Nhói lòng chuyện thưởng Tết của giáo viên vùng cao

“Thưởng Tết là cái không bao giờ có, nhà trường thương giáo viên nghèo nên cũng cố gắng động viên các thầy cô bằng hộp bánh mứt, chai nước mắm, mì chính, dầu ăn, nửa kí cá khô… vài ba nhu yếu phẩm vậy đã thấy ấm lòng giáo viên lắm rồi”.

Đó là chia sẻ của cô giáo có kinh nghiệm hơn 15 năm cắm bản, dạy chữ ở Yên Bái trước cái Tết nguyên đán.

Không dám về quê ăn Tết

Những này cuối năm đang cận kề, nỗi niềm giấu sau mỗi tiết dạy lại là những ngao ngán về cơm, áo, gạo, tiền ngày Tết, các thầy cô giáo vùng cao biết xoay sở sao đây? Nỗi buồn này chỉ những người trong nghề  mới có sự thấu hiểu được.

Cô giáo Chương Kim Hảo (trường tiểu học Văn Chấn, Yên Bái), sinh ra từ miền biển Nghệ An đi dạy xa quê đã 15 năm, rồi lại bén duyên với thầy giáo ở bản; hai vợ chồng chúng tôi cứ thế động viên nhau bám trụ xây dựng mái ấm nhỏ. Cũng may nhà sinh được hai cháu nếp, tẻ đủ cả cùng quây quần giữa chốn rừng cao núi sâu này bớt cô đơn.

Nhói lòng chuyện thưởng Tết của giáo viên vùng cao
Cô giáo Chương Kim Hảo (trường tiểu học Văn Chấn, Yên Bái).

Thế nhưng mỗi dịp Tết đến, xuân về niềm nhớ nhà mẹ đẻ lại dâng lên đến thắt ruột gan nhưng cũng chưa là gì so với nỗi buồn không thể diễn tả bằng lời vì chúng tôi luôn "viêm màng túi".

Hơn chục năm xa quê nhưng số lần về thăm quê chỉ "đếm trên đầu ngón tay", lấy chồng, sinh con vào thì lại càng ít. May chăng "năm thì mười họa" thì được bố mẹ lặn lội lên thăm đôi lần vì quá nhớ con gái, nhớ cháu ngoại. Vì mỗi lần về thăm nhà có gom lương hai vợ chồng tằn tiện lắm cũng mới đủ tiền xe, tiền ăn dọc đường cho 4 nhân khẩu.

Năm nào cũng thế, khoảng 26 Tết là lương đổ về, thế nhưng nó "vào cửa trước lại bay ngay ra cửa sau" nào thì trừ tiền bảo hiểm y tế, tiền nợ nhà trường trong năm vay khi túng thiếu, nợ đồng nghiệp, mua cái áo ấm cho con… thế là cũng gần nhẵn túi, tháng lương giờ chỉ còn vỏn vẹn chưa tới trăm ngàn. Với số tiền ấy, biết mua gì? sắm sửa gì?, cô Hảo thở dài.

Nhưng rồi đâu cũng sẽ lại vào đó, thưởng tết là cái không bao giờ có, nhà trường thương giáo viên nghèo nên cũng cố gắng động viên các thầy cô bằng hộp bánh mứt, chai nước mắm, mì chính, dầu ăn, nửa kí cá khô… vài ba nhu yếu phẩm vậy đã thấy ấm lòng giáo viên lắm rồi.

Trong cái khó ló cái khôn, cũng may gia đình bên nhà chồng cách trường 50km, có thể đi xe máy về được, nên năm nào cũng về nội ăn Tết cho tiết kiệm. Về thăm các cụ mấy ngày, đùm dúm mang theo ít khoai môn nương, vài con gà mà hai vợ chồng tăng gia sản xuất sau những giờ dạy trên lớp để cải thiện bữa ăn sinh hoạt hàng ngày cho con, nay làm quà tết cho ông bà.

May sao các cụ cũng quen "tụi nó giáo viên ăn còn chưa đủ lấy tiền đâu mà quà với cáp?" nên vợ chồng tôi cũng đỡ được khoản quà cáp, lễ lạt.

Một số đồng nghiệp bảo rằng "nghèo nhưng chị vẫn còn sướng có nội mà tá túc. Tụi em xa quê không có tiền về, ở lại cũng chỉ nằm co ro mà ăn tết với dân bản".

Thưởng Tết vẫn là xa xỉ

Nhiều năm trở lại đây, cuộc sống của giáo viên cũng dần ổn định hơn. Thế nhưng chuyện lương ăn chưa hết tháng đã phải vay mượn cho qua ngày vẫn là chuyện bình thường.

Nhói lòng chuyện thưởng Tết của giáo viên vùng cao
Cô giáo Lê Thị Ngân, trường Mầm non Tả Vản (Hà Giang).

