'Vỡ trận' tuyển sinh đại học, có trường không tuyển được thí sinh nào

Năm nay do không lường trước được lượng thí sinh đăng ký xét tuyển nên có trường không tuyển được thí sinh nào.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sau khi các thí sinh hoàn tất thủ tục nhập học, từ ngày 1/10 các trường mới được thông báo xét tuyển đợt bổ sung đợt 2 (nếu có). Tuy nhiên ngay sau khi công bố điểm chuẩn, đến nay khoảng gần 90 trường đại học thông báo xét tuyển bổ sung. Không những các trường bất chấp tuyển bổ sung trước thời hạn quy định mà còn tuyển với số lượng lớn chỉ tiêu, ngay cả một số trường công lập lớn cũng tuyển.

Điển hình như Đại học Hùng Vương TP.HCM thông báo tuyển bổ sung hơn 2.045 chỉ tiêu. Trong khi tổng chỉ tiêu theo đề án tuyển sinh của trường là 2.045. Như vậy trong đợt 1, trường không có thí sinh nào trúng tuyển. Mức điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 được trường đưa là 15 điểm cho 11 ngành.

Đại học Xây dựng Miền Tây (Bộ Xây dựng) cũng xét tuyển bổ sung đến 580 chỉ tiêu vào 15 chuyên ngành theo phương thức xét học bạ (điểm sàn 18 điểm) và xét kết quả thi THPT (điểm sàn 14 điểm - thấp nhất hiện nay). Trong khi tổng chỉ tiêu theo đề án tuyển sinh của trường là 800, thì mới có hơn 200 thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển.

Đại học Mỏ - Địa chất (Hà Nội) thông báo xét tuyển bổ sung theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với gần 500 chỉ tiêu cho 22 ngành học. Tổng chỉ tiêu là 3.100, nhưng mới chỉ 2.000 thí sinh xác nhận nhập học đợt 1.

'Vỡ trận' tuyển sinh đại học, có trường không tuyển được thí sinh nào - 1

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2022. (Ảnh minh hoạ: H.A)

Ngay cả các trường đại học khối ngành Y Dược cũng gặp nhiều biến động. Vốn được coi là ngành học hút thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển và số lượng chỉ tiêu cho tuyển bổ sung hàng năm rất ít, thậm chí là hiếm thì năm nay buộc phải tuyển bổ sung hàng nghìn chỉ tiêu.

Đại học Y Dược - Đại học Huế tuyển bổ sung 200 chỉ tiêu cho 5 mã ngành, trong đó ngành Điều dưỡng 100. Đại học điều dưỡng Nam Định xét tuyển bổ sung với tổng 420 chỉ tiêu cho 2 ngành: Điều dưỡng (260 chỉ tiêu); Hộ sinh 160.  Khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng tuyển bổ sung 190 chỉ tiêu. Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên, tuyển bổ sung gần 100 chỉ tiêu...

PGS.TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM nhận định, nhiều trường năm nay bị "vỡ trận" trong tuyển sinh. Ông chỉ ra hai nguyên nhân chính dẫn đến việc các trường ồ ạt tuyển bổ sung. Thứ nhất, sau khi có kết quả lọc ảo cuối cùng của Bộ GD&ĐT, số lượng thí sinh trúng tuyển ít hơn chỉ tiêu tương ứng của ngành mà các trường đã xác định và công bố (thường rơi vào các ngành ít thí sinh đăng ký). 

Thứ hai, sau thời gian xác nhận nhập học trong hệ thống của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học vẫn thấp. Điều này có nghĩa nhiều thí sinh trúng tuyển nhưng không có ý định học. 

Mặt khác, trong các lần lọc ảo trước, Bộ GD&ĐT đều khẳng định tỷ lệ ảo năm nay sẽ thấp, nên các trường không dám gọi tỷ lệ vượt chỉ tiêu nhiều (để trừ hao lượng thí sinh ảo như mọi năm) vì sợ bị phạt.

Đại diện trường Đại học Xây dựng miền Tây cho biết, như các năm trước, Bộ GD&ĐT chỉ lọc ảo và trả điểm chuẩn cho các trường ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Còn lại số thí sinh trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển sớm (học bạ, đánh giá năng lực...) do các trường chủ động quyết định. Điều này giúp các trường cũng nắm được số chỉ tiêu còn lại để xác định điểm sàn và chỉ tiêu xét tuyển ở phương thức xét điểm thi THPT. 

Tuy nhiên năm nay tất cả các phương thức xét tuyển đều được Bộ GD&ĐT lọc ảo chung, các trường hoàn toàn không xác định điểm sàn và điểm chuẩn trước vì không lường được lượng thí sinh ảo ở nhiều phương thức. Điều này vô tình dẫn đến việc các trường đưa mức điểm cao nhưng không tuyển đủ chỉ tiêu, khó khăn nhất vẫn là các trường đại học ở top giữa và cuối.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính từ ngày 18 đến 25/9, hơn 80% thí sinh trúng tuyển đợt 1 đã xác nhận nhập học lên hệ thống tuyển sinh chung và các trường đại học. Hạn cuối trước 17h ngày 30/9.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, đợt xét tuyển năm nay tỷ lệ thí sinh ảo giảm đáng kể so với năm ngoái.

Nguyên nhân có thể do một số thí sinh trúng tuyển nhưng lại không xác nhận nhập học vì nguyện vọng trúng tuyển không phải là nguyện vọng 1 mà chỉ là trúng tuyển ở các nguyện vọng 3, 4… Hoặc có thể trúng tuyển nhưng ngành học có mức học phí quá cao thí sinh không đủ điều kiện theo học nên các em không xác nhận nhập học và chờ cơ hội xét tuyển bổ sung. Tất cả sẽ được Bộ GD&ĐT tổng hợp, phân tích sau khi có dữ liệu đầy đủ.

Theo VTC News

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/vo-tran-tuyen-sinh-dai-hoc-co-truong-khong-tuyen-duoc-thi-sinh-nao-a20554.html