Chỉ trong khuya ngày 27 và rạng sáng ngày 28/9, các kíp trực của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đã không quản ngại mưa bão lên đường cấp cứu, chuyển 7 sản phụ chuyển dạ đến các bệnh viện (có khoa sản) an toàn.
Riêng một trường hợp thai phụ ở khu vực tâm bão, di chuyển nguy hiểm, tổ cấp cứu phải "cầu viện" đến xe thiết giáp của tiểu đoàn Tăng – Thiết giáp (Bộ chỉ huy quân sự TP. Đà Nẵng).
Những ca chuyển dạ trong đêm bão
Từ 20h đêm ngày 27/9, khi cơn bão Noru chỉ còn cách đất liền vài chục cây số thì sức gió của nó đã bắt đầu hoành hành trên đất liền. Các kíp trực của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng tại 7 trạm cấp cứu đóng trên địa bàn TP bước vào "trực chiến". Những cuộc gọi của người dân dồn dập đổ về trung tâm.
Bác sĩ Ngô Thị Phương Thảo – Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 cho biết: "Khi cơn bão Noru đang áp sát đất liền thì các kíp trực của trung tâm nhận được rất nhiều cuộc gọi đề nghị hỗ trợ của người dân. Qua điện thoại, các y, bác sĩ sẽ tư vấn cho những trường hợp bị chấn thương nhẹ hoặc chưa đến mức độ nguy kịch thì có thể đợi đến lúc cơn bão qua vì thời điểm đó, ra đường rất nguy hiểm.
Đối với những trường hợp bị thương nặng, nguy kịch đến tính mạng thì trung tâm khẩn trương điều động xe đi hỗ trợ. Trong đó chủ yếu là các sản phụ đang bước vào giai đoạn chuyển dạ, cần phải cấp cứu gấp".
1h sáng ngày 28/9, khi bão Noru chỉ còn cách bờ biển Đà Nẵng vài cây số thì Trung tâm cấp cứu nhận được cuộc gọi của người dân trên đường Mai Lão Bạng (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đề nghị hỗ trợ cho một sản phụ tên N.T.K.T. (30 tuổi) đang mang thai 38 tuần tuổi.
Chị T. có dấu hiệu chuyển dạ. Lúc này, bão đã vào gần bờ. Gió rít liên hồi. Dọc theo các tuyến đường, cây cối đổ ngả nghiêng. Tuy nhiên, kíp trực 115 vẫn quyết định điều động xe cùng đội ngũ y, bác sĩ đến hỗ trợ.
Sản phụ T.T.T.H. (20 tuổi) được đưa đến bệnh viện cấp cứu bằng xe thiết giáp của Bộ chỉ huy quân sự TP. Đà Nẵng vào rạng sáng ngày 28/9, khi bão Noru đang đổ bộ.
1h20 ngày 28/9,khi sản phụ T. vừa được chuyển đến viện an toàn thì Trung tâm tiếp tục nhận được điện thoại của một sản phụ khác tên T.P.N.Y. (37 tuổi) trên đường An Thượng 18 (quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Đây là khu vực ven biển nên gió rất lớn nhưng thai phụ đã 37 tuần tuổi, đang chuyển dạ nên kíp trực nhận định là trường hợp khẩn cấp, phải điều động xe đi cấp cứu.
Trung tâm cấp cứu 115 đưa một sản phụ đến bệnh viện trong đêm bão.
3h50 ngày 28/9, cơn bão Noru đang quần thảo chính diện trên đất liền Đà Nẵng – Quảng Nam. Hàng loạt cây xanh bị bão bức gốc, nhiều trạm biến áp điện bị phát nổ, mái tôn bay xào xạc… Giữa thời khắc nguy hiểm ấy, Trung tâm lại nhận được điện thoại của người dân trên đường Âu Cơ (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) yêu cầu cấp cứu một thai phụ tên T.T.T.H. (20 tuổi). Chị H. đã mang thai 39 tuần tuổi, là con so nên mức độ gặp nguy hiểm rất lớn.
"Lúc này, trời đang mưa bão rất lớn. Xe của Trung tâm không thể di chuyển an toàn trong điều kiện mưa gió như thế. Sau khi xin ý kiến của lãnh đạo Sở Y tế, chúng tôi đã đề nghị UBND TP hỗ trợ xe thiết giáp của lực lượng Tăng – Thiết giáp đến chở thai phụ đến bệnh viện. Hiện thai phụ đã được chuyển đến bệnh viện Hoàn Mỹ an toàn", bác sĩ Thảo cho hay.
Đó chỉ là 3 trong số 7 trường hợp mà các trạm cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đã tiến hành cấp cứu ngay trong tâm bão Noru. Có nhiều trường hợp, xe cấp cứu phải di chuyển lòng vòng qua nhiều tuyến đường để tránh cây xanh gãy đổ, trụ điện… mới đến được bệnh viện.
Vừa hết dịch lại đến bão
Vừa kết thúc ca trực ngay trong tâm bão Noru, bác sĩ Thảo cười nói: "Vừa hết dịch lại đến siêu bão, anh em cấp cứu làm việc đến đuối sức mất thôi. Cứ chỗ nào có nguy hiểm, anh em cấp cứu lại tiến vào, làm việc hết mình, chỉ mong hỗ trợ được nhiều nhất có thể cho nhân dân".
Trong đêm ngày 27 và rạng sáng ngày 28/9, khi bão Noru đang quần thảo ở Đà Nẵng thì lực lượng cấp cứu 115 đã không quản ngại nguy hiểm cấp cứu cho 7 sản phụ đến bệnh viện an toàn.
Cũng theo bác sĩ Thảo, dù trong hoàn cảnh nào thì anh em y tế cũng không quản ngại hiểm nguy, sẵn sàng lên đường khi có yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, trong câu chuyện với các nhân viên y tế ở Trung tâm thì họ cũng thoáng có chút buồn khi đời sống khó khăn vì đồng lương ít ỏi.
"Chỉ mong các ngành, các cấp chính quyền quan tâm, khích lệ tinh thần của anh, chị em. Vì hai năm chống dịch, bây giờ lại phải đối mặt với mùa mưa bão khốc liệt, anh em rất mong được hỗ trợ về vật chất để đội ngũ cán bộ y tế yên tâm làm việc. Hiện cán bộ y tế chỉ sống bằng lương và phụ cấp, đời sống rất khó khăn...", bác sĩ Thảo nói.
Trong những đợt dịch căng thẳng vừa qua ở Đà Nẵng, lực lượng cấp cứu 115 đóng vai trò then chốt khi trở thành những người "vận chuyển trong tâm dịch". Dù lực lượng mỏng nhưng nhân viên, cán bộ của Trung tâm vẫn có mặt ở khắp các điểm nóng. Vừa vận chuyển những ca dương tính, trường hợp nghi nhiễm đến bệnh viện và các khu cách ly, trung tâm còn có nhiệm vụ "giải phóng" bệnh nhân ở Bệnh viện Đà Nẵng sang các cơ sở y tế khác để "làm sạch" bệnh viện.
Với một khối lượng công việc "khủng" cùng những hiểm nguy thường xuyên phải đối mặt như vậy, những cán bộ, nhân viên y tế 115 xứng đáng nhận được sự sẻ chia, quan tâm hỗ trợ nhiều hơn về tinh thần lẫn vật chất.
Theo Sức khỏe Đời sống
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/xuc-dong-nhat-ky-115-trang-dem-vuot-tam-bao-noru-cap-cuu-cac-san-phu-chuyen-da-a20678.html