Việt Nam đã khống chế được ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên

Đại diện Bộ Y tế thông tin, cho đến nay ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam đã âm tính và những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân đều an toàn, chưa ghi nhận thêm trường hợp nào mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Trước đó vào ngày 23/9, hệ thống giám sát y tế của Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo ca nghi ngờ đậu mùa khỉ là một bệnh nhân nữ 35 tuổi đi du lịch từ Dubai (UAE) về. 

Ngày 25/9, cả 2 mẫu xét nghiệm PCR thực hiện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho kết quả bệnh nhân trên dương tính với đậu mùa khỉ. Đây cũng là ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam được ghi nhận.

vna-potal-thanh-pho-ho-chi-minh-tiep-tuc-tang-cuong-giam-sat-phat-hien-ca-benh-dau-mua-khi-6369975-1665648404.jpgLãnh đạo Cục Y tế dự phòng thăm hỏi, động viên người bệnh mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN
 

Giáo sư Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay đây là trường hợp bệnh nhân mắc bệnh ở nước ngoài, sau 4 ngày thì về Việt Nam, ghi nhận các biểu hiện lâm sàng ngày 18/9 và ngày 22/9 về Việt Nam, ngày 23/9 đã chủ động đến khám ở Bệnh viện Từ Dũ. Sau đó được tư vấn vào Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp theo được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Toàn bộ quá trình chuyên môn kỹ thuật tại các cơ sở điều trị đã được khuyến cáo.

Về nguồn lây, đây trường hợp đã ở nước ngoài hơn 60 ngày và có biểu hiện ở nước ngoài, tức là mắc bệnh từ nước ngoài, chứ không phải mắc bệnh tại Việt Nam. Kể từ khi phát hiện nghi ngờ, bệnh nhân đã được coi như một trường hợp dương tính, vì vậy Bộ Y tế và Thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý toàn bộ các khâu giám sát, xét nghiệm, khoanh vùng... theo hướng dẫn khuyến cáo.

Kết quả xét nghiệm dựa vào giải trình tự gene của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) xác định, bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ chủng Monkeypox virus thuộc clade IIb.

Sau thời gian điều trị, bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam đã hết sốt, các bóng nước ở mặt, tay, chân… đã khô mày, tróc vảy và lên da non, các bóng nước ở họng cũng lành, hết đau. Bệnh nhân ăn uống tốt, lên cân, tinh thần lạc quan. kết quả PCR dịch tiết 1 số vị trí kiểm tra trên người bệnh nhân hiện đã âm tính.

Quá trình điều trị, bệnh nhân đã tuân thủ tốt quy trình cách ly và xử lý vật dụng cá nhân tránh lây cho cộng đồng. Những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân khi về Việt Nam chưa xuất hiện triệu chứng nghi ngờ.

Song song với việc giải mã bộ gene virus, các bác sỹ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đã điều trị, chăm sóc bệnh nhân an toàn, hiệu quả đồng thời phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, giám sát người thân và nhân viên y tế tiếp xúc gần với bệnh nhân trước đó.

Theo giáo sư Phan Trọng Lân, việc bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam là điều tất yếu bởi lẽ trong bối cảnh đi lại như hiện nay, dịch bệnh có thể dịch chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác.

Mặc dù virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể lây nhiễm từ động vật sang người, các chuyên gia y tế nhấn mạnh sự lây lan toàn cầu gần đây là do tiếp xúc gần với người bệnh.

Các triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, phát ban hoặc tổn thương da.

Bệnh đậu mùa khỉ gây ra các nốt phát ban giống như bệnh đậu mùa và để lại sẹo, chủ yếu ở mặt, hậu môn và bộ phận sinh dục.

Những người mắc bệnh có thể lây lan cho người khác khi đã xuất hiện các triệu chứng và virus lây lan qua chất dịch cơ thể (mủ hoặc máu từ các tổn thương da) và các vật dụng mà người mắc bệnh sử dụng.

Đa số trường hợp bệnh khỏi sau 10-14 ngày với cơ địa có miễn dịch bình thường và hết lây lan sau 21 ngày. Tuy nhiên, để an toàn cho bản thân và cộng đồng, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ được ngành y tế khuyến cáo.

Hiện nay, ngành y tế đã xây dựng kịch bản khi chưa có ca bệnh, khi có ca xâm nhập và khi có ca lây trong cộng đồng. Các kịch bản đều linh hoạt để bảo đảm kịp thời phòng chống dịch.

Tình huống 1: Chưa có trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Các bệnh viện chuẩn bị cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện cho phòng chống dịch; xây dựng quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh viện đồng thời tổ chức diễn tập phòng chống dịch.

Tình huống 2: Bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Khi ấy, cơ sở y tế tổ chức khu điều trị cách ly riêng cho bệnh nhân đậu mùa khỉ; cập nhật quy trình tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh phù hợp với thực tế tại cơ sở. Tổ chức tập huấn bổ sung cho nhân viên y tế về công tác điều trị, chống nhiễm khuẩn và kiểm soát lây nhiễm.

Tình huống 3: Dịch lây lan ra cộng đồng. Lúc này, ngành y tế mở rộng khu vực cách ly điều trị, tính toán phương án tự cách ly điều trị tại nhà. Các khoa lâm sàng, đội cấp cứu lưu động... tham gia chống dịch. Người bệnh được phân loại theo mức độ nặng nhẹ để điều trị tại các tuyến phù hợp, hạn chế di chuyển.

Hạnh (T/h)

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/viet-nam-da-khong-che-duoc-ca-mac-benh-dau-mua-khi-dau-tien-a21431.html