Theo đó, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia rất quan tâm và chú trọng công tác bảo hộ công dân trước tình trạng nhiều công dân Việt Nam bị lừa đảo, môi giới lao động bất hợp pháp sang Campuchia.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo sát sao; đồng thời các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia cũng tích cực, chủ động làm việc với cơ quan chức năng nước bạn để rà soát, mở rộng hơn nữa việc điều tra, xác minh và giải cứu công dân Việt Nam bị lừa đảo, môi giới sang Campuchia lao động bất hợp pháp.
Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã chủ động phối hợp rất hiệu quả với các cơ quan trong nước như Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) và các địa phương có liên quan như: Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh và Long An; tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác minh và tiếp nhận công dân Việt Nam sau khi được giải cứu về nước.
Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, tính đến ngày 21/9, phía Việt Nam đã phối hợp cùng phía Campuchia giải cứu hơn 1.000 công dân, hỗ trợ làm thủ tục cho hàng nghìn công dân khác. Đặc biệt, từ đầu tháng 9, khi Campuchia mở chiến dịch truy quét các tổ chức tội phạm giam giữ, ép buộc người lao động bất hợp pháp, số lượng công dân Việt Nam được cơ quan đại diện cùng với phía Campuchia giải cứu đã lên tới khoảng 400 người.
Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Thời gian tới, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước, các địa phương có liên quan và phía Campuchia để triển khai các biện pháp tăng cường công tác lãnh sự, bảo hộ công dân tại Campuchia; kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đưa về nước các công dân bị lừa đảo, môi giới lao động bất hợp pháp và quan trọng nhất, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam".
Gần đây nhất vào khoảng 14 giờ ngày 17/9, nhóm lao động người Việt khoảng 60 người mâu thuẫn với chủ nên đã lợi dụng mưa lớn, bỏ chạy về hướng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (H.Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh). Trong đó, có 4 người bị bắt trở lại.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã liên hệ với các cơ quan chức năng của Campuchia để làm thủ tục để tiếp nhận và đưa người về nước. Đồng thời đề nghị phía Campuchia can thiệp, giải cứu những người còn lại.
Sau đó, lực lượng chức năng Campuchia đã yêu cầu casino trên giao nộp thêm 15 công dân Việt Nam, nâng tổng số người liên quan tới vụ việc lên con số 71 người.
T.H.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/giai-cuu-900-lao-dong-nguoi-viet-o-campuchia-chi-trong-thang-9-a20308.html