Chiều 27/10, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước của Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết để giải quyết được vấn đề giáo viên nghỉ việc, Chính phủ đang nghiên cứu tăng lương cơ sở cho toàn bộ công chức, viên chức. Điều này nhằm động viên thầy cô giáo gắn bó với nghề.
"Theo thống kê, số giáo viên bỏ việc nhiều nhất là ở cấp mầm non, chiếm 40%. Do đó Bộ GD&ĐT cũng kiến nghị và hết sức mong muốn Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70% hoặc tương đương phụ cấp của cán bộ y tế cấp cơ sở", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề xuất.
Tư lệnh ngành Giáo dục cho biết, thiếu giáo viên, giáo viên bỏ việc là hai vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại nghị trường. Không chỉ vậy, những ngày qua, Bộ GD&ĐT cũng nhận được hơn 200 ý kiến các cử tri bày tỏ lo lắng, băn khoăn về vấn đề này.
Liên quan đến vấn đề thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ tính toán số giáo viên cần bổ sung từ nay đến 2026 là 107.000 biên chế. Con số này được tính toán để đảm bảo duy trì việc dạy học, đồng thời đảm bảo đủ để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nâng cao chất lượng giáo dục.
Người đứng đầu ngành Giáo dục chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Thứ nhất, do tình trạng thiếu giáo viên nghỉ xảy ra từ nhiều năm trước, kéo dài đến hiện nay, số lượng giáo viên nghỉ việc lớn và biến chế tuyển mới ít hơn.
Thứ hai, tình trạng thừa thiếu cục bộ khiến các địa phương khó điều tiết.
Thứ ba, do tăng dân số tự nhiên nhanh trong những năm qua khiến nhiều nơi thiếu người dạy. Cụ thể, tháng 9/2015, cả nước có hơn 19 triệu học sinh trên tổng số 1.156.000 giáo viên, nhưng đến tháng 9/2022, số học sinh tăng lên khoảng 23 triệu nhưng chỉ có 1.227.000 giáo viên. Qua số liệu có thể thấy số lượng giáo viên trong 7 năm qua chỉ tăng hơn 100.000, trong khi số lượng học sinh tăng hơn 3 triệu.
Thứ tư, thiếu giáo viên do biến động dân số từ các vùng miền nông thôn về các khu công nghiệp.
Thứ năm, do yếu tố dịch bệnh khiến nhiều trường mầm non, đặc biệt là khối tư thục phải đóng cửa.
Thứ sáu, thiếu giáo viên do nhu cầu phổ cập mầm non bậc 5 tuổi.
Thứ bảy, thiếu do tăng số buổi học từ 1 lên 2 buổi/ngày và quy định tỷ lệ số giáo viên/học sinh/lớp cần đảm bảo (35 học sinh/lớp ở tiểu học và 45 học sinh/lớp với THCS, THPT). Điều này nhằm duy trì chất lượng day và học, do đó gây nên tình trạng tăng số lớp, giáo viên phải dàn đều.
Thứ tám, thiếu giáo viên do cần phải tuyển để triển khai cho các môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đơn cử như môn Tin học và tiếng Anh - bắt buộc từ năm 2022, học sinh từ lớp 3 trở lên phải học và học sinh từ lớp 7 - 12 phải học môn Nghệ thuật - Mỹ thuật. Theo con số thống kê, chỉ riêng các môn học mới này đến năm 2026 sẽ thiếu tổng 26.228 giáo viên.
Về mặt giải pháp, thời gian qua Bộ chính trị, Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT cùng các đơn vị tuyển thêm 65.000 chỉ tiêu đến năm 2026. Các Sở GD&ĐT, trường học đã bắt đầu tuyển giáo viên mới.
Bộ trưởng GD&ĐT mong ngành Nội vụ phối hợp với ngành Giáo dục đẩy nhanh việc tuyển, tập trung vào hai năm 2023, 2024, bởi nhu cầu tìm giáo viên cho hai năm tới sẽ rất lớn. Nếu để quá lâu sẽ ảnh hưởng tới tiến trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương đẩy nhanh việc tuyển dụng giáo viên, tránh tình trạng gộp 2-3 năm mới có một đợt tuyển.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị xem xét lại việc giảm 10% ở các địa phương, không nên áp dụng máy móc cho ngành Giáo dục, cần linh hoạt, minh bạch, tránh tiêu cực trong việc tuyển và giảm số người dạy.
Tại phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, đội ngũ giáo viên là lực lượng hùng hậu nhất với khoảng 1,2 triệu người trên tổng số 1,7 triệu biên chế viên chức cả nước. Tuy nhiên, trong 2,5 năm qua, ngành Giáo dục ghi nhận 14,427 giáo viên mầm non và phổ thông rời ghế trường công lập. Như vậy tính trung bình cứ 200 giáo viên thì có 1 người nghỉ việc ở trường công lập.
"Cần tìm hiểu kỹ lưỡng nguyên nhân, căn cơ tình trạng này. Cần có đánh giá thực chất thì mới có giải pháp phù hợp", ông Giang nhấn mạnh và cho rằng, quan trọng phải đánh giá xem giáo viên có bỏ nghề hay không, hay chỉ là chuyển đổi môi trường làm việc. Còn nếu số giáo viên này chuyển sang trường tư để làm việc thì hoàn toàn bình thường và phù hợp với tinh thần xã hội hoá, vẫn là phục vụ cho ngành Giáo dục, cho đất nước.
Theo VTC News
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/bo-truong-gdanddt-kien-nghi-tang-gap-doi-phu-cap-cho-giao-vien-mam-non-a22001.html