Theo thống kê, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 258.480 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 102 tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (54.219/21) số mắc tăng 4,8 lần, tử vong tăng 81 trường hợp.
Khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong ở mức cao. Khu vực miền Bắc đã ghi nhận sự gia tăng số mắc và đã có trường hợp tử vong.
Theo các chuyên gia, một điểm khác thường của diễn biến bệnh sốt xuất huyết năm nay là bệnh có thể diễn tiến rất nhanh, nguy cơ bệnh nhân sốc, gặp các biến chứng nặng và tử vong rất cao, ở cả người lớn và trẻ em.
Bệnh diễn biến trở nặng nhanh hơn
Đưa con tới Khoa Nhi (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba) chị Nguyễn Phương Dung, ở Thịnh Liệt, Hoàng Mai cho hay, con trai chị 2 tuổi trong ba ngày nay sốt liên tục, sốt 39 độ và nhiều mũi xanh. Đặc biệt hôm nay, trên cơ thể bé nổi nhiều nốt phát ban.
Sau khi được bác sĩ khám và xét nghiệm máu, kết quả cho thấy bé đã bị sốt xuất huyết.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Xuân - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba cho hay, những tuần gần đây tại Khoa Nhi liên tục gia tăng trẻ em mắc bệnh sốt xuất huyết tới khám. Số lượng trẻ mắc bệnh này năm nay tăng nhiều hơn so với cùng kỳ các năm trước. Trong tuần qua, tại khoa đã ghi nhận 50 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
“Đáng lưu ý, năm nay tỷ lệ trẻ mắc sốt xuất huyết trong tình trạng nặng khá nhiều, trẻ với những biểu hiện như sốt cao liên tục, giảm tiểu cầu rất nhanh. Nhiều trường hợp ngày thứ ba thứ tư của đợt sốt đã có những dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện như tiểu cầu giảm nhanh, đau bụng dữ dội, nôn nhiều, người mệt, trong khi đó những năm trước những dấu hiệu nhập viện hay tiểu cầu giảm nhanh thường diễn ra những ngày sau từ thứ 5,6 trở đi,” tiến sỹ Anh Xuân nhấn mạnh.
Bệnh nhi đến khám với biểu hiện sốt xuất huyết tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Vì vậy bác sỹ Nguyễn Thị Anh Xuân đặc biệt khuyến cáo các bậc phụ huynh khi thấy trẻ sốt cao 39-40 độ C đột ngột, liên tục mà thuộc diện có tiếp xúc với nguồn lây của bệnh sốt xuất huyết như: nhà có người đã mắc sốt xuất huyết hoặc ở lớp đã có bạn mắc sốt xuất huyết… nên đưa trẻ đi khám sớm để được chẩn đoán và hướng dẫn theo dõi, chăm sóc điều trị phù hợp. Trẻ đi khám sớm, khi sốt những ngày đầu tiên để xét nghiệm test nhanh kháng nguyên NS1 dengue xem có mắc sốt xuất huyết không để bác sỹ có những dặn dò theo dõi kịp thời các dấu hiệu cảnh báo sớm khi bệnh trở nặng.
Về bệnh sốt xuất huyết ở người lớn, Phó giáo sư Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay tại trung tâm nếu trong tháng 8 số bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện chỉ 70 bệnh nhân, thì con số này tăng lên 160 vào tháng 9 và từ đầu tháng 10 đến nay là 250 trường hợp. Các bệnh nhân đến chủ yếu từ các huyện ngoại thành như Đan Phượng, Thường Tín, Hoài Đức, Long Biên… và các quận nội thành như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai…
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, trung bình một ngày có 10 - 20 bệnh nhân nặng có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện. Các bệnh nhân đều đến trong tình trạng tiểu cầu giảm nặng hoặc biểu hiện cô đặc máu, sốc, suy đa tạng... nhiều bệnh nhân tiểu cầu chỉ còn dưới 5G/L. Ngoài ra nhiều bệnh nhân có bệnh nền như bệnh gan, thận, tim, người già hoặc cơ địa phụ nữ có thai, trẻ em cần phải theo dõi điều trị sát sao.
