Bệnh án điện tử, cần triển khai đồng bộ trong ‘guồng’ chuyển đổi số

Hiện cả nước đã có 36 bệnh viện, cơ sở y tế triển khai bệnh án điện tử; việc thực hiện bệnh án điện tử đã cho thấy rất nhiều lợi ích.

Chú thích ảnh Ứng dụng công nghệ trong lưu trữ và truyền tải hình ảnh tại Bệnh viện Hữu Nghị đã được vận hành trơn tru. 

Những lợi ích thấy rõ

Trong ca trực tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), qua màn hình to, BS. Lê Quang Phương, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Hữu Nghị mở phim chụp của bệnh nhân chuyển từ khoa khác lên xem.

Chỉ với các thao tác trên máy tính, hình ảnh chụp não của bệnh nhân hiện lên một cách rõ nét, tùy chỉnh các góc, zoom to, nhỏ để quan sát một cách dễ dàng.

Với ca bệnh tổn thương não cấp, khi bệnh nhân được đưa vào phòng chụp, ngay lập tức tại khoa Hồi sức tích cực, các bác sĩ đã có thể xem hình ảnh song song cùng với các bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh và trao đổi trực tiếp về ca bệnh ngay trên hệ thống.

Chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ trong triển khai “bệnh viện không in phim”, BS. Lê Quang Phương cho biết: “Việc ứng dụng công nghệ không in phim trong bệnh viện rất thuận tiện và gần như không có nhược điểm gì so với in phim cổ điển. Thuận tiện lớn nhất là cho chính các bác sĩ lâm sàng khi không phải chờ đợi quá trình rửa phim mà có thể xem trực tiếp từ máy chụp phim, đọc được kết quả ngay sau khi chụp khi ngồi ở bất cứ đâu”.

Theo BS. Lê Quang Phương, khoa Hồi sức tích cực là nơi thường tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân nặng và có những bệnh lý đe dọa trực tiếp đến tính mạng từ các khoa chuyển xuống. Khi chuyển bệnh nhân xuống khoa thường phải mất thời gian để xem quá trình điều trị như thế nào, diễn tiến của bệnh nhân ra sao; nhưng nhờ có công nghệ, chỉ từ trên máy, các bác sĩ đã có thể xem được ngay toàn bộ kết quả phim chụp của bệnh nhân từ trước đó; và có thể đưa ra được hướng xử trí nhanh, không cần phải chờ đợi, hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn rất nhiều.

Tại Bệnh viện Hữu nghị, là đơn vị điểm đầu tiên trong triển khai “bệnh viện không in phim” nằm trong lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, đến nay ứng dụng này đã trở thành thường quy, vận hành trơn tru trong cả hệ thống.

BS. Trần Đăng Khoa, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị cho biết: “Bệnh viện  bắt đầu thực hiện thí điểm “bệnh viện không in phim” từ tháng 11/2015, nghiệm thu vào năm 2017 và đã cho thấy rất nhiều lợi ích, vì vậy Bộ Y tế đã quyết định cho triển khai.

Trước đó, nhờ Bệnh viện đã được trang bị hệ thống PACS nên việc triển khai rất thuận lợi, dễ dàng. Ứng dụng này dựa trên phần mềm hệ thống PACS, với hệ thống này, toàn bộ dữ liệu từ các hệ thống cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, máy siêu âm, máy X-quang, kỹ thuật số tại Bệnh viện sẽ được truyền tải vào hệ thống máy chủ, từ đây kết nối đến toàn bộ hệ thống các máy. Ưu điểm của ảnh kỹ thuật số thể hiện trong cả lưu trữ và chẩn đoán.

Nhờ ứng dụng này, việc lưu trữ hình ảnh rất thuận tiện với số lượng nhiều, được nhiều năm; nhất là có thể so sánh dễ dàng kết quả các lần chụp của bệnh nhân trong các giai đoạn khác nhau để có cái nhìn tổng thể về quá trình điều trị. Bên cạnh đó, nhờ ảnh phim chuẩn, các bác sĩ có thể phân tích, đo đạc được chính xác các kích thước của tổn thương chứ không phải như khi cầm tờ phim cồng kềnh có thể bị hỏng, bị xước theo thời gian, không chính xác trong đo đạc như thể hiện trên máy”.

