Cán bộ 'ném tiền' trong quán ăn tại Đà Nẵng có thể bị xử lý như nào?

Các luật sư cho rằng, cán bộ Sở TN&MT Đà Nẵng từ chối, ném trả tiền lẻ cho chủ quán là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Ngoài ra, vị cán bộ này còn có thể bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng; xem xét kiểm điểm, kỷ luật theo quy định pháp luật về viên chức, công chức.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật cho hay, hầu hết các quốc gia đều có đồng tiền riêng, đặc trưng và có các biện pháp bảo vệ đồng tiền.

Ở Việt Nam, Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định các hành vi bị cấm gồm: Làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả; hủy hoại đồng tiền trái pháp luật; từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành và các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

Luật sư Bình nhận định, trong clip, cán bộ thuộc Sở TN&MT TP Đà Nẵng từ chối nhận, rồi ném trả lại tiền lẻ cho một quán ăn là vi phạm điều khoản "từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành" trong điều luật nêu trên.

Tuy nhiên, hiện pháp luật chưa có quy định xử phạt đối với tổ chức, cá nhân có hành vi từ chối nhận tiền đủ điều kiện lưu thông.

anh-anh-608-1664871043.jpg

Hình ảnh sự việc được đưa lên mạng xã hội.

Theo luật sư Bình, qua những hình ảnh từ clip cho thấy, ngoài dấu hiệu của hành vi ném tiền nhằm lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, vị cán bộ trong clip đã có hành động tát người khác. Căn cứ theo điểm a, khoản 3, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, vị cán bộ nêu trên có thể bị xử phạt từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác.

Trong trường hợp người vi phạm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Còn luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng Văn phòng luật sư An Phát Phạm, hành vi của vị cán bộ này phản cảm, có thể xem xét, xử lý vi phạm về đạo đức của cán bộ, viên chức. Ngoài ra, vị cán bộ này còn có thể bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Trước đó, như Tiền Phong đã đưa tin, ngày 2/10, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video ghi lại cảnh một cán bộ thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài Nguyên & môi trường Đà Nẵng ném tiền lẻ vào nhân viên một quán ăn do xích mích của trẻ nhỏ trước đó. Hiện cán bộ này đã bị đình chỉ công tác để xử lý.

Theo Tiền Phong

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/can-bo-nem-tien-trong-quan-an-tai-da-nang-co-the-bi-xu-ly-nhu-nao-a20972.html