Hàng loạt tình huống pháp lý quanh vụ chữa tự kỷ, trả tro cốt ở Huế

Vụ chữa bệnh, trả tro cốt ở Huế còn rất nhiều uẩn khúc, từ đây cũng đặt ra hàng loạt tình huống pháp lý liên quan.

Vụ "nhận chữa tự kỷ, trả tro cốt” khiến dư luận xôn xao suốt những ngày qua, không chỉ bởi tính chất nghiêm trọng, hy hữu mà còn vì những uẩn khúc chưa được làm sáng tỏ.

Xác định yếu tố liên quan đến cái chết của cháu bé

Sáng 20/9, Công an tỉnh Lâm Đồng cho hay vẫn đang tập trung điều tra vụ việc liên quan đến ông L.M.Q. (thường trú tại phường Xuân Phú, TP Huế, tạm trú tại TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) - người bị tố cáo nhận chữa bệnh tử kỷ cho một cháu bé ở Huế, nhưng sau 25 ngày mang trả gia đình hũ tro cốt và nói rằng đây là tro cốt của cháu bé.

Khi vụ việc trên còn chưa được làm sáng tỏ, mới đây lại có thêm một gia đình ở Huế tố cáo ông Q. có dấu hiệu bạo hành con trai họ (bé trai 9 tuổi).

Trước đó 5 năm, bé trai được gia đình gửi tới cơ sở của ông Q. để chữa bệnh tự kỷ, với chi phí lúc đầu là 50 triệu đồng/tháng, sau đó tăng lên 100 triệu đồng/tháng. Khi được trả về cho gia đình, trên cơ thể bé trai có nhiều thương tích.

Hàng loạt tình huống pháp lý quanh vụ chữa tự kỷ, trả tro cốt ở Huế 1

Ông Q. và người phụ nữ mang hũ tro cốt của cháu Q. đến giao cho gia đình. Ảnh: N.H

Theo luật sư Trần Viết Hà, Công ty Luật TNHH MTV Nam Sơn (thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM), trong vụ việc thứ nhất (liên quan đến việc ông Q. khai cháu bé tử vong do COVID-19 nên ông Q. mang đi thiêu rồi trả lại tro cốt cho gia đình), cơ quan điều tra sẽ làm rõ các yếu tố liên quan đến cái chết của cháu bé; việc hành nghề chữa bệnh không có giấy phép; việc đưa cháu bé đi thiêu (như lời khai)...

Đồng thời, làm rõ sự liên quan của bà C.T.T.B. (SN 1983, ngụ thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk), là người giúp việc cho ông Q....

Hàng loạt tình huống pháp lý quanh vụ chữa tự kỷ, trả tro cốt ở Huế 2

Theo cơ quan chức năng, ngồi nhà tại chỉ số 54/39 đường Phan Chu Trinh (thuộc tổ dân phố 4B, phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) không được cấp phép khám chữa bệnh.

Luật sư Hà phân tích, căn cứ Luật khám chữa bệnh, trường hợp giáo dục trẻ tự kỉ mà có sử dụng thuốc hoặc các hoạt động liên quan đến khám chữa bệnh thì phải do tổ chức khám chữa bệnh được cấp phép. Người tổ chức cũng phải có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp.

Cơ sở giáo dục phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trình độ năng lực của giáo viên và phải có giáo trình tài liệu giảng dạy theo đúng quy định. Nếu điều trị trẻ tự kỷ bằng biện pháp can thiệp y tế, phải tuân thủ các quy định của Luật khám chữa bệnh. Nếu thực hiện hoạt động giáo dục, phải tuân thủ quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong khi đó, căn cứ theo thông tin công bố, địa phương chưa cấp phép cho cơ sở ông Q. thuê để chữa bệnh tự kỷ.

Ông Q. cũng đưa ra những thông tin có dấu hiệu gian dối về kỹ năng, cơ sở khám chữa bệnh (du học, ở biệt thự, có nhiều nhân viên phụ giúp...) để nhận tiền của gia đình nhưng không điều trị bệnh và gây các hậu quả nghiêm trọng (trẻ bị tử vong, tự mang thiêu thi thể...).

"Trường hợp này có thể cấu thành tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, được quy định tại điều 315 Bộ Luật Hình sự. Nếu làm chết 1 người thì khung hình phạt là từ 1- 5 năm tù", Luật sư Hà nhận định.

Cũng theo luật sư, căn cứ thông tin từ lời khai ban đầu của ông Q., cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ cháu bé có mắc bệnh COVID-19 hay không. Nếu cháu bé mắc bệnh, việc điều trị được thực hiện như thế nào, đặc biệt là làm rõ nguyên nhân cháu bé tử vong.

“Theo quy định, người mắc bệnh COVID-19 có trách nhiệm phải thông báo cho cơ sở y tế ở địa phương. Trường hợp cháu bé đang trong cơ sở chữa bệnh, nếu mắc bệnh và tử vong phải trình báo sự việc với cơ quan chức năng.

