Quảng Nam: Lên phương án di dời người trước bão NORU

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4 (NORU) có khả năng đổ bộ vào đất liền với sức gió giật trên cấp 17, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng các phương án ứng phó cụ thể cho từng tình huống.

Cụ thể, tỉnh Quảng Nam đã lên phương án di dời người dân và du khách đối với 2 tình huống là bão mạnh và siêu bão. Đối với tình huống bão mạnh, tỉnh sẽ tổ chức di dời 182.280 người, trong đó di dời tại chỗ 57.753 người; sơ tán 124.700 người. Đối với tình huống là siêu bão, tổ chức di dời 401.901 người, trong đó di dời tại chỗ 111.470 người; sơ tán 290.585 người.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, tỉnh Quảng Nam đã ban hành công điện đề nghị các ngành, ban, địa phương chủ động các phương án phòng, tránh bão số 4, giảm mức thiệt hại thấp nhất trong tình huống bão đổ bộ vào đất liền. 

quang-ngai-1-1664102205.jpg
Các nhà hàng, resort ven biển Hội An dùng bao cát chèn chống nhà cửa để ứng phó với bão NORU. Ảnh: baochinhphu.vn

Hiện nay, các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh có mức chứa khoảng 30-50%, các hồ thủy điện 20-30%; có 19 tàu trong vùng nguy hiểm và các tàu này đang được hướng dẫn di chuyển về phía Nam để tránh trú bão.

Theo cập nhật của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, tình hình mực nước tại các trạm thủy văn hiện nay, tất cả các mực nước tại các trạm thủy văn đều ở mức dưới báo động I. Các đơn vị quản lý các hồ thủy lợi, hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh đều đã chủ động có phương án phòng, tránh khi tình huống bão đổ bộ.

Các địa phương vùng trung du và ven biển trên địa bàn tỉnh cũng đã hoàn tất thu hoạch vụ lúa Hè Thu, riêng một số huyện vùng núi vẫn còn 569ha diện tích lúa nước và 3.501ha diện tích lúa rẫy chưa thu hoạch. UBND tỉnh đã có chỉ đạo tập trung thu hoạch sớm diện tích lúa đến kỳ thu hoạch theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng"…

chang-chong-8-1664102231.jpg
Người dân tháo đồ đạc trên ca nô mang lên bờ tránh bão. Ảnh: daioanket.vn

Ông Lê Công Sỹ, Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết: “Sau khi nhận được thông tin về cơn bão số 4, chính quyền địa phương đã thông báo đến người dân, các chủ nhà hàng, khách sạn và resort ở dọc ven biển Cửa Đại thu dọn đồ đạc đem vào nơi an toàn, đồng thời chằng chống lại nhà cửa, chòi tranh;… để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, chúng tôi thông báo đến ngư dân đưa các tàu thuyền vào bến Cửa Đại để neo đậu. Hiện tại địa phương còn 2 tàu thuyền đang trên đường chạy vào bờ để trú tránh bão”. (Theo daidoanket.vn)

Nhằm giảm thiệt hại khi bão đổ bộ, từ sáng 25/9, Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã huy động lực lượng phối hợp với người dân chằng chống bảo đảm an toàn cho các di tích, nhà bảo tàng văn hóa, đặc biệt là di tích chùa Cầu.

Theo đó, các cán bộ, nhân viên Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã tập kết gỗ, thực hiện việc chống đỡ phần thân cho chùa Cầu; hỗ trợ các hộ dân chằng, chống nhiều di tích, nhà cổ tại khu phố cổ Hội An. 

quang-ngai-2-1664102231.jpg
Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An huy động lực lượng gia cố các hạng mục xuống cấp hư hỏng tại Chùa Cầu - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Hiện tại TP Hội An có 11 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 21 di tích xuống cấp nặng và 13 di tích xuống cấp nhẹ. Trong khi đó, khu vực ven biển của tỉnh Quảng Nam, từ sáng nay, các lực lượng địa phương cùng người dân  dùng các loại dây thừng, dây thép, bao cát để gia cố, chằng chống nhà, mái tôn nhằm hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ.

Để chủ động ứng phó cơn bão số 4, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, sáng nay, chính quyền TP Hội An đã tổ chức cuộc họp về triển khai ứng phó với cơn bão số 4 và lên kế hoạch sơ tán dân nếu bão số 4 đổ vào đất liền vào trúng tâm bão ở địa phương. Ngoài ra, chính quyền TP Hội An đã yêu cầu UBND các xã, phường theo dõi tình hình bão để thông báo cho người dân chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ. (Theo daidoanket.vn)
 

PV

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/quang-nam-len-phuong-an-di-doi-nguoi-truoc-bao-noru-a20434.html