Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, hoạt động phối hợp, hiệp đồng giữa Cảnh sát biển với các cơ quan, ban ngành, lực lượng, địa phương liên quan đóng vai trò quan trọng, là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi phải được thực hiện chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ và hiệu quả.
Thực tiễn, mặc dù vùng biển Việt Nam có nhiều lực lượng chức năng hoạt động, song biên chế, tổ chức, phương tiện, trang bị các lực lượng còn mỏng so với diện tích vùng biển phải quản lý, bảo vệ; công tác phối hợp giữa Cảnh sát biển Việt Nam với lực lượng khác dù đã đạt được những kết quả nhất định song vẫn tồn tại một số điểm hạn chế như: hoạt động phối hợp có thời điểm hiệu quả chưa cao, chưa đi vào chiều sâu, cơ bản mới dừng lại ở trao đổi thông tin, đánh giá, dự báo tình hình, trao đổi kinh nghiệm; việc phối hợp, hỗ trợ thực thi nhiệm vụ trực tiếp trên biển, nhất là xử lý các tình huống chưa nhiều.
Xuất phát từ những lý do trên, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam là nghiên cứu, rà soát, đánh giá và thu hút các quy định pháp luật về phối hợp có giá trị trong thực tiễn vào Luật. Theo đó, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 đã cụ thể hóa các quy định về công tác phối hợp giữa Cảnh sát biển Việt Nam với cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng trong Chương IV, gồm 4 Điều (từ Điều 22 đến Điều 25) quy định về phạm vi phối hợp, nguyên tắc phối hợp, nội dung phối hợp và trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phối hợp hoạt động đối với Cảnh sát biển Việt Nam.
Việc Luật Cảnh sát biển Việt Nam dành riêng một chương quy định rõ nguyên tắc, phạm vi, phối hợp hoạt động giữa Cảnh sát biển Việt Nam với các cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng thuộc Bộ, ngành, chính quyền địa phương thể hiện tầm quan trọng của công tác phối hợp; tạo nền tảng pháp lý cho các lực lượng phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật trên biển.
Về nguyên tắc phối hợp, Điều 23 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định rõ:
1. Việc phối hợp phải trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật; không làm cản trở hoạt động hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển.
2. Cảnh sát biển Việt Nam và cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp phối hợp để giải quyết kịp thời các vụ việc và hỗ trợ nhau thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.
3. Bảo đảm sự chủ trì, điều hành tập trung, thống nhất, giữ bí mật thông tin về quốc phòng, an ninh và biện pháp nghiệp vụ của cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng trong quá trình phối hợp.
4. Bảo đảm chủ động, linh hoạt, cụ thể và hiệu quả, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì, phối hợp.
5. Trên cùng một vùng biển, khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng thì cơ quan, tổ chức, lực lượng nào phát hiện trước phải xử lý theo thẩm quyền do pháp luật quy định; trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình thì chuyển giao hồ sơ, người, tang vật, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật cho cơ quan, tổ chức, lực lượng có thẩm quyền chủ trì giải quyết. Cơ quan, tổ chức, lực lượng tiếp nhận có trách nhiệm thông báo kết quả điều tra, xử lý cho cơ quan, tổ chức, lực lượng chuyển giao biết.
Trên cơ sở hành lang pháp lý là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành ban hành để điều chỉnh các quan hệ phối hợp liên quan đến Lực lượng Cảnh sát biển, nhất là Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã đẩy mạnh triển khai toàn diện các nội dung phối hợp, thường xuyên, tích cực tổ chức hoạt động phối hợp trên tất cả các mặt công tác và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Trong trao đổi, cung cấp thông tin: Cảnh sát biển đã thiết lập mối quan hệ với các địa phương ven biển và hầu hết các lực lượng thuộc bộ, ngành liên quan, đảm bảo việc trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình trên biển luôn nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Tiêu biểu như: phối hợp với Bộ Công an để trao đổi thông tin về tình hình vi phạm pháp luật trên biển; với Cục Hàng hải, Cục Đăng kiểm thuộc Bộ Giao thông Vận tải để trao đổi thông tin về an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường, cứu hộ cứu nạn trên biển; với Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương ven biển về chống vi phạm IUU; với Hải quan trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển… Đặc biệt, với các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng, các quân khu ven biển, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân, Binh chủng Thông tin liên lạc, Bộ đội Biên phòng: Cảnh sát biển đã phối hợp trao đổi, cung cấp nhiều thông tin hữu ích liên quan đến bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia. Qua đó, bảo đảm thống nhất trong nhận định, đánh giá tình hình và tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền phương án, biện pháp xử lý nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật, đúng đối sách các tình huống, vụ việc xảy ra trên biển.
Trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển: Bên cạnh việc chủ động các hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát độc lập theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Cảnh sát biển đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành khác kịp thời triển khai lực lượng, phương tiện trên thực địa, ứng phó hiệu quả với các tình huống phức tạp, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển. Tiêu biểu là các hoạt động phối hợp, hiệp đồng với Quân chủng Hải quân tổ chức tuần tra, kiểm soát, trực canh tại các khu vực biển trọng điểm, xua đuổi hàng nghìn lượt/chiếc tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam, đấu tranh ngăn chặn các hành vi thăm dò, nghiên cứu khoa học, đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Việt Nam; phối hợp tổ chức hàng nghìn lượt tàu thuyền làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các hoạt động kinh tế của Việt Nam trên biển; phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong giải quyết tình hình tàu thuyền ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển ký quy chế phối hợp với Ủy ban Nhân dân 28 tỉnh, thành phố ven biển thực hiện huy động nhân lực, tàu thuyền dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển.
Trong điều tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật: Trước tình hình vi phạm pháp luật trên biển có chiều hướng gia tăng, đa dạng về hành vi, tinh vi về thủ đoạn, xuất hiện nhiều vụ việc liên quan đến yếu tố nước ngoài hoặc có mối liên hệ mật thiết với cá nhân, tổ chức trên đất liền. Cảnh sát biển đã chú trọng phối hợp với các lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan trong phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên biển, đồng thời nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp. Nhiều vụ án lớn về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại trên biển và địa bàn liên quan được phát hiện, xử lý; hay việc bắt giữ thành công các vụ cướp có vũ trang là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Cảnh sát biển và các lực lượng.
Trong tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục sự cố và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển: Với ưu thế về tàu thuyền, phương tiện kỹ thuật hiện đại, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm, khả năng hoạt động dài ngày trên biển, thời gian qua, Cảnh sát biển đã chủ động tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quân, Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng thực hiện các yêu cầu, mệnh lệnh của Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn Quốc gia và Bộ Quốc phòng; tổ chức phương tiện, lực lượng tìm kiếm, cứu nạn được hàng trăm tàu thuyền, hàng ngàn người bị nạn. Hầu hết các vụ việc đều xảy ra ở vùng biển xa, trong điều kiện khó khăn, thời tiết phức tạp.
Trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân hoạt động trên biển: Đây là mảng phối hợp nổi bật của Lực lượng trong thời gian gần đây. Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển đã ký kết quy chế phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy của 12 tỉnh thành ven biển; ký kết và triển khai thực hiện mô hình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo” tại 13 xã (huyện) đảo trên địa bàn 11 tỉnh thành; ký kết quy chế phối hợp với 20 cơ quan thông tấn báo chí; chủ trì, phối hợp hiệu quả với chính quyền các địa phương trên cả nước tổ chức hàng ngàn buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phát tờ rơi, sách pháp luật cho hàng trăm nghìn lượt người dân thuộc nhiều đối tượng, thành phần, độ tuổi khác nhau; vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, giữ vững ANTTAT biển, đảo Tổ quốc.
Trong một số hoạt động khác, công tác phối hợp cũng được Cảnh sát biển chú trọng thực hiện như: phối hợp nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp trong giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ; hợp tác quốc tế với lực lượng thực thi pháp luật của các nước trong khu vực; phối hợp thực hiện các hoạt động công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường biển, xây dựng địa bàn đóng quân an toàn…
Để thực hiện nghiêm các quy định về công tác phối hợp theo Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018, việc tăng cường và phát huy sức mạnh tổng hợp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và các lực lượng trong quản lý nhà nước về ANTTAT trên biển đã trở thành một yêu cầu tất yếu, khách quan và cấp thiết. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước trên biển trong bối cảnh tình hình mới.
Mai Phương