Cô độc trong chính gia đình của mình
Trẻ tự kỷ được đưa đến trường, những lời dị nghị như “nó bị tâm thần mà cũng cho đi học”, có trường hợp đến giờ học các em còn bị đuổi ra bên ngoài do ngồi học không đúng tư thế, quậy phá. Tại trường học, không phải ai cũng hiểu và cảm thông đối với chứng tự kỷ ở trẻ em.
Có trường hợp trẻ tự kỷ thường xuyên bị đánh, bạo hành trong trường nhưng không một ai biết, không ai quan tâm. Thậm chí nhiều phụ huynh, gia đình còn không chấp nhận con mình bị chứng tự kỷ, họ sẵn sàng từ chối con người thật của con dẫn đến sai lầm trong cách giáo dục, yêu thương và đưa ra những giải pháp hỗ trợ phù hợp. Khi con trở nên kích động thì gia đình thường đối xử không đúng như đánh con, nhốt vào phòng kín không cho tiếp xúc hoặc chiều theo ý muốn của con… Tất cả những việc xử lý tình huống như vậy đều trở nên sai lầm khiến trẻ ngày càng trở nên bệnh nặng hơn, nhiều trẻ còn mất khả năng nói và nhai.
Việc giáo dục trẻ tự kỷ không đơn thuần chỉ là dạy cái chữ, dạy văn hóa mà còn là cả một quá trình đầy gian nan và phức tạp bởi trẻ tự kỷ chính là một dạng rối loạn phát triển, xuất hiện đối với trẻ từ 1-3 tuổi. Người bị mắc chứng tự kỷ không thích giao tiếp, không thích ra bên ngoài xã hội, không thích chơi với người khác, do đó rất hạn chế về các mặt phát triển tâm lý.
Nhiều em khi mới được đưa đến trường khóc la gần cả tháng trời, không cho ai đụng vào, các cô giáo phải dùng những phương pháp chuyên biệt để tiếp cận các em. Dạy cho trẻ tự kỷ là để các em tự biết sinh hoạt cá nhân, kiềm chế sự tăng động và giúp các em chấp nhận giao tiếp với thế giới xung quanh.
Đau xót hơn, hiện nay xã hội còn coi tự kỷ là một căn bệnh lạ, khinh miệt, định kiến còn cho rằng do đạo đức cha mẹ nên con mình mắc bệnh nên nhiều phụ huynh giấu con trong nhà, không dám đưa con đến cơ sở giáo dục chuyên biệt, đến khi trẻ bệnh nặng thì cho vào trong viện tâm thần. Vì vậy để mang lại việc điều trị tốt nhất cần phải cho cộng đồng hiểu về bệnh tự kỷ, không còn sự kỳ thị và quan niệm sai lầm ảnh hưởng đến sự phát triển, điều trị.
Số lượng trẻ tự kỷ có chiều hướng gia tăng. Do đâu?
Đối với xã hội, trẻ tự kỷ hiện đang là một mối lo ngại bởi hiện nay, tại Việt Nam số lượng trẻ tự kỷ vẫn chưa thể thống kê được tuy nhiên đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân gây nên bệnh tự kỷ vẫn chưa xác định được, nhưng theo nghiên cứ là do khiếm khuyết gen tác động từ môi trường ô nhiễm. Đây là yếu tố gây nên bệnh tử kỷ đối với trẻ. Bên cạnh đó gia đình, xã hội cần phải có cái nhìn thoáng hơn về căn bệnh này, khi phát hiện chúng ta cần phải chấp nhận sự thật và không nên tạo áp lực cho trẻ, càng không được bạo hành ngược đãi trẻ.
Hiện nay số lượng giáo viên giảng dạy trong ngành chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ vẫn còn rất hiếm hoi. Chương trình giảng dạy, giáo dục trẻ thường nặng hơn so với các chương trình thông thường khác. Vất vả, nhiều áp lực tuy nhiên chế độ đãi ngộ còn nhiều hạn chế, vì vậy nhiều sinh viên tốt nghiệp khoa giáo dục chuyên biệt thường không muốn lựa chọn con đường chăm sóc trẻ tự kỷ.
Cô Hoa, hiện tại đang làm giáo viên cho một trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ cho biết, nghề giáo dục trẻ tự kỷ có muôn vàn khó khăn, tuy nhiên một khi đã lựa chọn theo thì sẽ theo mãi. Một tiếng gọi từ trẻ cũng đã khiến các thầy cô và các y bác sĩ hết sức xúc động. Đấy không chỉ là một âm thanh bình thường mà đó là sự chuyển biến. Trẻ có thể nói, có thể giao tiếp chính là niềm hạnh phúc đối với những thầy cô, người thân.
Hơn nữa trẻ bị tự kỷ thường dễ bị xâm hại tình dục bởi các em ít được quan tâm và không có khả năng phản kháng, bảo vệ bản thân nên dễ là nạn nhân của những kẻ bệnh hoạn, biến thái. Có thực tế rằng nhiều gia đình có những bé gái chậm phát triển bị tự kỷ khi đến tuổi dậy thì bố mẹ đưa các em đi triệt sản để tránh những hậu quả đáng tiếc sau này.
Để giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với cộng đồng, ngành giáo dục cần phải đưa ra những tiêu chí riêng để chấp nhận trẻ ở mức độ nào có thể học được, dạy được. Đặc biệt đối với trẻ tự kỷ khi đi học thì không nên tính sĩ số lớp và có đánh giá theo tiêu chuẩn chung bởi các em chỉ có thể học một vài tiết, tham gia những hoạt động chung của nhà trường nhằm giảm áp lực với trẻ và giáo viên giảng dạy. Trường hợp bệnh nặng cần phải có những phương pháp giảng dạy giáo dục đặc biệt chứ không phải là những giáo viên dạy bình thường tại lớp học.
Phương Thảo
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/can-lam-su-cam-thong-va-giao-duc-dung-cach-voi-tre-tu-ky-a1985.html