Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Syria, Imran Riza cho biết đợt bùng phát dịch tả này được cho là có liên quan đến việc tưới tiêu cây trồng bằng nguồn nước bị ô nhiễm. Thêm vào đó, người dân đã sử dụng nước không an toàn từ dòng sông Euphrates.
Cơ sở hạ tầng cấp nước bị phá hủy trên diện rộng sau hơn 1 thập kỷ xung đột khiến phần lớn dân số Syria phải sống dựa vào các nguồn nước không an toàn.
Trong 1 tuyên bố mới đây, Bộ Y tế Syria cho biết, qua kiểm tra, đánh giá nhanh đã xác nhận, chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây đã có tới 338 trường hợp mắc dịch tả, với phần lớn các trường hợp tử vong tập trung ở tỉnh phía bắc Aleppo.
Ông Richard Brennan, Giám đốc khẩn cấp Văn phòng khu vực phía đông Địa Trung Hải của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết cơ quan này đã ghi nhận cả những trường hợp tử vong vì căn bệnh này kể từ ngày 25/8. Hầu hết các vụ bùng phát dịch được phát hiện ở khu vực phía bắc Aleppo, với 936 trường hợp được ghi nhận, 25 ca tử vong chiếm 70% tổng số ca nhiễm. Còn ở vùng Deir al-Zor chiếm 20%, một số ít các trường hợp khác được ghi nhận ở rải rác các khu vực trên cả nước.
Theo thông tin từ giới chức y tế Syria, căn bệnh rất dễ lây lan này cũng đã lan sang các khu vực ở phía bắc và tây bắc đất nước, nơi hàng triệu người đã phải di dời vì xung đột trong thập kỷ qua.
Ủy ban Cứu trợ quốc tế (IRC) có trụ sở tại Mỹ cho biết, các trường hợp nghi mắc đã tăng lên 2.092 ca ở vùng đông bắc Syria kể từ khi đợt bùng phát dịch được công bố hồi giữa tháng này.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trước khi bùng phát dịch tả gần đây, cuộc khủng hoảng nước trong khu vực đã kéo theo sự gia tăng các bệnh như tiêu chảy, suy dinh dưỡng và các bệnh về da.
Bệnh tả là một nhiễm trùng cấp tính của ruột non do Vibrio cholerae, tiết ra độc tố gây ra tiêu chảy dữ dội, dẫn đến mất nước, thiểu niệu, và truỵ mạch. Nhiễm bệnh thông thường là qua nước bị ô nhiễm hoặc hải sản.
Bệnh tả được lan truyền qua việc uống phải nước, hải sản, hoặc các thực phẩm khác bị ô nhiễm bởi phân của những người có triệu chứng hoặc không có triệu chứng. Tiếp xúc trong gia đình của bệnh nhân bị bệnh tả có nguy cơ cao bị nhiễm trùng có thể xảy ra thông qua các nguồn thực phẩm và nước bị ô nhiễm. Sự lây truyền từ người sang người ít có khả năng xảy ra hơn vì phải có một số lượng vi khuẩn rất lớn để truyền nhiễm trùng.
T.H.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/bung-phat-dich-ta-nghiem-trong-o-syria-a20492.html