Thi THPT quốc gia năm 2019: Bám sát đề tham khảo, tăng kỹ năng vận dụng

Theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thay đổi quan trọng trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 là tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ tăng lên 70% thay vì 50% như năm trước, 30% còn lại là điểm học bạ lớp 12.

Bám sát cấu trúc đề tham khảo và tăng cường rèn kỹ năng vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tế là lưu ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo với học sinh nhằm giảm mối lo về nguy cơ trượt tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đề thi chủ yếu thuộc chương trình lớp 12

Nhằm giúp giáo viên và học sinh có căn cứ trong việc dạy học, ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố bộ đề thi tham khảo các môn. Sau một tháng triển khai ở các nhà trường, bộ đề thi được đánh giá là giảm độ khó khá rõ so với đề thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018. Đáng lưu ý là ngoài kiến thức cơ bản, nhiều câu hỏi trong đề thi hướng đến việc liên hệ thực tế và vận dụng kiến thức, rõ nhất là ở môn hóa học, vật lý, sinh học, giáo dục công dân, ngữ văn...

Tuy nhiên, nhiều học sinh vẫn tỏ ra băn khoăn, lo lắng. Câu hỏi đặt ra là liệu đề thi thật có bám sát cấu trúc, phạm vi và có sự tương đồng về độ khó như đề thi tham khảo vừa được công bố hay không, bởi cách đây chừng một năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng thông báo, với đề thi THPT quốc gia năm 2019, ngoài kiến thức lớp 12 và lớp 11 sẽ có thêm phần kiến thức lớp 10.

Thi THPT quốc gia năm 2019: Bám sát đề tham khảo, tăng kỹ năng vận dụng
Học sinh cần chú ý rèn kỹ năng vận dụng kiến thức trong quá trình ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin: Nội dung đề thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12, bảo đảm ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có cơ sở tuyển sinh. Học sinh hoàn toàn yên tâm ôn tập theo cấu trúc đề thi đã công bố. Chủ trương về đề thi cũng được khẳng định tại Văn bản số 5480/BGDĐT - QLCL do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ ký, đã được gửi tới các sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường vào tháng 12-2018.

Với thông tin nêu trên, giáo viên, học sinh đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Hoàng Văn Nam (Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm) cho biết: Em khá lo lắng bởi theo lộ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố cách đây một năm thì đề thi năm nay sẽ mở rộng phạm vi sang cả chương trình lớp 10 chứ không chỉ ở lớp 11 và 12 như năm trước. Tuy nhiên, thông tin mới cho thấy phạm vi đề thi năm nay sẽ tập trung ở chương trình lớp 12. Việc “khoanh vùng” khá cụ thể về phạm vi đề thi THPT quốc gia năm 2019 khiến chúng em bớt lo lắng, chuyên tâm hơn vào việc ôn tập.

Đợt “tổng duyệt” quan trọng

Thời gian này, các nhà trường trên địa bàn TP Hà Nội đang tích cực trang bị cho học sinh cả về kiến thức và kỹ năng chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Với mong muốn giúp học sinh tập dượt qua hình thức thi trắc nghiệm và làm quen với không khí trường thi, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) đã tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra học kỳ I theo hình thức tập trung toàn khối với các bài thi, hình thức thi như kỳ thi THPT quốc gia. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Trung Kiên, việc tổ chức cho học sinh tập dượt nhằm giúp các em không bị bỡ ngỡ, giảm áp lực khi bước vào kỳ thi thật.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa) cũng vừa tham dự kỳ kiểm tra học kỳ I năm học 2018-2019. Học sinh Lê Minh Sơn cho biết: Đề thi và hình thức thi được xây dựng như với kỳ thi THPT quốc gia. Đơn cử như với môn toán, chúng em được xếp ngồi theo phòng thi, mỗi phòng thi có nhiều mã đề, mỗi mã đề gồm 50 câu trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 90 phút. Chúng em muốn có thêm nhiều cơ hội tập dượt như vậy để thử sức và biết cách điều tiết thời gian làm bài, bởi thời gian trung bình để làm mỗi câu trắc nghiệm rất ngắn - chưa đầy 2 phút.

Để giúp học sinh làm quen với kỳ thi THPT quốc gia, trong đó có việc rèn kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm khách quan, ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) thông tin: Hà Nội đang xây dựng kế hoạch tổ chức cho học sinh lớp 12 toàn thành phố làm bài kiểm tra để khảo sát chất lượng dạy và học tại các nhà trường với các môn thi và hình thức thi tương tự như kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 3 tới. Đề thi do Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng dựa trên cấu trúc đề thi tham khảo đã ban hành. Việc này nhằm giúp học sinh chuẩn bị kỳ thi tốt hơn, đặc biệt về tâm lý để sẵn sàng bước vào kỳ thi thật một cách tốt nhất. 

Theo thống kê sơ bộ, sẽ có khoảng 65.000 học sinh lớp 12 của TP Hà Nội tham dự kỳ “tổng duyệt” vào tháng 3 tới. Sở Giáo dục và Đào tạo lưu ý học sinh cần tổng hợp, kết nối kiến thức từ các lớp dưới và rèn kỹ năng vận dụng kiến thức liên môn để có thể xử lý được các câu hỏi có mức độ vận dụng cao, tăng cơ hội đạt điểm tối đa.

Theo Thống Nhất / Hà Nội Mới

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/thi-thpt-quoc-gia-nam-2019-bam-sat-de-tham-khao-tang-ky-nang-van-dung-a2167.html