Thông tin trên được PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết trong Hội nghị khoa học tổ chức tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (ngày 15/10). Theo đó, năm 2014 tại Anh đã có thông tin cảnh báo về tình trạng các loại vi khuẩn kháng thuốc gia tăng với tốc độ nhanh. Từ thực tiễn nghiên cứu, các chuyên gia y tế đã dự báo về nguy cơ vào năm 2050 tâm điểm tử vong do vi khuẩn đa kháng thuốc sẽ xảy ra tại châu Phi là 4,1 triệu người, tại châu Á sẽ là 4,7 triệu người.
Trong đại dịch COVID-19 ngoài điều trị những trường hợp nhiễm nặng hoặc đồng nhiễm, bội nhiễm, các chuyên gia y tế đã ghi nhận sự xuất hiện và gây tử vong nhiều hơn bởi các loại vi khuẩn gram âm đa kháng. Nhiều bệnh nhân vượt qua được các nguy cơ về COVID-19 lại tiếp tục rơi vào nguy kịch, tử vong do nhiễm trùng bệnh viện. Tình trạng nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc đã khiến nhiều bệnh nhân không chết vì COVID-19 mà chết vì nhiễm khuẩn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ưu tiên nghiên cứu đối với các loại vi khuẩn và đưa những cảnh báo ở các cấp độ khác nhau đối với những loại vi khuẩn kháng thuốc hiện nay, trong đó có cả những loại vi khuẩn kháng với kháng sinh thế hệ mới nhất. Nếu không có giải pháp ngăn chặn, nguy cơ trong tương lai nhân loại sẽ không còn thuốc điều trị.
Nghiên cứu ở 88 quốc gia vào năm 2017 tại 1.500 Trung tâm Hồi sức Cấp cứu (ICU) về nguy cơ đa kháng thuốc của vi khuẩn cho thấy, nhóm bệnh nhân bị kháng thuốc chiếm tới 21,6%. Trong số bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc tại bệnh viện tỷ lệ tử vong rất cao chiếm tới gần 32%, tại các đơn vị ICU chiếm từ 25% đến 30%.
Tại Việt Nam, theo PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo: “Tất cả các loại vi khuẩn kháng thuốc trên thế giới đều đã xuất hiện, theo đánh giá của WHO và Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa bệnh tật (CDC) chúng ta đang nằm trong nhóm các quốc gia có mức độ đề kháng kháng sinh rất cao. Nghiên cứu tại khoa Vi sinh, Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy, trong năm 2021 có 5 loại vi khuẩn đa kháng nhiều nhất gồm: A.baumannii; E.coli; S.aureus; K.pneumoniae; P.aeruginosa, đây là mối đe dọa hàng đầu với người bệnh”.
Phẫu thuật, vết thương hở là nguy cơ khiến người bệnh đối mặt với nhiễm trùng bệnh viện
Cả WHO và CDC đều nhận định vi khuẩn đa kháng là loại đại dịch thầm lặng, nó không bùng phát dữ dội như đại dịch COVID-19 hoặc bệnh đậu mùa khỉ nhưng diễn ra trên toàn cầu. Vi khuẩn đa kháng thuốc sẽ vô hiệu hóa hiệu quả điều trị của các loại kháng sinh là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong cho rất nhiều người bệnh.
Để ngăn chặn tình trạng vi khuẩn đa kháng, PGS Ngọc Thảo nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải hành động ngay, ngành y tế cần có chiến lược quản lý tất cả các loại kháng sinh; cộng đồng tuyệt đối không nên sử dụng kháng sinh bừa bãi khi chưa có chỉ định của bác sĩ; các bác sĩ lâm sàng phải tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị để tránh nguy cơ kháng thuốc và đa kháng thuốc”.
Theo báo Tiền Phong
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/canh-bao-dai-dich-tham-lang-gay-chet-nguoi-hang-loat-tu-vi-khuan-a21504.html