Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão Sơn Ca (bão số 5)

Từ trưa 14/10, áp thấp nhiệt đới ở trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão trở thành cơn bão số 5 (tên quốc tế là Sơn Ca) tiến vào biển Đông. Hiện nay vị trí tâm bão cách Quảng Ngãi khoảng 260km về phía đông đông nam.

Trưa nay 14.10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cho biết, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão.

10-1665730563752414730372-1665732210.png
Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành cơn bão số 5. (Ảnh: NCHMF)

Cập nhật lúc 13 giờ hôm nay, tâm bão số 5 ở vị trí khoảng 14,4 độ vĩ bắc và 111,0 độ kinh đông, cách Đà Nẵng khoảng 350 km, cách Quảng Nam khoảng 305 km và Quảng Ngãi khoảng 260 km về phía đông đông nam.

Dự báo, trong những giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15km/h, trên vùng biển các tỉnh Thừa Thiên Huế- Quảng Ngãi; sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Đến 13h ngày 15/10, bão có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực đất liền các tỉnh Đà Nẵng - Quảng Ngãi; sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Tới 13h ngày 16/10, tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đưa ra 3 kịch bản về diễn biến áp thấp nhiệt đới, tương ứng mức độ ảnh hưởng khác nhau đối với miền Trung.

Kịch bản một có khả năng xảy ra cao nhất với xác suất 70-80%, là áp thấp nhiệt đới đi vào Trung Trung Bộ, tồn tại khoảng một ngày. Cùng lúc, gió đông hoạt động mạnh và không khí lạnh ở cường độ trung bình. Lúc này, tổng lượng mưa từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, khu vực Tây Nguyên phổ biến 200-500 mm, có nơi trên 600 mm. Trọng tâm là các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, có nơi mưa tới 800 mm.

Kịch bản 2 xác suất xảy ra chỉ 10-15% nhưng gây mưa nhiều hơn, là khi áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm hướng về miền Trung. Sau đó, hình thái này tĩnh lại, ít di chuyển, trong khi không khí lạnh và gió đông hoạt động mạnh hơn. Nếu các điều kiện trên xảy ra, mưa lớn sẽ xuất hiện trên diện rộng ở khắp các địa phương Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tổng lượng mưa dao động 400-700 mm.

Kịch bản 3, áp thấp nhiệt đới tiến gần vào đất liền rồi dịch chuyển ra ngoài biển và suy yếu, gió đông và không khí lạnh đều hoạt động yếu. Lúc này, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có thể ghi nhận lượng mưa dao động 100-200 mm, có nơi trên 300 mm. Đây là kịch bản ít cực đoan nhất khi tổ hợp thiên tai gây mưa ít, nhưng xác suất xảy ra chỉ 10-15%.

Trước đó vào ngày 13/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Công điện 939/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum và các bộ ngành về việc tập trung khắc phục hậu quả và chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ tại miền Trung.

Công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, trong đó: tổ chức rà soát, kiểm tra ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu dân cư, trường học, trụ sở để chủ động sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm; bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết để bảo đảm an toàn; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt...

Thu Hằng

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/ap-thap-nhiet-doi-manh-len-thanh-bao-son-ca-bao-so-5-a21451.html