Bé gái mắc cúm A(H5) ở Phú Thọ đã hồi phục, 65 trường hợp tiếp xúc gần đều âm tính

Bệnh nhi 5 tuổi ở Phú Thọ mắc cúm A(H5) đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi Trung ương may mắn đã hồi phục, sức khoẻ tốt, không còn phải đặt nội khí quản.

Cụ thể đến chiều ngày 21/10, theo PGS.TS Tạ Anh Tuấn - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết sức khoẻ của bệnh nhi 5 tuổi ở Phú Thọ mắc cúm A(H5) đang điều trị tại Khoa đã có những tín hiệu rất khả quan và tích cực.

Bác sĩ Tuấn thông tin: "Rất may mắn cháu bé đã phục hồi. Hiện bé đã được rút nội khí quản, hoàn toàn tỉnh táo bình thường, tuy nhiên về chức năng thận của bệnh nhân, hiện các bác sĩ tiếp tục theo dõi và có các biện pháp điều trị phù hợp với trẻ".

suc-khoe-be-gai-5-tuoi-mac-cum-a-1666363190075792866861-1666374691.png
Hiện bé gái mắc cúm A(H5) đã phục hồi, không còn phải đặt nội khí quản. (Ảnh: VTV)

Trước đó  vào ngày 5/10, bệnh nhi xuất hiện ho, sốt 38,5 độ C, gia đình tự mua thuốc cho bệnh nhi uống nhưng không đỡ. Đến ngày 7/10, bé gái mệt mỏi nhiều hơn kèm theo da vàng, mắt vàng, nôn nhiều. 

Cuối giờ chiều ngày 8/10, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi trong tình trạng suy đa phủ tạng, suy nhiều cơ quan rất nặng, sốc nhiễm khuẩn. Ngày 10/10, trẻ được Bệnh viện Nhi Trung ương xét nghiệm xác định type cúm A(H5).

Đến ngày 17/10, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định bệnh nhi dương tính với virus cúm A(H5).

Về tiền sử dịch tễ của ca bệnh này, được biết ngày 07/10, bệnh nhi xuất hiện mệt mỏi, da vàng, mắt vàng, nôn nhiều, gia đình đưa bệnh nhi đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba khám và được chẩn đoán suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân. 

Bệnh nhi được chuyển tuyến Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ, tại đây trẻ được thăm khám khám và cũng được chẩn đoán suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân. Sau đó 1 ngày bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Liên quan đến ca bệnh này, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Trần Như Dương cho biết, ngay sau khi xác định được ca bệnh, Viện đã cử đội phòng chống cơ động lên Phú Thọ, đến địa bàn bệnh nhân sinh sống (xã Đông Thành, huyện Thanh Ba) phối hợp với Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và địa phương cùng điều tra dịch tễ, khử khuẩn toàn bộ khu vực nhà ở của bệnh nhân và 4 hộ gia đình xung quanh.

Đội đã lấy 65 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc với bệnh nhân (cả tiếp xúc xa và tiếp xúc gần), kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả đều âm tính với cúm A(H5). Hiện tình hình sức khỏe của những người tiếp xúc với bệnh nhân hoàn toàn bình thường.

anh-giam-sat-cum-1666374943.jpeg
Tăng cường giám sát cúm gia cầm lây sang người. (Ảnh: Internet)

Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi.

Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Thu Hằng

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/be-gai-mac-cum-ah5-o-phu-tho-da-hoi-phuc-65-truong-hop-tiep-xuc-gan-deu-am-tinh-a21776.html