Cách sơ cứu nạn nhân sau thảm họa sạt lở đất đá do bão lũ

Tình hình thiên tai, bão lũ đang xảy ra ngày càng phức tạp, một số địa phương phải gánh chịu thảm họa sạt lở đất đá, khiến nhiều người mất tích, đáng buồn hơn khi có cả những ca tử vong vì không được cấp cứu kịp thời. Do vậy cần đặc biệt lưu ý cách sơ cứu nạn nhân sau thảm họa sạt lở đất đá do bão lũ.

Khi có thiên tai như: động đất; sạt lở núi, đất đá, hoặc tình huống trong lao động như sập hầm lò, sập đổ nhà xưởng,…tai nạn bị vùi lấp thường xảy ra. Nạn nhân thường bị đất, đá, bê tông,… vùi lấp toàn bộ hoặc một phần cơ thể, gây nhiều thương tích phức tạp, gây ngạt thở, có thể tử vong nếu không được cứu hộ kịp thời.

Dưới đây là một số kiến thức, kỹ năng cơ bản mà mọi người cần trang bị để sơ cứu cho nạn nhân sau thảm họa sạt lở đất đá do bão lũ.

dientap8-a5a1d-1664104716.jpg
Trang bị kiến thức sơ cứu cho nạn nhân sau thảm hoạ sạt lở đất đá là vô cùng cần thiết. (Ảnh minh hoạ) 

Hội chứng vùi lấp

a. Nguyên nhân

Hội chứng này xảy ra khi có cả một khối lượng đất đá rơi và đổ ập xuống vùi lấp kín cả cơ thể người hoặc phần lớn cơ thể người. Nguy cơ chính do tai nạn gây ra sẽ làm cho người bị ngạt thở vì thiếu không khí; ngoài ra còn có thể bị các tổn thương khác do sự va đập của đá vào người gây gãy xương, sai khớp xương, vỡ dập các cơ quan nội tạng, bị mảng sườn di động...

Tình trạng bệnh lý mảng sườn di động là điều đáng quan tâm, chúng xảy ra do nạn nhân bị gãy 3 xương sườn trở lên, gãy ở cả hai đầu xương và gãy ở các xương sườn liền nhau. Đây là một loại chấn thương nặng phải được nhân viên cứu hộ khám kỹ để phát hiện các thương tổn của phổi và các cơ quan khác ở trong lồng ngực; cần chú ý đến triệu chứng khó thở nặng, hô hấp đảo chiều, thiếu oxy phát triển.

b. Cách sơ cấp cứu

Việc xử trí hội chứng vùi lấp phải được đội cứu hộ tiến hành khẩn trương ngay khi có thảm họa xảy ra.

Cần tổ chức đào bới, giải phóng cơ thể người bị nạn do vùi lấp theo đúng quy định; sơ cấp cứu nhanh chóng tình trạng bị ngạt thở và các tổn thương khác do sự va đập gây gãy xương, sai khớp xương, vỡ dập cơ quan nội tạng; đặc biệt là thương tổn mảng sườn di động vì nguy cơ tử vong cao.

Khi phát hiện nạn nhân bị mảng sườn di động, phải cố định thành ngực bằng kết xương với loại đinh chuyên dụng hoặc treo mảng sườn để cố định; mở khí quản, hô hấp trợ lực, cho thở oxy, thuốc trợ tim mạch...

Nếu phát hiện nạn nhân có tình trạng luồng máu trở về tim phải của hệ tĩnh mạch chủ trên bị đè ép, ứ phù nửa thân trên, rỉ máu dưới da và kết mạc, khó thở; cần phong bế thần kinh giao cảm cổ, ổ gãy xương sườn, cố định thành ngực, cho thuốc trợ tim mạch, hút đờm dãi, thở oxy, mở khí quản...

Tất cả các trường hợp sau khi sơ cấp cứu ban đầu để giúp nạn nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch phải chuyển ngay người bị nạn đến bệnh viện nơi gần nhất có đủ điều hiện để tiếp tục xử trí hồi sức cấp cứu phù hợp nhằm cứu sống nạn nhân.

Hội chứng đè ép chi thể kéo dài

a. Nguyên nhân

Hội chứng này xảy ra trong trường hợp nạn nhân bị sạt lở đất đá vùi lấp một hay nhiều chi thể do một khối trọng lượng rất nặng đè ép liên tục trong 2 - 3 giờ liền hoặc lâu hơn dẫn đến hội chứng Bywater

Hội chứng đè ép chi thể kéo dài hay hội chứng Bywater gây nên do các yếu tố làm đau đớn và sự thoát huyết tương ở chi thể đã được cứu thoát khỏi sự đè ép do bị vùi lấp, sự nhiễm độc các chất tan hủy từ những cơ bị đè ép vỡ nát như: myohemoglobin, creatinin, histamin, adenosin... xâm nhập vào cơ thể nạn nhân.

