Nhiều thủ đoạn tinh vi
Ngày 7/10, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, đơn vị tiếp nhận nhiều phản ánh về việc có người gọi điện thoại tự xưng là cán bộ thanh tra, hăm dọa người dân, nói họ mua bán thuốc điều trị Covid-19 không có giấy phép. Những người gọi điện thoại mạo danh còn đọc đúng số CMND, địa chỉ nhà… của người dân để gây áp lực.
Theo Thanh tra Sở Y tế TPHCM, các cuộc gọi có nội dung như trên đều mạo danh, đề nghị người dân không thực hiện bất kỳ yêu cầu nào của những cuộc gọi đến, đồng thời thông báo cho đơn vị qua số điện thoại 028 3930 9672 - 028 3930 7916. Thanh tra Sở Y tế TPHCM cũng đã chuyển thông tin này đến Công an TPHCM để xác minh những đối tượng mạo dạnh.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên Thanh tra Sở Y tế TPHCM bị mạo danh. Tần suất đơn vị bị mạo danh nhiều nhất xảy ra trong giai đoạn dịch Covid-19, với cùng thủ đoạn nói đúng thông tin cá nhân của người dân và hăm dọa họ đang vi phạm pháp luật. Chỉ tính riêng trong năm 2021, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã chuyển hồ sơ 21 vụ việc sang cơ quan điều tra làm rõ, xử lý.
Đáng nói, tình trạng này không chỉ diễn ra tại TPHCM mà còn xuất hiện tại nhiều nơi. Các cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần cảnh báo, tuy nhiên thực tế số vụ việc ghi nhận được vẫn không ngừng tăng lên.
Ngày 11/6, Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã tiếp nhận đơn trình báo của bà P. (SN1958) về việc nhận được cuộc điện thoại của 1 đối tượng tự xưng là cán bộ công an. Đối tượng thông báo bà P. có lệnh bắt của cơ quan điều tra và yêu cầu bà cung cấp tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Sau đó bà P. phát hiện tài khoản bị mất gần hơn 1 tỷ đồng nên đã đến cơ quan công an trình báo.
Trước đó, ngày 1/4, Công an phường Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tiếp nhận đơn trình báo của chị Q. (SN1990) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đơn trình báo, chị Q. nhận được cuộc gọi của 1 đối tượng nữ, giới thiệu là nhân viên bưu điện và thông báo chị có 1 bưu phẩm của 1 ngân hàng chi nhánh tại Đà Nẵng ghi khoản nợ là 40 triệu đồng. Người này yêu cầu chị Q. phải thanh toán khoản nợ nếu không sẽ báo cơ quan công an.
Tiếp đó, 1 nam giới gọi điện cho chị Q. xưng danh là Đội trưởng thuộc Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Đà Nẵng. Đối tượng nói với chị Q. bị lộ thông tin cá nhân và liên quan đến đường dây rửa tiền, buôn bán ma túy, rồi yêu cầu chị Q. đến Công an TP Đà Nẵng làm việc. Do chị Q. nói không đến được Đà Nẵng nên đối tượng yêu cầu chị tải App “Thay đổi bảo mật” rồi đăng nhập tài khoản ngân hàng để xác minh. Sau đó, chị Q. phát hiện tài khoản của mình bị mất 300 triệu đồng nên đến Công an phường Tràng Tiền trình báo.
Tương tự, ngày 21/3, Công an phường Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) cũng tiếp nhận đơn trình báo của chị V. (SN1987) về việc nhận được cuộc điện thoại từ 1 đối tượng tự xưng là công an. Người này thông báo chị V. có liên quan đến đường dây mua bán ma túy, rửa tiền và yêu cầu chị V. cung cấp thông tin để phục vụ điều tra.
Chị V. đã thực hiện theo yêu cầu của đối tượng, cung cấp thông tin và tài khoản ngân hàng. Sau đó chị V. phát hiện tài khoản bị mất gần 3 tỷ đồng nên đã đến cơ quan công an trình báo.