Chưa kể, ứng dụng công nghệ trong lưu trữ và truyền hình ảnh y khoa, mỗi năm, Bệnh viện đã tiết kiệm hàng tỷ đồng do không in phim, hạn chế được rác thải gây ô nhiễm và đặc biệt hạn chế những độc hại cho cán bộ y tế.

Nhờ đã trơn tru hệ thống PACS, kết hợp với hệ thống công nghệ thông tin hiện nay của bệnh viện; sẽ thành một hệ thống khép kín hướng tới quản lý bằng bệnh án điện tử, thay thế hoàn toàn bệnh án giấy truyền thống trong thời gian tới.

Cũng là đơn vị mới được Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) công bố triển khai bệnh án điện tử, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, sau một thời gian thực hiện bệnh án điện tử, đã mang lại nhiều tiện ích cho cả bệnh nhân và cơ sở khám, chữa bệnh.

Hiện các thủ tục khi bệnh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện đã rút gọn, người bệnh chỉ cần mang theo thẻ Bảo hiểm y tế hoặc điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng VSSID để quẹt mã lấy số và đăng ký khám. Tất cả kết quả khám lâm sàng của bệnh nhân được cập nhật lên hệ thống mạng của bệnh viện kết nối với tất cả các khoa, phòng. Bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh được hướng dẫn cài đặt ứng dụng "Bác sỹ ơi" với đầy đủ các tính năng như: Đặt lịch khám từ xa, bác sỹ tư vấn online và hồ sơ sức khỏe với đầy đủ kết quả khám, điều trị bệnh. Tại các khoa điều trị nội trú, bác sỹ cũng sẽ cập nhật toàn bộ dữ liệu khám, điều trị cho bệnh nhân và lấy thông tin của bệnh nhân trong các lần điều trị trước qua máy tính. Bệnh nhân đã thực hiện ký điện tử, bác sỹ cũng đã sử dụng chữ ký số mà không cần phải chờ mang tập hồ sơ giấy tới.

Bệnh án điện tử cũng giúp người bệnh không phải lưu trữ các loại giấy giấy tờ khi đi khám bệnh, chữa bệnh. Các bác sỹ cũng thuận tiện trong việc khai thác tiền sử khám, chữa bệnh của bệnh nhân để chỉ định phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, khác với trước kia, bệnh viện phải mất rất nhiều thời gian, nhân lực cho việc đăng ký khám bệnh, lấy kết quả khám lâm sàng; hiện nay nhờ triển khai bệnh án điện tử, các thủ tục này đã giảm được 5 - 6 công đoạn. Trước đây, khoa Khám bệnh chỉ khám được 700- 800 bệnh nhân/ngày, thì hiện nay đã có thể khám tới hơn 1.000 bệnh nhân.

Theo thống kê của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), đã có 36 bệnh viện, cơ sở y tế triển khai bệnh án điện tử. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện đã có những bước phát triển đột phá, đến nay 100% các bệnh viện đã có phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS), các bệnh viện triển khai bệnh án điện tử đã không còn sử dụng bệnh án giấy và triển khai thanh toán không không dùng tiền mặt, từng bước hình thành bệnh viện thông minh.

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết: Với bệnh án điện tử, mỗi người dân sẽ có một mã số quản lý riêng được lưu trữ trong hồ sơ bệnh án ở bệnh viện. Khi người bệnh đến bệnh viện để khám, chữa bệnh, không phải cầm theo bệnh án giấy như trước kia; các bác sĩ vẫn nắm được đầy đủ thông tin của người bệnh, tiền sử bệnh tật… Nhờ bệnh án điện tử, người dân cũng không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm vì tất cả các thông tin đã được lưu trên hệ thống. Người bệnh cũng có thể dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ bằng bệnh án điện tử.

Việc triển khai bệnh án điện tử mang lại lợi ích rất to lớn cho người dân, bác sĩ và người quản lý. Đồng thời, bệnh án điện tử cũng giúp quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của người dân, giúp người dân chủ động hơn trong phòng bệnh và chữa bệnh.

