Giải cứu hàng trăm công dân Việt Nam lao động bất hợp pháp tại Campuchia

Trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến cuối tháng 9/2022, Tổng lãnh sự quán và Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã phối hợp và giải cứu đưa về nước khoảng gần 300 công dân Việt Nam.

Tại buổi họp báo thường kỳ chiều ngày 20/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã tích cực hỗ trợ, bảo hộ công dân và đưa nhiều lao động người Việt về nước

nth0050-16662707878031937273026-1666305861.jpgNgười Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: báo Tổ Quốc
 

Trước thông tin cho biết có hàng trăm người Việt bị giam giữ, bắt lao động bất hợp pháp tại Om Sam Resort, tỉnh Oddar Meanchey của Campuchia, giáp biên giới với Thái Lan, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết Tổng lãnh sự quán đã phối hợp với chính quyền các địa phương của các tỉnh, trong đó có tỉnh Oddar Meancheay, Banteay Meanchey, triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ và giải cứu các công dân Việt Nam bị lừa đảo môi giới lao động trái phép tại khu vực biên giới Campuchia-Thái Lan.

Trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, Tổng lãnh sự quán đã phối hợp và giải cứu đưa về nước khoảng 100 công dân Việt Nam. Từ khoảng cuối tháng 9/ 2022, qua công tác nắm tình hình, Đại sứ quán cũng đã chủ động làm việc với chính quyền địa phương phối hợp giải cứu thêm 171 công dân Việt Nam.

vietnamlaodongtudocampuchia-16662620055581933843837-1666305739.jpg

Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Tây Ninh làm các thủ tục tiếp nhận người lao động tự do tại Campuchia trở về nước. Ảnh: TTXVN

Sau khi đưa được các lao động ra khỏi cơ sở lao động trái phép, Tổng lãnh sự quán đã cử cán bộ trực tiếp gặp và triển khai nhiều biện pháp bảo hộ công dân, như hỗ trợ nhu yếu phẩm và hoàn tất các thủ tục để đưa công dân về nước trong thời gian sớm nhất.

Ở trong nước, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao làm việc với các cơ quan chức năng và các địa phương để sớm xác minh thân nhân và phối hợp tiếp nhận công dân từ Campuchia.

Trong thời gian tới, các cơ quan của Việt Nam, bao gồm Bộ Ngoại giao và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia, trong đó có Tổng lãnh sự quán tại Battambang, sẽ làm việc với các cơ quan chức năng Campuchia đề nghị tăng cường việc rà soát, truy quét tại các khu vực trên để tìm kiếm và giải cứu thêm công dân Việt Nam (nếu có), đồng thời triển khai các biện pháp bảo hộ công dân, đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình lao động người Việt tại Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết đã trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Angola kiêm nhiệm CHDC Congo và được biết là trong thời gian gần đây, Đại sứ quán có tiếp nhận được nhiều đề nghị giúp đỡ, đưa về nước từ công dân Việt Nam từ CHDC Congo do có những vướng mắc với chủ sử dụng lao động trong vấn đề bố trí việc làm, sinh hoạt nợ lương hoặc trả lương.

Trước tình hình đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola đã chủ động làm việc với các cơ quan chức năng của CHDC Congo để cung cấp thông tin, đề nghị các cơ quan chức năng CHDC Congo bảo đảm đời sống cho người lao động Việt Nam. Đại sứ quán cũng đã kết nối với cộng đồng người Việt tại CHDC Congo để tạo điều kiện lưu trú tạm thời cho công dân Việt Nam trong thời gian chờ giải quyết các vướng mắc, đồng thời cũng đã phát các khuyến cáo đến người lao động phải tìm hiểu kỹ thông tin trước khi nhận các hợp đồng lao động đi làm việc tại CHDC Congo. Đến thời điểm này, tình hình đã ổn định và được cải thiện hơn.

Người phát ngôn cũng cho biết Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại làm việc với chủ sử dụng lao động để xứ lý các vấn đề phát sinh; chỉ đạo Cục Lãnh sự phối hợp với Đại sứ quán kịp thời có các biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết.

"Một lần nữa, chúng tôi khuyến cáo công dân Việt Nam, người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi nhận các hợp đồng lao động ở nước ngoài, tránh bị lừa đảo hay bị môi giới lao động bất hợp pháp. Khi có vấn đề phát sinh, người lao động cần liên hệ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc qua đường dây nóng bảo hộ công dân"- bà Hằng nhấn mạnh.

Hạnh (T/h)

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/giai-cuu-hang-tram-cong-dan-viet-nam-lao-dong-bat-hop-phap-tai-campuchia-a21741.html