Vĩnh biệt nhà văn, nhà báo của công nhân vùng đất mỏ Võ Khắc Nghiêm

Nhà văn, nhà báo Võ Khắc Nghiêm (sinh năm 1942), quê gốc ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nhưng ông gần như dành cả cuộc đời ở vùng than Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh cho đến khi chuyển về làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Than Việt Nam tại Hà Nội.

Nhắc đến nhà văn, nhà báo lão thành Võ Khắc Nghiêm là nhắc đến một kho tàng đồ sộ các tác phẩm của ông viết về công nhân ngành than. Không quá nếu nói cả đời ông luôn trăn trở với những người lao động nghèo, luôn bênh vực những người yếu thế và đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác. Đến lúc nghỉ hưu ông lại là người mang ngọn lửa nhiệt huyết ấy truyền lại cho những thế hệ làm báo sau này và tôi là một trong số người may mắn ấy. 

z3767180074073-c368fdcb383f511428eea731495065c3-1664686972.jpg
Nhà báo Võ Khắc Nghiêm.

Các tác phẩm báo chí hay văn chương của ông lúc nào cũng mạnh mẽ tính chiến đấu nhưng vẫn ngời sáng sự nhân văn. Từ các bình luận mang hơi thở thời cuộc đến tiểu thuyết “Thị Lộ chính danh” độc giả đều cảm được tính nhân văn, nhân đạo trong góc nhìn thẳng thắn của nhà văn.

Ông dẫn dắt độc giả đến với với sự thật bằng những phân tích rất thuyết phục để người đọc tự thấu cảm chứ không phải bới móc, quy kết chủ quan, giải mã “lịch sử” bằng một phong cách rất “báo chí”. Cũng chính bởi sự chính trực ấy nên dù không tìm mọi cách để phơi bày đến cùng sự thật nhưng vẫn đem lại cái nhìn khách quan hơn đối với những người oan khuất. 

Một buổi chiều mưa gió nghe tin Nhà văn, Nhà báo Võ Khắc Nghiêm mất, dù vẫn biết quy luật của cuộc sống là tất yếu nhưng cũng không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng. Ký ức ùa về, vẫn như ngày hôm qua tại căn phòng nhỏ ở phố Hoa Bằng, lúc nào cũng ngập trong giấy tờ bản thảo, mờ ảo khói thuốc, ông xem tử vi, giảng dạy, dặn dò tôi về nghề báo. Vẫn văng vẳng chất giọng khàn khàn mà sang sảng ấy: “Mày phải nhớ làm báo để cầm chắc được cây bút là vất vả lắm đấy nhưng đã chọn làm báo rồi thì dù nghèo cũng phải đàng hoàng và phải nhớ không được hèn”.

Kính mong ông yên nghỉ, thế hệ nhà báo trẻ như chúng tôi đã từng được ông truyền lửa sẽ luôn ghi nhớ những lời căn dặn của ông để tiếp nối những đề tài ông còn trăn trở. 

Các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Võ Khắc Nghiêm : 
Xung đột âm thầm (truyện ngắn, 1986); 16 tấn vàng (tiểu thuyết, 1989); Đại dương trong mắt em (tiểu thuyết, 1990); Người cha tội lỗi (tiểu thuyết, 1990); Người tình 15 năm (tiểu thuyết, 1990); Cướp ngày (tiểu thuyết, 1989); Nhân danh công lý (kịch, 1985); Bi kịch ngược chiều (kịch, 1988); Quy luật muôn đời (kịch, 1991); Bỉ vỏ (kịch, 1990); Tình yêu hai quá khứ (kịch, 1990); Mảnh đời của Huệ (tiểu thuyết và kịch bản phim truyện); Tìm lại chính mình (1995-1996); Giới hạn của hạnh phúc (tiểu thuyết, 1997); Chân dung tình yêu (tiểu thuyết, 1997); Mạnh hơn công lý (tiểu thuyết, 2000); Phúc hoạ đời người (truyện ngắn, 2004); Huyết thống (tiểu thuyết, 2004)…
Ông đã giành được nhiều giải thưởng lớn, như: Giải thưởng Nhà nước về Văn học & Nghệ thuật đợt 4 năm 2017; Giải A Văn học Công nhân (1990-1995), Giải B “Vì bình yên cuộc sống” Bộ Công An – Hội Nhà văn Việt Nam (1998-2002); Giải A cuộc thi kịch bản sân khấu của Đài Tiếng nói Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Sân khấu với vở kịch Bi kịch ngược chiều; Giải thưởng cuộc thi kịch bản điện ảnh của báo Văn nghệ, Hãng phim Người Bảo vệ với kịch bản Sự huyền diệu của tình yêu. Năm 2015 ông đã cho xuất bản tiểu thuyết “Thị Lộ chính danh” cũng gây hiệu ứng, được giới văn học quan tâm. 

Nhà báo Nguyễn Thu Trang 

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/vinh-biet-nha-van-nha-bao-cua-cong-nhan-vung-dat-mo-vo-khac-nghiem-a20858.html