Thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng, những chi phí trong công thức tính giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu như chi phí đầu vào, chi phí định mức, chi phí vận chuyển… đã không còn phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu bị lỗ, phải giảm chiết khấu đối với các đại lý bán lẻ dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu phải thường xuyên đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng, dầu bán ra. Nên cần thiết Nhà nước phải quy định lại chi phí trong giá cơ sở phù hợp với tình hình thị trường đang biến động mạnh hiện nay.
Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu
Phản hồi về vấn đề này, phía Bộ Công Thương cho rằng, theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, Bộ Tài chính được giao rà soát điều chỉnh và thông báo để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu.
Trên cơ sở thông tin xác thực từ các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu, khi các mức chi phí kinh doanh xăng dầu tiếp tục tăng, Bộ Công Thương sẽ phối hợp kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và điều chỉnh các mức chi phí đã tăng để bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí này trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo mức phù hợp với thực tế phát sinh nhằm hỗ trợ, khuyến khích các DN tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.
Trước tình thực trạng mức chiết khấu bị giảm thấp từ các DN đầu mối, nhiều DN kinh doanh xăng dầu cũng kiến nghị nhà nước cần có quy định về mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu. Song theo Bộ Công Thương, mức chiết khấu là mức giảm giá của đơn vị bán xăng dầu cho đơn vị mua xăng dầu so với giá bán lẻ xăng dầu. Nhà nước chỉ quản lý và điều hành giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu (để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và điều hành kinh tế vĩ mô), không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu.
“Điều này là phù hợp với thực tế do giá bán lẻ xăng dầu đã được Nhà nước điều hành và quy định mức giá trần nên mức chiết khấu là yếu tố quan trọng để phản ánh tính thị trường. Đồng thời, là yếu tố được điều chỉnh linh hoạt giúp các DN điều hành hoạt động kinh doanh phù hợp với biến động cung cầu, giá cả xăng dầu trên thị trường thế giới và trong nước”, Bộ Công Thương nêu rõ.
Cũng theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu trong nước hiện đã tương đối cạnh tranh với sự tham gia của ngày càng nhiều chủ thể kinh doanh xăng dầu, Nhà nước không nên can thiệp vào những thỏa thuận dân sự, phù hợp với quy định của pháp luật giữa các DN, giúp lĩnh vực kinh doanh xăng dầu phát triển theo định hướng kinh tế thị trường.
Giá bán buôn xăng dầu được xác định hoàn toàn theo các quy luật thị trường
Phản hồi về vấn đề giá bán buôn xăng dầu có thời điểm cao hơn giá bán lẻ xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết, theo quy định tại Khoản 27, Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Điều 38 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn. Căn cứ vào tình hình thực tế tại DN, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu mazut là giá bán buôn) trong hệ thống phân phối của mình, phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại DN và không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.
Bộ Công Thương khẳng định, Nhà nước chỉ điều hành và quy định đối với giá bán lẻ xăng dầu (để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và điều hành kinh tế vĩ mô), DN đầu mối và doanh nghiệp phân phối có quyền quyết định giá bán buôn xăng dầu. Như vậy, giá bán buôn xăng dầu được xác định hoàn toàn theo các quy luật thị trường (quy luật cung cầu, quy luật giá cả, quy luật giá trị...) do đó giá bán buôn sẽ biến động liên tục lúc cao, lúc thấp và do các yếu tố trên thị trường quyết định.
Trong khi đó, giá bán lẻ xăng dầu được điều hành theo chu kỳ cố định khoảng 10 ngày/lần, trong khoảng 10 ngày đó, nếu giá bán lẻ được giữ ổn định sẽ có những lúc có thể thấp hơn giá bán buôn. Ngoài ra, các chi phí cấu thành giá bán lẻ được rà soát, công bố định kỳ (6 tháng/lần) nên có những giai đoạn (nhất là trong thời gian vừa qua thị trường chịu ảnh hưởng của các yếu tố dịch bệnh, địa chính trị) chi phí tăng cao nhưng chưa kịp phản ánh vào giá bán lẻ do nhà nước công bố, trong khi giá bán buôn luôn được cấu thành từ các chi phí thực tế phát sinh nên sẽ có thể chênh lệch cao hơn giá bán lẻ.
“Kể cả trong trường hợp giá bán lẻ không phải do nhà nước điều hành, cũng như các hàng hóa khác trên thị trường, hiện tượng giá bán buôn cao hơn giá bán lẻ vẫn có thể xảy ra do khi mua vào giá cao nhưng sau đó cầu giảm hoặc cung tăng, để cạnh tranh hoặc giảm chi phí lưu kho, các DN vẫn buộc phải bán lẻ với giá thấp hơn giá bán buôn”, Bộ Công Thương lý giải.
Theo VOV
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/vi-sao-co-luc-xang-dau-ban-le-re-hon-ban-buon-a21426.html