Tháng 11-12 sẽ là đỉnh điểm của dịch
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, trong tuần qua, Thành phố ghi nhận thêm 113 ổ dịch mới và 3 ca tử vong do sốt xuất huyết tại quận Bình Tân và Thành phố Thủ Đức. Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 66.699 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Số ca sốt xuất huyết nặng là 1.477 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc là 2.2%, tăng 3.6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội vẫn đang diễn biến phức tạp, tại nhiều quận huyện vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch mới. Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố trong tuần qua (tính từ ngày 14 đến 21-10) tiếp tục tăng mạnh với 1.420 ca (tăng 386 ca so với tuần trước đó) và có thêm 38 ổ dịch.
Trong tuần qua, có 1.420 ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội, trong đó bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như: Đan Phượng (251 ca), Thanh Oai (142 ca), Phú Xuyên (89 ca), Nam Từ Liêm (79 ca), Đống Đa (63 ca).
Một số quận, huyện ở Hà Nội ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong tuần qua:
Ngoài ra, tuần qua tại Hà Nội cũng ghi nhận thêm 38 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 16 quận, huyện: Thanh Oai (7), Thanh Trì (6), Bắc Từ Liêm (5), Đan Phượng (4), Đống Đa (2), Thanh Xuân (2), Phúc Thọ (2), Hoài Đức (2), Đông Anh (1), Hà Đông (1), Thạch Thất (1), Nam Từ Liêm (1), Hai Bà Trưng (1), Chương Mỹ (1), Mê Linh (1), Quốc Oai (1).
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 8.199 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 5 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã và 517/579 xã, phường, thị trấn. Hà Nội đã ghi nhận 720 ổ dịch sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại còn 156 ổ dịch đang hoạt động tại 25 quận, huyện.
Phó giáo sư Đỗ Duy Cường cho hay theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca mắc và nhập viện tăng vọt so với những năm trước. Theo chu kỳ 5 năm miền Bắc sẽ xảy ra một vụ dịch sốt xuất huyết lớn và dự báo năm nay sẽ có dịch sốt xuất huyết lớn xảy ra.
“Chúng tôi lo ngại trong tháng 11-12 tới sẽ là đỉnh điểm của sốt xuất huyết và nguy cơ dịch chồng dịch khi COVID-19 vẫn đang tồn tại, thêm vào đó bắt đầu vào mùa của một số bệnh gây dịch vào mùa đông khác như cúm, sởi, thủy đậu, aenovirus...,” Phó giáo sư Đỗ Duy Cường phân tích.
Người dân đến khám tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Đống Đa (Hà Nội). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Phó giáo sư Đỗ Duy Cường cũng cảnh báo nhiều người khi bị sốt thì nghĩ là do COVID-19, cúm hoặc một số bệnh khác, không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết. Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ quá thì mới đến viện. Lúc đó bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử. Một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng, men gan tăng, suy gan, suy thận. Đã có bệnh nhân suy đa tạng phải lọc máu.
Bác sỹ Nguyễn Thị Anh Xuân khuyến cáo, sốt xuất huyết trong những ngày đầu vẫn có thể chăm sóc tại nhà, người dân có thể cặp nhiệt độ hoặc theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác. Nếu đau mỏi người, sốt thì dùng hạ sốt, giảm đau, bệnh nhân có thể uống nhiều nước, như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi. Tuy nhiên nếu bệnh nhân có biểu hiện thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ dẫn đến hiện tượng tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, nôn, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu… là những dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện.
Đáng lưu ý, trong quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà, người chăm sóc và bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện, cần theo dõi người bệnh ngay cả khi đã hết sốt vì bệnh nhân có thể trở nặng ngay sau đó./.
Theo TTXVN
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/du-bao-nam-nay-se-co-dich-sot-xuat-huyet-lon-xay-ra-tren-toan-quoc-a21946.html