"Mực nước sâu năm 2011 đạt kỷ lục, năm nay kỷ lục hơn. Nước lũ lên không kịp trở tay, mất mát lớn về vật nuôi gia cầm".
Mưa với cường độ mạnh, kéo dài, dẫn đến ngập lụt. Quy luật là vậy, nhưng vì sao mấy năm gần đây lũ tràn về xứ Nghệ với cường độ mạnh và liên tiếp như vậy? Ông Lê Văn Thế, người dân huyện Quỳnh Lưu vẫn còn nhớ rõ trận lũ lịch sử năm 2021, khi so sánh với trận lũ năm nay. "Năm nay ngập rất nhanh, lũ rất nhanh. Do hạ nguồn dòng chảy tiêu chậm, thậm chí phía hạ lưu nước dâng lên, các cống âm dòng chảy hạn chế".
Đáng nói hơn, chỉ sau 1 ngày, số nhà bị ngập ở Nghệ An đã tăng gấp 2,5 lần, từ 8.000 nhà lên 17.000 nhà dân. Nhiều nơi ngập sâu và bán kính vùng ngập cũng trở nên rộng lớn. Đặt vấn đề, vì sao có sự tăng đột biến này, trong khi lượng mưa ở Nghệ An đã giảm, đại diện ngành chức năng tỉnh Nghệ An cho rằng, nước ở thượng nguồn đổ về, cùng với đó là 8 nhà máy thủy điện và 2 hồ thủy lợi ở thượng nguồn sông Lam, sông Hiếu… xả lũ, dẫn đến nhiều vùng hạ du như huyện Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Yên Thành, thị xã Hoàng Mai đã bị ngập nặng hơn.
Ông Hoàng Văn Bộ, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho rằng, nước ở thượng nguồn đổ về, trong khi triều cường phía hạ du đẩy lên, đây là hiện tượng hiếm gặp: "Khó khăn lớn nhất là lượng nước ngập lụt tiêu thoát chậm do thượng lưu đổ về lớn, lượng mưa ghi nhận hơn 600mm, cùng với đó là triều cường ở biển dâng làm nước tiêu thoát chậm, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân".
Mưa lớn kéo dài dẫn đến lũ là bình thường, nhưng mưa giảm lũ vẫn dâng cao là điều cần phải quan tâm. Chưa kể, ở Nghệ An 2 năm nay nhiều vùng vốn được xem là sơn địa vẫn ngập như thường. Đó là rốn lũ Quỳnh Lâm ở Quỳnh Lưu và hơn nữa là huyện miền núi Thanh Chương-vùng đất vốn dĩ nghe đến lũ lụt thì lạ lẫm lắm, vậy mà mấy năm gần đây, người dân dần quen với cuộc sống chạy lũ, sống chung với lũ? Xây dựng thuỷ điện, rừng bị tác động hay dòng chảy thay đổi, tắc dòng… đều có lý khi nói về nguyên nhân gây lụt ở những huyện vùng cao như Thanh Chương. Dẫn chứng là Thuỷ điện Bản Vẽ được xây dựng, tái định cư người dân vùng ảnh hưởng, khiến Thanh Chương mất đi nhiều diện tích rừng.
Ông Trịnh Huy Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho rằng: "Những năm gần đây mưa nước đổ về rất nhanh, đơn giản là do rừng bị giảm diện tích rừng đầu nguồn. Vùng trên này trước đây làm gì có lũ lớn thế này, cùng với đó mưa to, các nhà máy thuỷ điện xả lũ (đúng quy trình) làm cho mức nước tăng cao, tăng nhanh. Bây giờ thời tiết cực đoan, có những thời điểm mưa liên túc 300-400mm. Địa bàn miền núi dốc, xung quanh núi bao bọc, mưa đổ xuống, rất nguy hiểm"./.
Theo VOV
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/ngap-lich-su-o-nghe-an-binh-thuong-hay-bat-thuong-a20842.html