Vấn đề hiện nay mà xã hội cho rằng mới, nhưng thực ra không mới, bởi bộ sách đã được áp dụng thử nghiệm ở một số tỉnh thành, địa phương cách đây hàng chục năm.
Bộ sách CNGD là tác phẩm của GS Hồ Ngọc Đại. Năm 1981 Bộ GD&ĐT tiến hành cải cách giáo dục tuy nhiên không mang lại hiệu quả. Có năm có đến 650.000 học sinh lớp 1 lưu ban trên tổng số gần 2 triệu học sinh. Đến năm 1986, Bộ GD&ĐT đã quyết định đưa sách của GS Hồ Ngọc Đại vào thử nghiệm. Đến năm 2006 GS Hồ Ngọc Đại mở thêm đề tài nghiên cứu cấp Bộ: "Nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số". Trong những năm sau, Bộ GD&ĐT cho phép mở rộng chương trình giáo dục thí điểm tại các tỉnh: Tây Ninh, Kon Tum, Kiên Giang, Đắk Lắk, An Giang. Đến năm học 2014 - 2015 đã giảng dạy ở 37 tỉnh, thành.
Người quyết định mở rộng phạm vi áp dụng CNGD là nguyên Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Đến nay, gần 50 tỉnh, TP sử dụng, có nơi triển khai 100% các trường dạy theo sách tiếng Việt lớp 1 CNGD.
Theo ông Nguyễn Đức Hữu - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, bộ sách tiếng Việt CNGD của GS Hồ Ngọc Đại tập trung vào ngữ âm, sẽ không có người nói ngọng và viết sai chính tả và cho phép các địa phương tổ chức dạy và học theo chương trình này.
Vì thế, năm học 2013-2014, có 37 tỉnh, thành trong cả nước tự nguyện đăng ký và chính thức áp dụng CNGD nên Bộ GD&ĐT không gọi là thí điểm nữa mà cho phép triển khai nếu địa phương có nhu cầu.
Đối với kỹ năng đọc được đo nghiệm trên 305 em cho thấy tỉ lệ học sinh đạt chuẩn đọc đầu ra 99,02%. Số tiếng trung bình học sinh đọc được cao hơn nhiều so với chuẩn đọc đầu ra của Bộ GD&ĐT, đạt hơn 94 tiếng/phút so với chuẩn 30 tiếng/phút.
Với trình độ viết, tỉ lệ học sinh đạt chuẩn viết đầu ra là 96,40%. Số chữ trung bình học sinh viết được trong 15 phút cao hơn hẳn so với chuẩn của Bộ GD&ĐT đưa ra là chép 30 chữ/15 phút. Ở thời điểm đo nghiệm, học sinh học tiếng Việt lớp 1 CNGD đã có năng lực viết chính tả, trong khi đó, ở chương trình đại trà, đến thời điểm đo vẫn là tập chép.
Tuy nhiên, áp dụng phương pháp giáo dục này khiến nhiều phụ huynh lo lắng, thậm chí cho rằng cách học này không “lạ” bởi sách dạy những tiếng, âm đầu, vần, thanh điệu, âm cuối, trong khi đó tất cả phụ huynh đều chưa được học cách này và cũng không hiểu cách này thì không thể dạy được ở nhà.
Đây chính là thời điểm mà ngành giáo dục, các tác giả nhóm nghiên cứu cần ngồi lại, lấy lại ý kiến để đưa ra kết luận cuối cùng có hay không nên tiếp tục mở rộng sách CNGD ra nhiều tỉnh thành.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, sách Tiếng Việt CNGD lớp 1 không liên quan gì đến chương trình giáo dục phổ thông mới và cũng không liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Bên cạnh đó, chương trình giáo dục phổ thông lớp 1 chỉ cần chú trọng đến các kỹ năng đọc, viết, nghe, nói chứ không nên quá thiên về ngôn ngữ học, chỉ dạy những vấn đề khái quát nhất, cách đánh vần chứ không đi vào chi tiết. Tiếp đến chương trình môn học phổ thông mới hiện nay vẫn chưa được ban hành thì chưa thể gọi là SGK được. Chính vì vậy, sách tiếng Việt chưa được coi là nằm trong chương trình SGK hiện hành. Còn thí nghiệm này muốn chuyển thành tài liệu dạy học được đưa vào trong nhà trường sẽ phải được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, khi cải cách giáo dục nên có sự đồng nhất, có tính hệ thống thì mới được gọi là cải cách thành công. Bộ GD&ĐT cũng không nên cho phép song hành hai cách phát âm như vậy gây nên sự không đồng nhất. Không thể học sinh chỗ này học kiểu này, học sinh chỗ khác học kiểu khác, như vậy sẽ không ổn, gây nên hoang mang trong dư luận đặc biệt đối với phụ huynh.
Đặc biệt khi áp dụng tính đồng nhất, Bộ GD&ĐT cũng nên có sự giải thích rõ ràng và tuyên truyền một cách đầy đủ đặc biệt tới các phụ huynh để nắm chắc và theo dõi con học tập tại trường, hướng dẫn con học tại nhà.
Phương Thảo
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/can-su-thong-nhat-trong-cach-phat-am-tieng-viet-lop-1-a1990.html