Cụ thể tỉnh ghi nhận có 05 người chết, 1 người mất tích do mưa lũ. Trong đó, tại huyện Thạch Thành có 2 người tử nạn do đi thăm đồng và đi câu cá, tại huyện Như Thanh có một người bị lũ cuốn trôi khi cố đi qua đường tràn, đã tìm thấy thi thể. Tại Quảng Xương, 02 người chết do bị điện giật khi đi kéo xe tang phục vụ một đám ma trên địa bàn xã Quảng Thái, trong quá trình kéo xe tang, phần mái xe tang đã va vào đây điện dẫn tới nhiễm điện khiến 2 người tử vong, người mất tích. Còn người mất tích là ở huyện Ngọc Lặc khi đi vớt củi trên sông Âm, hiện vẫn chưa trở về.
Giao thông trên địa bản tỉnh cũng bị ảnh hưởng. Một số tuyến đường, trong đó, có 7 vị trí đường tràn thuộc các huyện Thường Xuân, Nông Cống, Bá Thước, Như Xuân, Thạch Thành bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông, nhiều vị trí trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ bị chia cắt, ngập cục bộ. Mưa lũ gây sạt nhiều vị trí taluy âm tại Lang Chánh, Mường Lát; 23 vị trí taluy dương bị sạt lở, trong đó có 5 vị trí gây ách tắc giao thông trên tuyến đường tuần tra biên giới. Nước dâng tại khu vực tràn Cư Dụ trên đường tỉnh 519B, chia cắt các xã: Luận Thành, Luận Khê, Tân Thành của huyện Thường Xuân; Tuyến đường tuần tra biên giới, đoạn từ xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân đến xã Yên Khương, huyện Lang Chánh bị sạt khoảng 20 nghìn m3 đất đá xuống đường tại 6 vị trí.
Tại xã Luận Khê (huyện Thường Xuân), mưa lớn nhiều ngày qua đã làm cô lập toàn bộ hơn 1.600 hộ dân của xã với hơn 6.000 nhân khẩu. Nguyên nhân do tràn Cửa Dụ thuộc xã Luận Thành đi Luân Khê và tràn Thành Nàng thuộc xã Tân Thành nước dâng cao trên 4m khiến con đường huyết mạch của xã ra bên ngoài bị ngập hoàn toàn.
Mưa lớn cũng khiến 115 hồ chứa nước tại huyện Như Thanh bị đầy, nước chảy tự nhiên qua tràn. Hồ Yên Mỹ là 1 trong 3 hồ chứa nước lớn nhất Thanh Hóa tiến hành xả lũ nên đã có một số vùng trũng với hàng trăm hộ dân thuộc các xã Phú Nhuận, Xuân Thái, Thanh Tân, thị trấn Bến Sung bị ngập cục bộ, chia cắt.
Tính sơ bộ, toàn tỉnh có 199 nhà dân bị ngập nước, 26 hộ phải sơ tán, 6 nhà bị sạt lở đất. Về nông nghiệp, tỉnh có 1.460 ha lúa, 726 ha ngô, rau màu, hoa màu và 211,7 ha mía, 887 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập nước, 375/610 hồ chứa trên địa bàn bị đầy nước. Mưa lớn làm sạt mái kênh dẫn hạ lưu phía sông dài 56 mét của cống Bồng Thôn tại K20+900 đê tả sông Mã, sạt lở mái đê phía đê tả sông Mã với chiều dài 60 mét đoạn qua xã Hoằng Đại, thành phố Thanh Hóa.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, cấp ủy, chính quyền tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường; tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy lợi trọng điểm; cắt cử lực lượng ngăn không cho người dân đánh bắt cá, vớt củi tại các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục các điểm đê, đường giao thông bị sạt lở; các địa phương không được phép chủ quan lơ là, phải luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó trong mọi tình huống, các đơn vị chức năng khẩn trương kiểm tra, rà soát, đánh giá tổng thể tình hình thiệt hại, thống kê cụ thể khối lượng tài sản của nhà nước và nhân dân để báo cáo UBND tỉnh phương án xử lý.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu Lãnh đạo huyện, thị, thành Hội chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, chỉ đạo các cấp hội, hội viên và tình nguyện viên triển khai các biện pháp can thiệp trợ giúp phù hợp, kịp thời; thường xuyên cập nhật tình hình cơ sở, chia sẻ thông tin hoạt động của địa phương, đơn vị và báo cáo Tỉnh hội về các hoạt động tham gia ứng phó, hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp Hội.
Thu Hằng
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/thanh-hoa-thiet-hai-nang-ne-hau-bao-noru-a20960.html