Việc cháu bé mắc bệnh, tử vong mà cơ quan chức năng không biết, sau khi hỏa táng một cách vội vã mới báo cho gia đình, đây là vấn đề bất thường, cần phải làm rõ.

Trường hợp có căn cứ cho thấy những thông tin mà người chữa bệnh cho cháu bé đưa ra là không đúng sự thật, cháu bé tử vong không phải là do mắc bệnh, cơ quan điều tra có thể sẽ khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm đến tính mạng của trẻ em.

Trong trường hợp, nếu kết quả xác minh cho thấy cháu bé tử vong do bị hành hạ, đánh đập hoặc có hành vi khác xâm phạm đến tính mạng của cháu bé, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội giết người”, luật sư Hà phân tích

Cùng phân tích đến vụ việc trên, luật sư Dương Lê Sơn, Văn phòng luật sư Lê Sơn (Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk) nhìn nhận: Nếu ông Q. nhận chữa bệnh cho cháu Q. với số tiền “khủng”, nhưng sau 1 tháng trả tro cốt thì rõ ràng ông Q. có dấu hiệu phạm tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Khung hình phạt đối với tội danh này lên đến 7 năm tù.

Làm rõ vai trò người giúp việc

Cũng theo luật sư Hà, đến nay bà B. đã có những lời khai ban đầu, nhưng có thể lời khai có nhiều điểm bất thường.

Cụ thể, chính bà B. cùng ông Q. đón cháu bé từ khách sạn về và chính bà B. là người giúp việc, đồng thời là người mua thuốc điều trị COVID-19 cho cháu bé. Nhưng tới khi không thấy sự xuất hiện của cháu bé thì bà B. lại không có bất kỳ nghi ngờ nào?

Đồng thời, trong suốt thời gian diễn ra tiếp đó cả 2 đi ô tô ra TP Huế, nếu là người giúp việc thì bà B. phải biết ông Q. đang chịu trách nhiệm chăm sóc cháu bé. Vậy tại sao cháu bé không đi cùng, bà B. vẫn không phản ứng?

Những điểm này cơ quan điều tra cần tiếp tục làm rõ để xác định được thực sự bà B. có liên quan đến vụ việc của ông Q. hay không.

Nếu xác định bà B. đã giúp sức cho hành vi phạm tội của ông Q. thì khi đó cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội giết người để điều tra hành vi phạm tội của ông Q.. Đồng thời, xem xét bà B. với vai trò đồng phạm giúp sức ông Q. thực hiện hành vi phạm tội.

Ngược lại, nếu như bà B. không liên quan đến các hành vi của ông Q. nhưng vẫn chứng minh được bà B. biết các hành vi của ông Q. mà không trình báo, bà B. vẫn có thể bị khởi tố để điều tra với tội danh che giấu tội phạm. Khung hình phạt với tội danh này là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm, tùy tính chất, mức độ của hành vi phạm tội.

Anh N. sống ở Huế, cách đây vài năm có quen với ông Q., cũng là người Huế nhưng hiện sống ở Lâm Đồng. Ông Q. giới thiệu từng chữa khỏi bệnh cho nhiều em nhỏ chậm phát triển.

Đến năm 2022, cháu M.Q (con trai anh N.) có dấu hiệu của bệnh chậm phát triển (chậm biết nói và biết đi so với các bạn đồng trang lứa) nên anh N. liên hệ với ông Q. và người này nói rằng cần chữa trị sớm, “nếu không cháu bé sẽ bị điên”.

Ông Q. khẳng định trong vòng 2 năm sẽ chữa khỏi bệnh cho con trai anh N. nhưng phải đưa cháu đến cơ sở điều trị nội trú của ông ở TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Mức phí chữa bệnh mà gia đình phải trả cho ông Q. là 200 triệu đồng/tháng và gia đình phải ứng trước số tiền là 600 triệu đồng.

Lạ một nỗi, trong thời gian điều trị, gia đình không được tìm gặp con mình và ông Q. cũng bảo mật luôn nơi mà ông này gọi là cơ sở chữa bệnh. Mọi giao dịch giữa gia đình anh L. và ông Q đều diễn ra tại khách sạn hoặc qua mạng xã hội.

Đột nhiên, khoảng 11h ngày 27/3/2022, vợ chồng ông Q. ra Huế giao cho vợ chồng anh N. hũ tro cốt và nói là tro cốt của cháu M.Q., dù trước đó, ông Q. không hề thông báo gì về cái chết của cháu với gia đình anh N.

Khai với cơ quan công an, ông Q. cho biết cháu M.Q tử vong do COVID-19, và việc không báo cho chính quyền hay gia đình cháu bé là do… sợ. Việc đưa thi thể cháu bé đi thiêu là do ông Q. một mình thực hiện.

Theo báo Giao thông

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/hang-loat-tinh-huong-phap-ly-quanh-vu-chua-tu-ky-tra-tro-cot-o-hue-a20151.html