tránh dùng nhóm thuốc như aspirin, ibuprofen vì nó có thể gây chảy máu.

- Không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử mà cần sự theo dõi chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.

- Bệnh nhân có thể uống nhiều nước, như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi. Sau ngày thứ 5 có thể sẽ hết sốt.

"Tuy nhiên nếu bệnh nhân có biểu hiện thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ dẫn đến hiện tượng tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, nôn, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết. Đấy là những dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện" – chuyên gia bệnh truyền nhiễm cảnh báo.

Theo báo Chính Phủ

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/luu-y-cach-cham-soc-benh-nhan-sot-xuat-huyet-tai-nha-a22042.html