Khát khao hiến tạng nhen lên từ người thân đã khuất
Khi còn là học sinh lớp 8, Hồ Lý Cát Tường (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) đã được nghe ông ngoại bày tỏ tâm nguyện hiến tặng bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể mình cho người cần sau khi mất. Lúc bấy giờ, người phản đối quyết liệt nhất là bà ngoại.
Bà của Tường quan niệm rằng con người dù ra đi vẫn phải giữ toàn vẹn thân xác. Bất chấp bà hết sức khuyên can, ông Tường vẫn không thay đổi ý định. Chính lòng nhân ái của ông khi đó đã thắp lên khao khát hiến tạng trong Tường.
Hồ Lý Cát Tường. (Ảnh: NVCC) |
Biến cố ập đến khi ông của Tường trút hơi thở cuối cùng vào năm ngoái. Ông qua đời vì đột quỵ ngay trong lúc dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Tường nhìn mặt ông lần cuối và để ý xác ông đang phân hủy dần. Khoảnh khắc đó khiến cô ám ảnh khôn nguôi.
Mong mỏi tiếp nối ước muốn còn dang dở của ông, Tường đã thổ lộ ngay với mẹ ý nguyện hiến mô, tạng. Sau nhiều lần trì hoãn, ngày 30/6 vừa rồi, Tường đã đến Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP.HCM để hoàn tất thủ tục đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết/chết não.
Thẻ đăng ký hiến tạng của Cát Tường. (Ảnh: NVCC) |
“Mỗi ngày trôi qua có rất nhiều bạn trẻ xấu số ra đi. Cuộc sống vô thường lắm. Tôi không muốn khi mất đi rồi mà vẫn chưa làm được điều gì có ích”, Tường nói.
Tương tự, Lê Nguyễn Thị Hoài Vy (26 tuổi, chuyên viên trang điểm, ngụ Đà Nẵng) có ý định hiến tạng khi thấy tình cảnh của những bệnh nhân chạy thận nhân tạo trong phòng lọc máu tại một BV ở TP.HCM. Đây cũng từng là nơi bạn trai cũ cô theo điều trị vào đầu năm 2019.
Thẻ ghi nhận đăng ký hiến tạng của Hoài Vy. (Ảnh: NVCC) |
Sau này, dù đã chia tay, Vy vẫn nuôi mong muốn hiến tạng và đã gửi đơn đăng ký hiến mô, tạng (trừ bộ phận giác mạc) vào tháng 12 năm ngoái.
Cô bộc bạch: “Với tôi, thế gian cũng chỉ là cõi tạm, thân xác con người rồi sẽ tan biến. Chi bằng một người hiến là đã có nhiều cuộc đời khác được tái sinh rồi”.
“Lá rách” vẫn muốn đùm “lá nát”
Ngày 14/9 vừa rồi, chị Đỗ Thị Anh Minh (37 tuổi, giáo viên dạy thanh nhạc, ngụ Bắc Giang) đã nhận được thẻ đăng ký hiến mô, tạng từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia. Trước đó, chị phát hiện mình mắc bệnh ung thư biểu mô tế bào vảy vào đúng ngày mùng 3 tết năm 2021.
Chị Đỗ Thị Anh Minh. (Ảnh: NVCC) |
Lúc bấy giờ, kinh tế của hai vợ chồng chị chỉ ở mức vừa đủ, gia đình lại còn hai đứa con nhỏ. Ngoài ra, vốn có tâm nguyện hiến tạng từ lâu, chị lo lắng không biết mình có còn đủ khả năng. May mắn thay, trong lần đi khám tổng thể, chị hay tin bệnh của mình vẫn chưa di căn. Tuy nhiên, chị phải cắt bỏ một nửa xương hàm trên và nghỉ làm trong 8 tháng sau cuộc phẫu thuật. Cũng trong thời gian đó, chị mất khả năng nói và khó khăn trong ăn uống.
“Đến cuối tháng 9/2021, tôi được bác sĩ lắp tạm hàm giả. Nhưng chỉ đỡ được chút ít trong chuyện giao tiếp, ăn uống thôi, còn ca hát thì bất khả. Không nản lòng, tôi nỗ lực tập luyện đến cùng và kỳ diệu thay đã khắc phục được 80% giọng hát”, chị giãi bày.
Giấy chẩn đoán ung thư của chị Minh vào dịp tết năm ngoái. (Ảnh: NVCC) |
Phép màu xảy đến khi cơ thể chị đã phần nào hồi phục. Từ đây, chị lại nhen lên hy vọng hiến tạng. Sau thời gian tìm hiểu, chị biết được người từng mắc bệnh ung thư vẫn có thể hiến mô, tạng sau khi qua đời. Chị chia sẻ thêm, từ lúc bị bệnh, chị cũng đã chuyển sang chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục và thiền định.
Đặc biệt, hai người con của chị sau khi biết được tâm nguyện của mẹ cũng có khát khao hiến tạng giống mẹ nhưng vì cả hai chưa đủ 18 tuổi nên chưa thể thực hiện. Tuy nhiên, chị tin rằng, sau này khi lớn lên, hai con sẽ nhận thức được giá trị thiêng liêng của điều này và tự mình đăng ký hiến tạng.
“Bệnh ung thư đã khiến tôi càng thêm biết ơn cuộc đời. Dù thế nào đi nữa hãy để lại những điều tốt đẹp nhất trước khi rời khỏi thế gian. Và hiến tạng là điều ý nghĩa cuối cùng ta có thể làm”, chị tâm niệm.
Thẻ đăng ký hiến tạng của chị Minh. (Ảnh: NVCC) |
Nói về tinh thần sẵn sàng đăng ký hiến tạng cứu người của thế hệ trẻ, thạc sĩ-chuyên gia tâm lý Đặng Hoàng An (cựu giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) khẳng định: “Đây là việc làm chứng minh cho lối tư duy tiến bộ, hành động nhân văn, phá vỡ quan điểm 'chết không toàn thây' vốn đã cũ mòn”.
Theo thạc sĩ Hoàng An, nếu xã hội có chung lý tưởng cống hiến như vậy thì tương lai sẽ có không ít bệnh nhân được nối dài sự sống. “Khi nhận ra ý nghĩa thực sự của việc hiến tạng, ta sẽ tạo nên sự cộng hưởng tích cực từ tâm lý đám đông, từ đó giúp lan tỏa mạnh mẽ giá trị sống tích cực đến cộng đồng”, thạc sĩ Hoàng An bày tỏ.