Ông Đoàn Lương, ở thôn Đầu Kênh, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong cho biết, trước đây, nhà của ông còn cách bờ sông vài ba chục mét, phía trước còn có con đường bê tông chạy dọc bờ sông. Bây giờ, bờ sông đã lở sát vào nhà.
Ông Đoàn Lương lo sợ, nếu không làm kè bảo vệ thì nay mai căn nhà ông sẽ không còn: “Mức độ sạt lở hàng năm xảy ra liên tục, năm này rồi đến năm khác, sạt lở lần vào, ảnh hưởng luôn cả tuyến đường này. Con đường này mỗi lần lụt là nước tràn qua rất mạnh, rất nguy hiểm cho tính mạng người dân. Mỗi lần có lũ là lo báo động trước để bà con phòng tránh”.
Theo ông Võ Sính, Chủ tịch UBND xã Triệu Long, trước đây, một số đoạn được Nhà nước đầu tư làm kè chống sạt lở nhưng do chỉ làm rọ thép, thả đá hộc xuống kè tạm nên qua nhiều đợt mưa lũ, bờ kè lại bị cuốn trôi: “Dân ở đây di dời cũng khó, không có quy hoạch đất ở nên rất khó cho địa phương. Nhà đất tổ tiên ông bà để lại, họ đã trồng cây xây dựng nhà kiên cố rồi vì vậy chỉ còn cách làm kè kiên cố để giữ đất và bảo vệ nhà ở”.
Tại tỉnh Quảng Trị, hơn 130 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở, trong đó 22 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm và 75 km sạt lở nguy hiểm. Trong vòng 10 năm qua có khoảng 350 héc ta đất sản xuất dọc 2 bên bờ sông bị cuốn trôi, hơn 4.500 hộ dân bị ảnh hưởng. Nhiều khu vực sạt lở ảnh hưởng trực tiếp và gây mất an toàn đến hệ thống hạ tầng cơ sở, trong đó có các tuyến giao thông, đê điều và các công trình văn hóa khác.
Ông Lê Đình Lễ, Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cho biết, sau mỗi đợt lũ là phát sinh thêm nhiều điểm sạt lở mới: “Hiện nay, trên địa bàn huyện, các điểm sạt lở tương đối nhiều do thiên tai hàng năm thay đổi nghiêm trọng. Phòng cũng đề xuất huyện cấp ngân sách gia cố, sửa chữa các điểm xung yếu”.
Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hơn 53km kè chống sạt lở dọc bờ sông, bờ biển, trồng cây chắn sóng, bảo vệ hơn 70 ha đất canh tác, khu dân cư dọc các tuyến đê cửa sông và đê biển. UBND tỉnh Quảng Trị cũng phê duyệt Đề án “Ứng phó tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh đầu tư hơn 720 tỷ đồng làm 34km kè chống sạt lở tại các khu vực đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm. Giai đoạn 2026-2030, đầu tư thêm gần 700 tỷ đồng làm 64 km kè chống sạt lở tại các khu vực nguy hiểm còn lại.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, trong khi chờ đầu tư làm kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư, trước mùa mưa lũ hàng năm, các địa phương chủ động phương án đảm bảo an toàn khu dân cư: “Trước mùa mưa bão, sắp tới, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn cứu hộ tỉnh cũng có những đợt kiểm tra, dự báo, có những giải pháp để phòng tránh giảm nhẹ thiên tai ở mức cao nhất. Đề nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, ứng phó với lũ quét, lũ ống xảy ra bất thường”./.
Đình Thiệu
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/dan-song-ben-bo-sat-lo-nom-nop-lo-so-khi-lu-ve-a20304.html