Băng tan có thể làm xuất hiện các dịch bệnh mới

Dịch COVID-19 đã làm đảo lộn mọi hoạt động của thế giới trong hơn 2 năm qua song các nhà khoa học lo ngại trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều dịch bệnh mới xuất hiện khi lớp băng trên bề mặt trái đất tan nhanh, làm nhiều vi khuẩn sống lại và phát triển.

Truyền thông Australia ngày 19/10 trích dẫn kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Ottawa của Canada cho thấy, biến đổi khí hậu làm đẩy nhanh tốc độ tan băng trên bề mặt Trái Đất đang khiến cho nhiều loại vi khuẩn, sinh vật vốn đang ngủ đông trong lớp băng sống lại trong các vùng nước trước kia là băng.
bang tan co the lam xuat hien cac dich benh moi hinh anh 1

Trái Đất nóng lên đang làm nước từ các sông băng tan chảy và đổ vào hồ Hazen ở Canada. Nguồn: I Lehnherr.

Các nhà khoa học đã lấy mẫu đất và trầm tích từ hồ Hazen ở vùng phía Bắc xa xôi của Canada, nơi nước từ các sông băng ở địa phương tan chảy vào để đi giải trình tự gien. Kết quả xét nghiệm cho thấy trong các mẫu này xuất hiện các virus lạ.

Mặc dù hiện vẫn chưa xác định được số lượng các virus lạ trong các mẫu được lấy và tác động của chúng tới môi trường hiện tại song thực tế này đang dấy lên lo ngại về khả năng các vi khuẩn lạ có thể dễ dàng lây lan từ các sông băng ra bên ngoài môi trường. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa biết liệu các vi khuẩn có từ thời tiền sử sẽ tác động thế nào khi phát triển trên các vật chủ mới vì vậy cũng không loại trừ khả năng có thể các dịch bệnh mới sẽ xuất hiện.

Lo ngại của các nhà khoa học thuộc Đại học Ottawa càng được củng cố khi các nghiên cứu trước đó tại Mỹ và Pháp cũng cho thấy nhiều loại virus cổ đại đang bắt đầu được kích hoạt trở lại. Năm 2021, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Ohio của Mỹ cho biết đã tìm thấy vật chất di truyền của 33 loại virus trong đó có 28 loại mới từ các mẫu băng lấy tại cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc. Dựa trên vị trí, các nhà khoa học ước tính virus có khoảng 15 nghìn năm tuổi.

Trước đó vào năm 2014, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp cũng đã tìm cách hồi sinh một loại virus khổng lồ mà họ phân lập được từ lớp băng vĩnh cửu ở Siberia khiến nó trở lại lây nhiễm lần đầu tiên sau 30.000 năm.

Phát hiện của các nhà khoa học cho thấy, nếu không làm chậm lại quá trình nóng lên của Trái Đất thì sẽ làm sống lại nhiều virus cổ đại và có thể gây ra tác động khôn lường tới môi trường trái đất và cuộc sống của con người./.

Theo VOV

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/bang-tan-co-the-lam-xuat-hien-cac-dich-benh-moi-a21656.html