Nâng cao ý thức cảnh giác
Theo các cơ quan chức năng, thời gian qua, tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội có xu hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp khiến nhiều người dân trở thành nạn nhân và thiệt hại vô cùng lớn. Cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần khuyến cáo, người dân không công khai các thông các tin cá nhân lên các trang mạng xã hội. Khi chia sẻ thông tin, cần chọn lọc những thông tin có thể chia sẻ công khai, thông tin giới hạn người xem.
Cảnh giác những chiêu trò nhận thưởng qua mạng mà yêu cầu nạp tiền thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng; Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người hứa hẹn cho, tặng số tiền lớn, những món quà đắt tiền. Cảnh giác với những website giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, website ngân hàng. Chỉ nên nhập thông tin tài khoản ngân hàng trên các trang web chính thức của ngân hàng có uy tín. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP do ngân hàng gửi cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.
Đối với các tin nhắn qua mạng xã hội, qua điện thoại, người quen, bạn bè nhờ mua thẻ cào điện thoại, nhờ chuyển tiền hộ, người dân cần gọi điện trực tiếp để xác nhận thông tin với người nhà, không trao đổi qua tin nhắn.
Các cá nhân có nhu cầu chuyển, nhận tiền từ nước ngoài về chỉ gửi, nhận thông tin qua ngân hàng có uy tín, không sử dụng các dịch vụ chuyển đổi tiền quốc tế của cá nhân không hợp pháp.
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu - Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia (NCSC, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, thông thường, các cuộc gọi, tin nhắn mạo danh thường đánh vào lòng tham hoặc sự sợ hãi, giả mạo tổ chức nhà nước để cung cấp đường link chứa mã độc, hoặc yêu cầu người dùng tự cung cấp thông tin cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản.
Do đó, người dùng phải trang bị đầy đủ những kiến thức về an toàn thông tin và cách thức xử lý khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi mạo danh. Đồng thời, sẵn sàng tố cáo, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để truy vết các đối tượng lừa đảo.
Chuyên gia tâm lý, TS Hoàng Trung Học (Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng, tâm lý của người tiếp nhận các cuộc gọi mạo danh này thường rất sợ hãi các vấn đề liên quan đến pháp luật, liên quan đến nhà chức trách. Trong khi đó, người gọi điện thoại mang tính chất gián tiếp, cho nên nạn nhân không thể thẩm định thông tin ngay lập tức ai là người đang nói chuyện với mình. Tính mơ hồ, bất định cao cộng với các vấn đề liên quan đến luật pháp, an ninh nên tâm lý chung của nạn nhân thường rất hoang mang, mất bình tĩnh. Không những vậy, các đối tượng này còn tinh vi khi dàn dựng các bối cảnh âm thanh rất giống với các cơ quan nhà nước như tòa án, công an, thanh tra… để nạn nhân thêm phần tin tưởng.
Lợi dụng đặc điểm tâm lý này nên các đối tượng xấu thực hiện các cuộc gọi để mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dùng. Một số người dân không đủ bình tĩnh và tỉnh táo sẽ dễ dàng bị các đối tượng này dẫn dắt, lừa đảo.
“Để tránh được những “bẫy” này, người dân cần nhận thức rõ và xác định tâm lý rằng, nhà chức trách không bao giờ làm việc qua điện thoại mà bao giờ cũng làm việc trên giấy tờ, thông báo rõ ràng. Thấy được sự phi lý, không đúng quy định của pháp luật, để từ đó bình tĩnh, không làm theo các điều kiện mà đối tượng xấu yêu cầu. Đặc biệt, tuyệt đối không được cung cấp thông tin cá nhân (bao gồm cả danh tính, số CCCD, số tài khoản ngân hàng…) cho bất cứ đối tượng nào mình chưa xác minh được vai trò xã hội và vị trí công tác của họ. Người dân có quyền đòi hỏi xác minh danh tính trước khi làm việc. Quan trọng nhất, cho dù có liên quan đến các vấn đề pháp luật hay không thì người dân cũng phải giữ bình tĩnh, tỉnh táo, làm việc trực tiếp với người gọi điện, không làm việc gián tiếp qua điện thoại để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” - TS Học khuyến cáo.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/bao-dong-tinh-trang-mao-danh-can-bo-nha-nuoc-de-lua-dao-a21353.html