Vì vậy, thời gian các chi thể bị đè ép càng lâu thì bệnh lý xảy ra càng nặng sau khi thoát khỏi sự đè ép; nếu nhiều khối cơ bị đè ép dập nát thì tình trạng bệnh cũng càng nặng.

Trên lâm sàng cần chú ý 3 thời kỳ xảy ra. Thời kỳ thứ nhất từ khi nạn nhân được cứu thoát khỏi sự đè ép đến ngày thứ 3 có thể bị sốc, rối loạn tuần hoàn và điện giải, chi thể phù nề. Thời kỳ thứ hai xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày 12 biểu hiện trình trạng suy thận cấp; nạn nhân bị thiểu niệu, vô niệu, đi tiểu ra myohemoglobulin, albumin; kali máu tăng. Thời kỳ thứ ba là thời kỳ phục hồi với các di chứng xảy ra từ ngày thứ 9 đến ngày 60; nạn nhân bị viêm cơ, xơ hóa cơ, viêm dây thần kinh.

b. Cách sơ cấp cứu

Việc xử trí hội chứng đè ép chi thể kéo dài, hội chứng Bywater cũng phải được tiến hành khẩn cấp.

Đội cứu hộ thảm họa cần tổ chức đào bới sớm, giải phóng ngay đầu và cổ của nạn nhân; moi hết đất cát ở mũi và miệng ra. Sau đó bới đất đá ở quanh vai, phần ngực trước khi đào bới các phần khác của cơ thể và lôi kéo nạn nhân ra một cách nhẹ nhàng.

Nếu phát hiện thấy nạn nhân đã bị ngạt thở như tím tái, ngừng thở thì ngay sau khi bới hết phần miệng, cổ, ngực phải thực hiện ngay kỹ thuật sơ cấp cứu hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực; đồng thời gọi sự trợ giúp của các cấp cứu viên khác tiếp tục đào bới các phần khác của cơ thể ra.

Có thể tiêm thuốc hỗ trợ tim mạch, nếu nạn nhân còn tỉnh thì cho uống nước đường. Khi cơ thể đã được đào bới hẳn ra khỏi đống đất đá vùi lấp phải để nạn nhân nằm yên, cần khám xét kỹ và xử trí sơ cấp cứu theo kỹ thuật cấp cứu do sức ép sau khi cứu khỏi tình trạng ngạt thở.

Sau khi xử trí sơ cấp cứu nạn nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch phải chuyển ngay nạn nhân đến bệnh viện nơi gần nhất có đủ điều kiện để tiếp tục xử trí điều trị phù hợp với diễn biến bệnh lý xảy ra vào các thời kỳ sau đó.

Ngoài ra, người dân cũng cần lưu ý chủ động  phòng tránh để giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ, lụt gây ra:

Cách phòng tránh lũ, lụt
a. Trước khi xảy ra lũ, lụt

- Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tình hình mưa lũ tại nơi mình đang sống để chủ động đối phó.
- Chuẩn bị thuyền, phao, bè, mảng, vật nổi; gia cố nhà làm gác lửng, lối thoát trên mái nhà để ở tạm, cất giữu đồ đạc đề phòng lũ tiếp tục lên cao.
- Bảo vệ nguồn nước; dự trữ nước uống lương thực, thực phẩm, thuốc men, để đủ dùng ít nhất trong 7 ngày
- Tìm hiểu độ cao của khu nhà của mình đang ở để xác định mức lũ dự báo có khả năng ảnh hưởng đến ngôi nhà của mình hay không.
- Di chuyển cầu dao chính hoặc hộp cầu chì, aptomat và đồng hồ đo điện cao hơn mức lũ được xác định.
- Di chuyển các thiết bị và vật dụng có giá trị ra khỏi các khu vực dễ bị ngập lụt như các tầng thấp hoặc tầng hầm.
- Tìm hiểu cách ngắt điện, gas và nước trong tòa nhà mình ở.
- Chủ động sơ tán khỏi vùng bãi sông, vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét.
- Lưu giữ các số điện thoại và địa chỉ liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.
- Có phương án đề phòng lũ xảy ra vào ban đêm.
b. Trong khi xảy ra lũ, lụt
Theo dõi cập nhật các thông tin liên quan đến lũ, lụt như: Nước dâng nhanh, ngập lụt đường cao tốc, cầu và các khu vực trũng thấp. Khi có cảnh báo lũ, lụt xảy ra tại khu vực mình sinh sống, hãy thực hiện các biện pháp phòng tránh sau:
- Ngay lập tức di tản đến khu vực chú ẩn an toàn có nền đất cao hơn nếu được chính quyền địa phương yêu cầu.
- Tránh xa các khu vực bị ngập lụt, ngay cả khi nước đang rút.
- Không đi bộ, bơi lội hoặc lái xe qua vùng nước đang chảy xiết.
- Đề phòng rắn ở những vùng ngập nước.
- Sử dụng đèn pin thay vì sử dụng thiết bị chiếu sáng bằng ngọn lửa trần (nến, đuốc..) để tìm kiếm đồ trong không gian hạn chế, khu vực bếp gas, vì dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ.
- Hãy đề phòng lũ quét tiềm ẩn.
- Cập nhật những tin tức mới nhất về tình hình mưa lũ thông qua tivi, báo, đài phát thanh…
c. Sau khi xảy ra lũ, lụt
- Thường xuyên để mắt đến trẻ em, không để chúng nghịch nước tại các nơi như cống thoát nước mưa, khe núi hoặc cống rãnh.
- Không sử dụng thực phẩm đã tiếp xúc với nước lũ hoặc thực phẩm đã bị hư hỏng. Sử dụng nước từ các nguồn an toàn (chẳng hạn như nước đóng chai) cho đến khi nguồn nước sinh hoạt của gia đình không còn bị ô nhiễm (đun sôi, khử trùng hoặc chưng cất làm sạch nước).
- Trước khi vào lại ngôi nhà bị hư hỏng do lũ, lụt cần ngắt điện ở hộp cầu chì, aptomat hoặc cầu dao chính cho đến khi ngôi nhà của mình được làm khô an toàn; kiểm tra hệ thống gas; kiểm tra và tìm các nguy cơ có thể xảy ra cháy nổ; kiểm tra sàn nhà, cửa ra vào, cửa sổ và tường xem có vết nứt hoặc các hư hỏng khác để đảm bảo ngôi nhà không có nguy cơ bị sập.
Cách phòng tránh bão
a. Trước khi bão xảy ra

- Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo bão.
- Gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây; xác định ví trí an toàn để trú ẩn; chủ động sơ tán khỏi các nhà không đảm bảo an toàn, vùng ven biển, cửa sông đề phòng nước dâng.
- Dự trữ nước uống, lương thực thực phẩm, thuốc men, các vật dụng cần thiết đủ để dùng ít nhất 7 ngày.
- Nếu không có lệnh sơ tán của chính quyền, hãy tìm nơi trú ẩn trong nhà cho gia đình mình (nơi an toàn nhất khi có bão là phòng bên trong không có cửa sổ). Chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn khi bão về như: Chèn chống các cửa của nhà; loại bỏ những cây, cành bị chết, bị bệnh; xác định các vật dụng trong sân nên mang vào trong nhà; vệ sinh máng nước mưa, gầm cầu thang ngoài, giếng cửa sổ, đường thoát nước, đường ống thoát nước.
- Các thành viên trong gia đình có thể bị chia cắt trong một cơn bão. Hãy chuẩn bị bằng cách lập một Kế hoạch liên lạc, tiếp cận với nhau. Thiết lập một liên hệ bên ngoài khu vực (chẳng hạn như người thân hoặc bạn bè trong gia đình), người có thể điều phối vị trí và thông tin của các thành viên gia đình nếu bạn tách ra.
- Chuẩn bị một bộ đồ dùng cho gia đình (đèn pin, đài radio, quần áo ấm, chăn, bộ sơ cứu, thuốc men, nước đóng chai và thực phẩm không dễ hư hỏng). Các gia đình có trẻ em nên để mỗi trẻ tự tạo gói đồ dùng cá nhân của mình.
b. Trong khi xảy ra bão
- Đề phòng tai nạn do đổ nhà, cây cối, cột điện, các vật bị gió thổi bay, điện giật…
- Không trú tránh dưới gốc cây, cột điện, vật dễ đổ.
- Nên ở trong nhà, nơi chú ẩn không đi ra ngoài, tránh xa cửa sổ và cửa ra vào.
- Chuẩn bị sẵn đèn pin đề phòng mất điện, không sử dụng nến để thắp sáng để tìm kiếm đồ trong không gian hạn chế, khu vực bếp gas, vì dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ.
- Đề phòng lốc xoáy do bão gây ra; nên ở bên trong và ở trung tâm ngôi nhà hoặc tầng hầm.
- Nếu bạn được lệnh sơ tán, hãy mang theo các đồ dùng thiết yếu cho gia đình bạn và di chuyển ngay đến một nơi trú ẩn được chính quyền địa phương sắp xếp.
- Thông tin kịp thời, chính xác vị trí, tình trạng nguy hiểm khi cần cứu nạn, cứu hộ.
c. Sau khi xảy ra bão
- Tiếp tục theo dõi tin tức và cập nhật tình hình thời tiết.
- Chú ý đến các yếu tố nguy hiểm như đường dây điện bị đứt và nước nhiễm điện, vì thông thường khi bão tan khả năng lũ lụt vẫn còn xảy ra.
- Không đến gần hoặc đi vào các tòa nhà đã bị hư hại, ngập nước, tuân thủ theo các biển cảnh báo khi lái xe, không đi vào đường bị ngập nước hoặc có chướng ngại vật (ngay cả với phương tiện lớn), vì phương tiện có thể bị nước cuốn trôi hoặc nguy hiểm./.

t/h

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/cach-so-cuu-nan-nhan-sau-tham-hoa-sat-lo-dat-da-do-bao-lu-a20435.html