Ngộ độc cấp là một tình trạng ngộ độc xảy ra trong một thời gian ngắn. Bất kỳ một chất độc nào khi lọt vào cơ thể với liều lượng đủ để gây hại cho sức khỏe đều gọi là chất gây độc. Mỗi loại chất độc khi vào cơ thể có tác động khác nhau và gây nguy hại cho các cơ quan nội tạng khác nhau.
Ngộ độc có rất nhiều loại, tùy theo đường xâm nhập của chất độc vào cơ thể và độc tố của chất độc mà ảnh hưởng mức độ khác nhau đối với nạn nhân. Ngộ độc có thể xảy ra rất nhanh ngay sau khi chất độc xâm nhập vào cơ thể như: ngộ độc thức ăn, hóa chất độc hại,…Do đó, trang bị kiến thức về các bước sơ cứu khi bị ngộ độc và xử trí ngộ độc là điều rất cần thiết.
Chất độc vào cơ thể qua 4 con đường
Đường tiêu hóa: nuốt và thẩm thấu vào ruột.
Đường thở: hít vào trong phổi và bị hấp thu.
Đường da, niêm mạc: thấm qua da.
Đường máu: qua da, qua cơ, qua tĩnh mạch
Nguyên nhân thường gặp dẫn tới ngộ độc
Thường gặp trong sinh hoạt: ngộ độc thức ăn, nấm độc, các chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu, bả chuột, uống nhầm thuốc, hoá chất...
Thường gặp trong lao động: hơi, khói độc hại, tia phóng xạ, hoá chất...
Sử dụng thuốc điều trị quá liều, tiêm chích ma tuý gây sốc phản vệ.
Thường gặp trong tự nhiên: Các loại có sẵn độc tố như lá ngón, cá nóc, nấm độc, sứa biển do con người vô tình hoặc chủ động sử dụng hoặc tiếp xúc bị ngộ độc. Một số loài vật, côn trùng có nọc độc như: rắn, mèo, chó dại, ong, bọ cạp ... gây ngộ độc sau khi cắn đốt.
Dấu hiệu nhận biết trường hợp ngộ độc
Khi bị ngộ độc qua các con đường khác nhau nạn nhân sẽ có những biểu hiện đặc trưng, cụ thể như sau:
a. Ngộ độc đường tiêu hóa:
Đau bụng
Nôn, buồn nôn
Tiêu chảy nhiều lần
Bỏng kèm theo nếu ngộ độc hóa chất
Các dấu hiệu toàn thân khác:
Đau đầu, kích động, nổi ban đỏ toàn thân, lưỡi sưng to, có thể bất tỉnh,…
b. Ngộ độc đường thở:
Khó thở
Hoa mắt chóng mặt
Tím tái
Có thể ngừng thở, bất tỉnh hoặc bị kích động
Các dấu hiệu toàn thân khác
c. Ngộ độc do tiếp xúc da, niêm mạc
Thường do hóa chất, chất tẩy rửa, động vật (sứa)
Tại chỗ tiếp xúc: sưng, nóng, rát, đỏ, đau, có thể có nốt phỏng.
Dấu hiệu toàn thân khác
d. Ngộ độc qua đường máu
Do tiêm, động vật côn trùng cắn đốt
Dấu hiệu tại chỗ: Sưng nóng đỏ tại chỗ tiêm, có thể có vết cắn/đốt ở da.
Toàn thân: Dấu hiệu choáng, sốc phản vệ do thuốc, có thể bất tỉnh hoặc kích động, ngừng thở, ngừng tim/tử vong ngay
e. Ngoài ra một số chất độc có thể gây các dấu hiệu đặc trưng
Giãn đồng tử có thể do nhiễm photpho, hữu cơ, một số nấm độc.
Co đồng tử có thể do một số nấm
Sơ cấp cứu khi ngộ độc
Trong khi chờ sự trợ giúp y tế, với từng trường hợp ngộ độc mà ta có thể thực hiện các bước sơ cứu khác nhau. Trong quá trình sơ cấp cứu cho bệnh nhân ngộ độc, cần phải dựa vào những triệu chứng và độ tuổi của người bệnh, cũng như loại chất gây ngộ độc và mức độ nhiễm độc để tiến hành chính xác các bước sơ cứu khi bị ngộ độc.
Trường hợp nuốt phải chất độc: Loại bỏ tất cả tạp chất còn sót lại trong miệng của nạn nhân. Nếu nghi ngờ chất độc là chất tẩy rửa gia dụng hoặc một số loại hóa chất khác, cần đọc thông tin trên nhãn của bao bì và làm theo hướng dẫn xử trí ngộ độc do tai nạn nếu có.
Trường hợp chất độc trên da: Cởi bỏ quần hoặc áo đã bị dính chất độc bằng găng tay. Rửa sạch da trong vòng 15 - 20 phút dưới vòi nước chảy.
Trường hợp chất độc trong mắt: Nhẹ nhàng rửa mắt bằng nước mát hoặc nước ấm trong ít nhất 15 phút hoặc cho đến khi có sự giúp đỡ từ các nhân viên y tế.
Trường hợp hít phải chất độc: Đưa nạn nhân vào nơi có không khí trong lành càng sớm càng tốt; Nghiêng đầu nạn nhân sang một bên nếu có nôn để tránh nghẹn; Bắt đầu hô hấp nhân tạo nếu người bị ngộ độc không có dấu hiệu của sự sống, chẳng hạn như cử động, thở hoặc ho; Gọi cho bệnh viện hoặc trung tâm kiểm soát chất độc trong khu vực để được hướng dẫn thêm; Mang chai, gói thuốc hoặc bao bì có nhãn và tất cả thông tin có liên quan đến chất độc để gửi cho đội cứu thương cùng với nạn nhân.
Nguy cơ gặp phải khi bị ngộ độc
Nếu nạn nhân bị ngộ độc nhẹ sẽ gây ảnh hưởng sức khỏe do tác động của chất độc vào các cơ quan nội tạng như phổi, dạ dày, gan, ruột...
Nếu trường hợp nạn nhân bị ngộ độc nặng, đặc biệt như ngộ độc do hóa chất có thể để lại di chứng về thể chất/tinh thần.
Trường hợp ngộ độc nặng hơn nữa sẽ dẫn tới tử vong.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 8/2022, chỉ tính riêng ngộ độc thực phẩm cả nước đã xảy ra 9 vụ với 165 người bị ngộ độc (giảm 4 vụ ngộ độc và tăng 80 người bị ngộ độc so với tháng 7/2022). Như vậy, tính chung 8 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm với 522 người bị ngộ độc, trong đó có 11 người tử vong. Vì vậy, mỗi người càng cần phải tự trang bị kiến thức và những cách sơ cấp cứu cần thiết để có thể kịp thời cứu giúp những người xung quanh chúng ta có biểu hiện của ngộ độc.
t/h
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/so-cap-cuu-ngo-doc-cap-a20392.html