Lý do ra đường cần mang giấy tờ tùy thân?

Một công dân khi ra đường có cần thiết phải cầm theo bản chính giấy CMND không?

Một buổi tối, tôi đang đi xe đạp thì trời mưa nên tôi ghé vô trạm xe buýt trú mưa, rồi tôi ngủ quên. Khi tôi tỉnh lại thì bị công an phường mời về trụ sở làm việc. Ở phường, tôi đã xuất trình chứng minh nhân dân (CMND) bản photo nhưng phường không chịu, đòi bản chính CMND. Tôi nói là tôi đã bị mất bản chính CMND. Công an phường giữ xe đạp của tôi, nói tôi sẽ nhận quyết định đóng phạt.

Tôi xin hỏi là một công dân khi ra đường có cần thiết phải cầm theo bản chính giấy CMND không? Việc giữ xe đạp của phường như vậy có đúng pháp luật không? Trần Ngọc Trí (Bến Vân Đồn, phường 2, quận 4, TP.HCM) hỏi?

Luật sư Trần Vân Linh, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:

Chứng minh nhân dân /Căn cước công dân (CMND/CCCD) đều là giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan công an có thẩm quyền cấp chứa những thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân.

Theo đó, công dân được sử dụng CMND/CCCD của mình làm chứng nhận nhân thân và phải mang theo khi đi lại, giao dịch; đồng thời có nghĩa vụ xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, kiểm soát.

Lý do ra đường cần mang giấy tờ tùy thân? ảnh 1

Công dân phải mang theo CMND/CCCD khi đi lại, giao dịch; đồng thời có nghĩa vụ xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra. Ảnh: HUỲNH THƠ

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021 thì hành vi không xuất trình giấy CMND, thẻ Căn cước công dân (CCCD) hoặc giấy xác nhận số CMND khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền thì bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Trong trường hợp của bạn, nếu bạn không xuất trình được giấy CMND thì bị xử phạt theo điểm a khoản 1 Điều 10 của Nghị định 144/2021. Nếu không có bản chính thì bạn phải có bản sao y giấy tờ tùy thân có chứng thực hợp lệ (trong thời gian quy định).

Bạn đã bị mất CMND, căn cứ theo quy định tại Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014 và Điều 5 Nghị định 05/1999 quy định về các trường hợp cần phải đổi sang CCCD gắn chip thì bạn cần phải đi cấp đổi lại CCCD gắn chip. Nếu bạn không thực hiện có thể bị xử phạt theo điểm b khoản 1 Điều 10 của Nghị định 144 về hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD.

Việc công an phường giữ xe đạp của bạn là chưa đúng. Bạn chưa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính nên được xem là chưa bị xử phạt, vì vậy không được áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tại khoản 5 điều 10. Mặt khác, chiếc xe đạp của bạn không phải tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong trường hợp này.

Theo Pháp luật TP.HCM

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/ly-do-ra-duong-can-mang-giay-to-tuy-than-a21808.html