Cô giáo Lê Thị Ngân, trường Mầm non Tả Vản (Hà Giang) tâm tình, tiền Tết vẫn là điều xa xỉ với nhà giáo chúng tôi. Cái cảm giác Tết về được nhận thưởng 500 ngàn cho tới ngon ngót triệu đồng cũng luôn là niềm ước ao. Mấy cái đó chỉ nghe thấy nói trên mạng, trên báo chí chứ không về được tới lớp bản lợp lá, tường vôi giữa rừng này.

Mãi rồi cũng quen, chỉ cần nhận đủ, nhận đúng hạn tiền lương là giáo viên bản cũng đủ sống, có nhiều thì ăn Tết to, có ít thì ăn nhỏ, thiếu nữa thì mấy thầy cô hùn tiền lại cùng nhau cũng xong cái dịp Tết mà vẫn vui.

Bánh chưng được phụ huynh với học trò cho; hộp mứt, chai dầu ăn thì trường tặng; ít thịt lợn, thịt gà cũng được dân làng xung quanh cho; yêu đời hơn muốn ngắm hoa mận, hoa đào cho có không khí thì cất công leo đồi dong về lấy một cành là tươm tất ngay.

"Cô giáo nào chưa có gia đình thì để dành được ít tiền mua bộ quần áo mới, cái cặp tóc mới… cô nào đã có con thì dồn tất tiền sắm sửa cho con, bản thân không có gì".

Có khi, thầy Hiệu trưởng thương các thầy cô giáo khó khăn, bù tiền túi của mình ra để mua thêm cho giáo viên hộp bánh, cân hạt dưa, hạt bí, lì xì mỗi người 20.000, 50.000 đồng đầu năm mới là giáo viên chúng tôi hứng khởi lắm.

Được biết, đầu năm, các nhà trường được nhận trọn gói về kinh phí trả lương, kinh phí các hoạt động. Khi phê duyệt kinh phí, cấp có thẩm quyền cũng đã tính ở mức tối đa cho các đơn vị, nghĩa là hoạt động, chi tiêu vừa phải thì đơn vị nào sẽ đều có số dư ở cuối năm để thưởng tết cho tất cả thầy cô giáo. Mặc dù vậy, đến tết Nguyên đán, các thầy cô giáo ở nhiều cơ sở giáo dục vẫn không hề có chút tiền thưởng Tết…

Tiết kiệm chi mới có thưởng

Tuy là một trường vùng cao khó khăn, nhưng nhờ sự tiết kiệm, sát sao của thầy giáo Đinh Văn Tứ, Hiệu trưởng trường THCS Sùng Lán (Lai Châu) thì thưởng Tết lại không xa vời với các thầy cô giáo.

Thầy Tứ chia sẻ, muốn có thưởng Tết thì ngày thường phải cực kì tiết kiệm, tằn tiện từng đồng một mới được. Ví dụ vào các ngày lễ 20/11; 8/3; 20/10… trường chỉ chi 20 ngàn đồng/người để mua bánh kẹo ăn cho vui, anh chị em chúc nhau, giáo lưu văn nghệ kiểu cây nhà lá vườn là xong. Tiền khoán công tác phí hàng tháng thì bó hẹp lại, ăn uống tiếp khách hạn chế tối đa, tận dụng mâm cơm các thầy cô giáo tự vào bếp làm; tiền xăng xe của ban giám hiệu thì đi xe máy thôi, gần quá thì đi bộ.

Cùng với đó, trang thiết bị dạy học, sửa chữa nhỏ trong trường, cái nào tận dụng được vẫn sử dụng triệt để tránh lãng phí. Huy động giáo viên có tay nghề (điện, nước, cắt dán, biết nghề mộc...) gia cố, sửa chữa khi cần. Tiền bồi dưỡng cho các thầy chưa bằng 1/3 chi phí phải thuê mướn ban đầu, đôi khi chỉ làm vì lòng nhiệt tình.

Theo thầy Tứ, người đứng đầu cần luôn minh bạch trong tài chính, biết chi tiêu có kế hoạch, tiết kiệm tối đa cho anh em. Vậy nên cuối năm trăm, bảy trăm ngàn tiền thưởng với giáo viên chẳng phải là chuyện khó. Có năm nhiều thì mỗi anh em được một triệu, hai triệu; năm ít thì cũng phải được ba trăm, năm trăm nghìn. Tùy vào cách chia mỗi năm theo cấp bậc, theo hoàn thành nhiệm vụ công tác.

Không chỉ riêng trường thầy Tứ, nhiều trường cũng thực hiện cách tiết kiệm chi, miễn sao cả hội đồng sư phạm, tất cả cán bộ, giáo viên và nhân viên đoàn kết, thân ái và cùng vui vì có tiền thưởng Tết. Còn hơn, nhiều giáo viên, dạy bao nhiêu năm mà chưa hề biết tiền thưởng tết là gì…

Theo Hà Cường

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nhoi-long-chuyen-thuong-tet-cua-giao-vien-vung-cao-a2153.html