Quy định về hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển trong Luật Cảnh sát biển Việt Nam

Hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển là một trong những nhiệm vụ quan trọng để lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực thi pháp luật trên biển, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Thông qua hoạt động này, lực lượng Cảnh sát biển sẽ kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên biển.

Trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát biển đã trực tiếp làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì an ninh trên các vùng biển, thềm lục địa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phòng, chống có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, xâm phạm chủ quyền... Cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức hàng nghìn lượt tàu, thuyền làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển; thực hiện hoạt động bảo vệ an toàn cho các hoạt động kinh tế của Việt Nam trên biển; tuyên truyền pháp luật, yêu cầu hàng chục nghìn lượt tàu nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam; phát hiện hàng trăm tàu, thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền, xử lý theo pháp luật; kiên quyết ngăn chặn và phối hợp với các lực lượng liên quan xử lý tốt các tình huống xảy ra, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển.

image001-1663605619.jpg
Tổ công tác kiểm tra hàng hóa trên tàu.

Tuy nhiên, những năm gần đây, trên biển nói chung, Biển Đông nói riêng đang diễn biến hết sức phức tạp, ngoài các mối đe dọa, thách thức từ an ninh truyền thống, còn xuất hiện các mối đe dọa, thách thức từ an ninh phi truyền thống tác động trực tiếp đến trật tự, an toàn, lợi ích và hòa bình của các quốc gia có biển, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, việc tranh chấp chủ quyền, vi phạm lãnh hải, cướp biển, buôn lậu, gian lận thương mại, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và những hành động coi thường luật lệ quốc tế, Luật biển,… đang tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh trên biển. Điều này đòi hỏi sự gia tăng về hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của lực lượng thực thi pháp luật về cả chất và lượng trên vùng biển Việt Nam.

Trong khi đó, hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát biển trước năm 2018 chủ yếu dựa trên Pháp lệnh Cảnh sát biển năm 1998 và hiến pháp 2013 nay đã thể hiện những bất cập trong tình hình mới.

Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 ra đời đã kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, yêu cầu và nhiệm vụ mới, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực thi nhiệm vụ, tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm thực hiện theo nguyên tắc ngăn chặn, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển.

Để luật định hóa và cụ thể hóa hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Lực lượng Cảnh sát biển, ngày 11/02/2019, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 15/2019/TT-BQP quy định quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam.

Thẩm quyền quyết định lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, lần lượt là: Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam quyết định người chỉ huy, thành phần và trang bị của lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát thuộc các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển Việt Nam khi tình hình trên biển phức tạp, có yếu tố nước ngoài, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều địa bàn, nhiều lực lượng; Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển quyết định người chỉ huy, thành phần và trang bị của lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các đơn vị thuộc quyền thực hiện trong vùng biển quản lý.

Cục trưởng Cục nghiệp vụ và Pháp luật quyết định người chỉ huy, thành phần và trang bị của lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các cơ quan thuộc quyền trong thực hiện nhiệm vụ. Người chỉ huy lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát là cán bộ chỉ huy biên đội trong trường hợp hoạt động theo đội hình biên đội tàu, xuồng hoặc là thuyền trưởng theo đội hình đơn tàu, xuồng.

Lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát Cảnh sát biển gồm: Cán bộ, chiến sĩ biên chế trên tàu, xuồng và máy bay của Cảnh sát biển Việt Nam; cán bộ, chiến sĩ nghiệp vụ pháp luật, lực lượng phối thuộc hoặc phối hợp và người được huy động. Phương tiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, gồm: tàu, xuồng, máy bay và các trang bị trong biên chế của Cảnh sát biển Việt Nam

image001-1663820848.jpg
Lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 kiểm tra hàng hóa trên tàu vi phạm

Thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát theo luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018. Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức điều động, sử dụng hàng trăm lượt chiếc tàu, xuồng hoạt động trên biển. Qua tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, đã kịp thời phát hiện, tuyên truyên, yêu cầu gần một nghìn chiếc tàu cá nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam theo đúng chủ trương, đối sách; ghi số hiệu hàng trăm tàu.

Phối hợp với Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, lực lượng Hải quan triển khai thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, nắm tình hình trên biển, đã kịp thời phát hiện bắt giữ hàng trăm vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong đó khởi tố nhiều vụ án hình sự, bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền. Xử phạt vi phạm hành chính hàng trăm vụ vi phạm, thu giữ tang vật và nộp kho bạc nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.

Có được kết quả này là nhờ các quy định, quy trình chặt chẽ về hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Lực lượng Cảnh sát biển là những cơ sở pháp lý quan trọng, là công cụ sắc bén, hữu hiệu để Cảnh sát biển duy trì sự hiện diện và thực thi pháp luật trên biển hiệu quả, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn cho các vùng biển đảo của Tổ quốc./.

Nguyễn Tú

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/quy-dinh-ve-hoat-dong-tuan-tra-kiem-tra-kiem-soat-tren-bien-trong-luat-canh-sat-bien-viet-nam-a20107.html