Ngoài việc lưu trữ, truyền tải dữ liệu khám, chữa bệnh; việc triển khai bệnh án điện tử cũng sẽ giúp các bệnh viện tiết kiệm khoản chi phí rất lớn hàng năm cho việc làm bệnh án giấy, chi phí kho lưu trữ. Đồng thời, khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh được minh bạch sẽ giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm.

Chú thích ảnh Tại Bệnh viện Đức Giang (Hà Nội), nhờ ứng dụng công nghệ, bác sĩ đi buồng rất "nhàn" với chỉ chiếc smartphone đã có đầy đủ thông tin bệnh nhân.

Cần triển khai mạnh, đồng bộ

Trong “guồng” của xu thế chuyển đổi số, việc xây dựng nền y tế thông minh, hướng tới bệnh viện thông minh đang là vấn đề rất được quan tâm, nhất là việc triển khai bệnh án điện tử.

Mặc dù qua thực tế, bệnh án điện tử đã thể hiện nhiều điểm thuận lợi, nhưng việc triển khai vẫn chưa được kỳ vọng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam có tổng cộng hơn 1.300 bệnh viện; tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 36 bệnh viện, cơ sở y tế triển khai bệnh án điện tử. Theo các chuyên gia, đây là con số ít ỏi.

Theo lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), hiện có một số khó khăn khi các bệnh viện thực hiện bệnh án điện tử. Đặc biệt, nhiều lãnh đạo bệnh viện vẫn chưa quyết liệt, vẫn còn tâm lý chờ cơ quan quản lý cấp trên thúc đẩy mới làm. Hiện cũng chưa có cơ chế tài chính cho việc ứng dụng công nghệ thông tin y tế nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng, kinh phí hoạt động của phần lớn các bệnh viện còn eo hẹp.

Bên cạnh đó, các bệnh viện lâu nay vẫn thực hiện theo quy trình khám, chữa bệnh truyền thống; khi thực hiện bệnh án điện tử sẽ làm cho mọi hoạt động, quy trình của bệnh viện đều bị tác động khiến nhiều bệnh viện e ngại. Trong khi đó, các bệnh viện còn áp lực khi tự chủ, đảm bảo đời sống cho các bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế; khiến không ít bệnh viện có tâm lý dè dặt, thực hiện bệnh án điện tử chỉ để thăm dò; chưa kể việc thiếu kinh phí, thiếu cơ sở vật chất… Chính vì vậy, tốc độ triển khai bệnh án điện tử bị chậm.

Theo BS. Nguyễn Đăng Khoa, tuy Bệnh viện đã thực hiện trơn tru những ứng dụng công nghệ, nhưng hiện việc triển khai các ứng dụng này vẫn chưa đồng bộ trong hệ thống các bệnh viện. Vì vậy, dù bệnh viện không còn phải in phim khi bệnh nhân từ bệnh viện này chuyển sang bệnh viện khác vẫn phải in phim gửi kèm để hội chẩn. Hiện giữa các bệnh viện cũng chưa có sự liên thông, kết nối đồng bộ. Nếu thực hiện được đồng bộ thì sẽ mang lại hiệu quả rất cao, giảm được chi phí cho người bệnh.

Để đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong ngành y, Bộ Y tế đã đưa ra lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn. Cụ thể, đến năm 2023, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Giai đoạn 2024- 2028, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử thì phải có văn bản báo cáo cơ quan quản lý cấp trên nhưng phải hoàn thành triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử trước ngày 31/12/2030.

Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cũng đang xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật để làm giao thức kết nối giữa các phần mềm bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mềm quản lý trạm y tế xã/phường/thị trấn và phần mềm ứng dụng ở các bệnh viện với nhau. Các phần mềm này phải thống nhất, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu và việc chia sẻ liên kết phải bảo đảm nguyên tắc bảo mật, an toàn thông tin của người bệnh và bệnh viện.

Bài, ảnh, clip: Tạ Nguyên

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/benh-an-dien-tu-can-trien-khai-dong-bo-trong-guong-chuyen-doi-so-a21382.html