Thương lắm những điểm trường vùng cao
Trơ trọi giữa núi rừng Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam là nơi 54 em học sinh mẫu giáo và tiểu học người dân tộc thiểu số Xơ–đăng của điểm trường Thôn 5 Tu Nấc cùng cô giáo Nguyễn Thị Têu hàng ngày miệt mài đi tìm con chữ. Không điện lưới, không nước sạch, nước sinh hoạt được dẫn từ núi về lúc có lúc không, hành trình học tập của thầy trò nơi đây cũng vì thế càng trở nên gian nan, vất vả hơn.
Thương các con thiếu thốn, cô giáo vượt rừng đi mua thực phẩm từ dưới huyện lên để lo cho các bé từng bữa ăn, giấc ngủ, những mong không đứa nhỏ nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến lớp.
"Từ huyện lên tới đây chắc khoảng 3 tiếng đồng hồ (1 tiếng đi xe máy, 2 tiếng đi leo núi). Thức ăn thì mỗi giáo viên lại tự mua dưới huyện mang lên đây để ăn hàng ngày." - Cô Nguyễn Thị Têu, giáo viên điểm trường Tu Nấc cho biết.
Cũng giống điểm trường Tu Nấc, Ngài Trò là một trong những điểm trường xa xoi và khó khăn nhất của xã Mậu Duệ, Hà Giang. Không có cặp sách hay balô, các em bé Ngài Trò mỗi lần đến trường chỉ khư khư mang theo những túi nilông đựng rau rừng, mèn mén và bình nước được bố mẹ chuẩn bị từ nhà để góp chúng vào bữa trưa của cả lớp.
“Khi được đến các ngôi trường thuận lợi, các con có chỗ ăn chỗ ngủ và gia đình có điều kiện nộp tiền để cho con được ăn trưa, tôi cảm thấy học sinh của tôi quá thiếu thốn, quá khổ. Các con có một hành trình tìm kiếm con chữ vô cùng khó khăn, vất vả.” – cô Nguyễn Thị Tho, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú, Tiểu học Mậu Duệ B, Yên Minh, Hà Giang không kìm được nước mắt khi kể lại.
Để cải thiện thực đơn cho các em, các thầy cô thường liên hệ với các nhà hảo tâm để có thêm thực phẩm. Tuy nhiên, vì trường không có bếp, không bát, không đũa nên các em nhỏ phải chia nhau từng muỗng mì tôm với mèn mén trong nồi.
Để con chữ được thắp sáng trên các điểm trường
May mắn thay, trong năm học mới này, điều kiện sinh hoạt và học tập của các em bé vùng cao như Tu Nấc hay Ngài Trò sẽ được cải thiện. Thông qua chương trình “Cặp lá yêu thương” của Đài Truyền hình Việt Nam, biết được hoàn cảnh khó khăn của điểm trường, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng VPBank đã nhanh chóng hành động. Với 200 triệu đồng tặng mỗi điểm trường, VPBank đã hỗ trợ sang sửa điểm trường, tặng tủ sách và sân chơi cho điểm trường Tu Nấc; đồng thời xây dựng một Bếp ấm tuổi thơ kiên cố, tài trợ khay ăn sạch sẽ và những bữa trưa có giò có thịt, đầy đủ dinh dưỡng cho các bé Ngài Trò trong vòng 1 năm tới.
Nhìn các con lần đầu được thưởng thức một bữa ăn sạch sẽ, ngon lành, cô Nguyễn Thị Tho, hiệu trưởng điểm trường Ngài Trò nghẹn ngào rơi nước mắt: “Chưa bao giờ các con có được bữa cơm như thế này. Miếng giò này là miếng giò đầu tiên các con biết đến.”
Còn cô Nguyễn Thị Têu của điểm trường Tu Nấc không giấu được sự vui mừng khi thấy đàn con thơ lần đầu tiên được biết thế nào là chơi trò thú nhún:”Thật khó để diễn tả hết niềm vui, phấn khởi của cô và trò. Đó là nguồn động viên tinh thần lớn lao để cô trò điểm trường thôn 5 Tu Nấc bước vào một năm học mới đầy háo hức và quyết tâm hơn.”
“Phải đến tận nơi mới thấy được các em bé vùng cao thiệt thòi nhiều như thế nào” đại diện VPBank chia sẻ. “Mong rằng những món quà của VPBank sẽ phần nào giảm bớt những khó khăn, mang lại thêm niềm vui và cảm hứng để các con tiếp tục bám trường, bám lớp, “thắp sáng những con chữ””.
Vị đại diện này cũng cho biết, điểm trường Tu Nấc và Ngài Trò là điểm khởi đầu cho chuỗi thiện nguyện sang sửa trường lớp, xây dựng Bếp ấm tuổi thơ cho các điểm trường vùng cao do ngân hàng VPBank thực hiện với tổng mức tài trợ lên tới 6 tỷ đồng. Đây là chương trình thiện nguyện ghi dấu lần hợp tác tiếp theo của VPBank và VTV sau chuỗi chương trình “Cặp lá yêu thương” – tặng sổ tiết kiệm 100 triệu đồng cho hàng chục trẻ em mồ côi vì COVID-19.
Cùng với “Cặp lá yêu thương”, VPBank thời gian qua cũng liên tục đồng hành cùng chính phủ và các địa phương trong các hoạt động an sinh, xã hội trên khắp mọi miền đất nước với tổng số tiền hỗ trợ lên tới hơn 800 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào hai lĩnh vực giáo dục và y tế. “Với vị thế là một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam, VPBank theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, đề cao trách nhiệm của một doanh nghiệp với xã hội và cộng đồng.’ Đại diện VPBank chia sẻ - “Chúng tôi đang không ngừng nỗ lực chia sẻ và lan tỏa những giá trị thịnh vượng đến với cộng đồng với mong muốn được chung tay xây dựng nên một Việt Nam thịnh vượng.”
Q.A
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/vpbank-va-nhung-ngoi-truong-hanh-phuc-tren-non-cao-a20484.html