Thuốc lá điện tử đang phá hủy sức khỏe, tương lai của nhiều thanh niên, cần loại bỏ dần ra khỏi đời sống

Thuốc lá điện tử với thành phần chính là chất nicotine, đây là chất có khả năng gây nghiện cao tương tự như ma tuý. Ngoài ra, trong thuốc lá điện tử có rất nhiều các thành phần chất tạo mùi, tạo khói, tạo hơi, thậm chí cả ma túy và các thành phần phụ gia khác… Các tạp chất này khi đốt cháy có thể gây ung thư, tổn thương phổi, gây nên tình trạng nhiễm độc có thể khiến người sử dụng tử vong trong thời gian ngắn.

Thuốc lá điện tử với những tác hại không ngờ

Nhiều bạn trẻ đang lầm tưởng rằng hút thuốc lá điện tử là sành điệu, không độc hại... nhưng không ít trường hợp chỉ hút thuốc lá điện tử lại ngộ độc ma túy, có thể đã nghiện ma túy mà không biết.

Mới đây, tại Hà Nội, N.V.Đ (SN 1995, ở huyện Ba Vì) cùng bạn đi ăn tối có uống rượu bia sau đó về hát karaoke tại một quán ở phường Yết Kiêu, quận Hà Đông. Tại đây, nhân viên của quán đã đưa thuốc lá điện tử cho Đ và 2 người bạn cùng hút, sau đó Đ và 1 người bạn có dấu hiệu nôn mửa nên được đưa về nhà nghỉ. Do có dấu hiệu chuyển nặng nên Đ được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cấp cứu nhưng đã tử vong ngoại viện.

Cũng tại Hà Nội, trước đó, Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an tiếp nhận nữ sinh viên 20 tuổi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội vào nhập viện trong tình trạng tím tái, vã mồ hôi, chân tay lạnh, suy hô hấp, đồng tử giãn tối đa, huyết áp tụt sâu, mạch nhanh, nguy cơ ngừng tuần hoàn.

Sau đó bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não. Nguyên nhân được xác định bệnh nhân bị ngộ độc một chất ma tuý thế hệ mới có trong thuốc lá điện tử.

b2-1664518699.jpg

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khám cho bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử. Ảnh: Quân đội nhân dân.

Thông tin trên Báo Quân đội nhân dân, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, các ca ngộ độc thuốc lá điện tử đã và đang điều trị tại trung tâm đều bị rối loạn tâm thần, ảo giác, suy đa tạng... Đối tượng sử dụng hầu hết là người trẻ, độ tuổi 20 và có những trường hợp là học sinh trung học phổ thông. “Tôi cho rằng các ca "ngất xỉu, vật vã, kích thích" sau khi hút thuốc lá điện tử điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) và nhiều cơ sở y tế trên cả nước đang gặp phải trong thời gian qua phần lớn là do ngộ độc ma túy. Tuy nhiên, do các chất ma túy tổng hợp hiện nay được pha trộn, làm mới liên tục, thậm chí thay đổi theo sở thích của người dùng nên việc xét nghiệm để tìm ra chất ma túy mới là vô cùng khó khăn. Có lúc các phòng xét nghiệm tiên tiến nhất cũng "bất lực" không tìm được chất lạ gây ngộ độc trong mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân dùng", bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ.

Mặt khác, ngoài một số thuốc lá điện tử quảng cáo là không có nicotin thì hầu hết các loại thuốc điện tử còn lại đều có chất nicotin. Hơn thế nữa, thuốc lá điện tử còn được chế thêm nhiều chất tạo vị, tạo mùi không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Những chất này khi bị đốt cháy đều có nguy cơ gây ngộ độc, tổn thương cho các cơ quan nội tạng, làm tăng nguy cơ ung thư cho người hút. Cụ thể như mấy năm trước, ở Hoa Kỳ đã có hàng loạt ca tổn thương phổi nghiêm trọng, thậm chí có ca tử vong sau khi hút thuốc lá điện tử chứa vitamin E. Người ta đã chỉ ra rằng vitamin E khi bị đốt cháy đã gây tổn thương phổi. Ngoài ra, thuốc lá điện tử còn được trộn nhiều loại ma túy tổng hợp để tăng “phê”, tăng độ kích thích cho người dùng. Hơn nữa, liều lượng ma túy này cũng không theo công thức nào mà tùy chỉnh theo sở thích. Điều này là nguyên nhân của hàng loạt vụ ngộ độc thuốc lá điện tử vừa qua.

Buôn bán thuốc lá điện tử có thể phải ngồi tù tới 15 năm

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo Khoản 2, Điều 3, Nghị định 67/2013/NĐ-CP, thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá; được chế biến dưới dạng thuốc điếu, xì gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu và các dạng sản phẩm khác dùng để hút, nhai, ngửi.

Như vậy, thuốc lá điện tử về được xem là một sản phẩm thuốc lá. Do vậy đơn vị, cá nhân kinh doanh thuốc lá điện tử cần đáp ứng điều kiện như khi kinh doanh thuốc lá (theo Khoản 3, Điều 26, Nghị định 67/2013).

b1-1664518727.jpg

Cả nghìn điếu thuốc lá điện tử nghi bị làm giả vừa bị lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh: An ninh Thủ đô.

Theo Điều 6, Nghị định 98/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng sẽ bị dụng với trường hợp buôn bán thuốc lá điện tử không có giấy phép kinh doanh; Giấy phép đã hết hiệu lực; Không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh; Sử dụng giấy phép của người khác…

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, mua bán thuốc lá điện tử nhập lậu là hành vi buôn bán hàng cấm. Người có hành vi này có thể bị xử lý hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm theo Điều 190 BLHS 2015.

Theo đó, người có hành vi buôn bán thuốc lá điện tử nhập lậu có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tù cao nhất lên đến 15 năm. Pháp nhân vi phạm có thể bị phạt tiền tới 200 triệu đồng.

L.Hằng

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/thuoc-la-dien-tu-dang-pha-huy-suc-khoe-tuong-lai-cua-nhieu-thanh-nien-can-loai-bo-dan-ra-khoi-doi-song-a20778.html